Nguyễn Ngọc Tư và giải thưởng Literaturpreis 2018: Văn chương vượt qua rào cản lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ

Thứ ba, 24/07/2018 09:07

Theo thông tin từ Nhà xuất bản Trẻ, tác phẩm Cánh đồng bất tận (do Gunter Giesenfeld và Marianne Ngo dịch sang tiếng Đức với tên gọi Endlose Felder) của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã vượt qua tác phẩm của 8 tác giả nữ quốc tế để chiến thắng giải Literaturpreis 2018. Giải thưởng do Litprom - hiệp hội quảng bá văn học Châu Á, Châu Phi và Mỹ Latinh ở Frankfurt (Đức)- bình chọn. Đây cũng là giải thưởng văn học Đức duy nhất được trao tặng độc quyền cho các nhà văn nữ đến từ miền Nam toàn cầu. Dự kiến vào trung tuần tháng 10, Nguyễn Ngọc Tư sẽ được mời đến Hội chợ sách Frankfurt nhận giải khoảng 3.000 EUR tiền thưởng. Ngoài ra, nữ nhà văn còn nhận thêm khoảng 6.000 EUR từ các tổ chức khác để thực hiện dự án viết dành cho nữ giới tại Việt Nam…

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976 tại Cà Mau. Cô đã nhận nhiều giải thưởng văn chương như: Giải I Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần II (2000), Giải B Hội nhà văn Việt Nam (2001), Giải thưởng Văn học Đông Nam Á (2008), Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2006)… Truyện vừa Cánh đồng bất tận đứng đầu trong một cuộc bình chọn truyện ngắn đặc sắc trên báo Văn nghệ. Năm 2006, tập truyện đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2007, tác phẩm được dịch ra tiếng Hàn và được nhà xuất bản Asia tại Seoul phát hành. Năm 2008, tập truyện được dịch sang tiếng Thụy Điển với tên Flutan slut. Truyện cũng được dựng lên sân khấu kịch, đặc biệt thành công khi chuyển thể phim điện ảnh (2010). Theo NXB Trẻ, tới đầu năm 2018, sách đã phát hành 158.274 bản. Cả truyện vừa Cánh đồng bất tận và tập truyện ngắn cùng tên đã được dư luận phản hồi tích cực.

Nội dung tác phẩm Cánh đồng bất tận lấy bối cảnh miền Tây Nam Bộ, nơi có đôi vợ chồng nông dân chân chất Út Vũ sống hạnh phúc bên căn nhà lá nằm cạnh con sông Dài có những hàng mắm cặp mé sông và có với nhau 2 đứa con: Nương, Điền. Tuy nhiên, hạnh phúc không ở lâu với gia đình Út Vũ. Cuộc sống nghèo khó, lại rày đây mai đó khiến ông không thể giữ được tình yêu của người vợ đang trong thời kỳ xuân sắc. Cô bỏ nhà theo một người đàn ông khác, để lại cho chồng 2 đứa con nhỏ bơ vơ và mái nhà tranh vách lá. Hận vợ phụ tình, ông Vũ đốt nhà, dắt con phiêu bạt trên chiếc ghe đi chăn vịt từ cánh đồng này đến cánh đồng khác. Thời gian thấm thoát trôi, những cánh đồng mà cha con ông Vũ đi qua không sao kể xiết, nhưng nỗi hận trong lòng ông vẫn không thể nguôi ngoai. Và cứ thế, trên những cánh đồng bất tận, những bi kịch không hề dừng lại đến tận trang sách cuối cùng. Dù vậy, ẩn sau câu chuyện đơn giản ấy, là cả một triết lý sâu sắc mà nhà văn muốn nhắn gửi đến người đọc: dù trong hoàn cảnh nào cũng nên lạc quan, tin yêu vào cuộc sống. Bởi đêm tối rồi sẽ qua đi, ánh dương rồi lại sẽ soi rọi muôn nơi, và đôi khi cần phải biết tha thứ để lòng được nhẹ nhàng hơn..

Năm 2007, trong lần tác phẩm này được dịch ra tiếng Hàn và được nhà xuất bản Asia tại Seoul phát hành, Nguyễn Ngọc Tư bộc bạch: “Khi tôi, cô con gái nhà nông quẩn quanh trong vườn nhà viết những trang văn đầu tiên, tôi bắt đầu tin văn chương thay đổi được số phận con người, ít ra là thay đổi số phận tôi. Khi tôi, một người viết văn non nớt đón nhận những phản hồi đầu tiên từ độc giả của mình, tôi bắt đầu tin văn chương kỳ diệu, khi gắn kết những con người xa xôi ở những vùng đất xa xôi xích lại gần nhau. Tôi bắt đầu tin văn chương cũng có lửa, làm tan chảy những bức tường thép mà mỗi người tự dựng lên; văn chương cũng là băng, gắn kết những ốc - đảo - người thành một khối, văn chương cũng là nước, dịu dàng mà mãnh liệt vượt qua những rào cản của lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ…”. Cũng theo Nguyễn Ngọc Tư: “Đã có nhiều câu hỏi đặt ra, tại sao tôi viết “Cánh đồng bất tận”. Tôi nói rằng tôi muốn vượt qua mình, muốn thử sức mình, muốn làm mới mình. Nhưng tôi cũng tự hỏi, tại sao tôi viết “cánh đồng bất tận”. Ký ức giả vờ thản nhiên kể tôi nghe một câu chuyện trong kho tàng văn học cổ, chuyện rằng người vợ có chồng đi chinh chiến, đêm đêm nàng chỉ bóng nàng trên vách, bảo với đứa con, kia là cha con. Khi người lính trở về, đứa bé không nhận cha, nó nói nó đã có cha, đêm đêm vẫn đến. Và người mẹ đã trầm mình dưới lòng sông để chứng minh sự tiết hạnh, trong sạch của mình… Người ta thường quá tự tin vào mắt, vào tai mình, người ta không dè dặt trước chữ “biết”. (Lời ngỏ cho cuốn sách đã in rồi).

Và giờ đây, ngay sau thông tin về sự kiện tập truyện "Cánh đồng bất tận" được trao giải thưởng Litprom ở Đức, Nguyễn Ngọc Tư cho hay, khi nhận được thông báo chính thức, và cả trước đó, khi dịch giả Günter Giesenfeld báo bản dịch Cánh đồng bất tận dẫn đầu bầu chọn của Litprom tại sự kiện Sách hay mùa đông lần thứ 37 (Đức), tôi đã trả lời thư rằng, đó là nhờ ông, và đây là niềm vui chung của chúng ta. Lời đó không phải là đãi bôi, mà thật sự một tác phẩm đến với người đọc bằng ngôn ngữ khác, nó không hoàn toàn là của mình. Một tác phẩm gốc có hay tới đâu, mà bản dịch tệ thì cũng chẳng có giá trị gì.

TRẦN TRUNG SÁNG

Liberaturpreis là giải thưởng được thành lập đã 30 năm, dành cho các tác giả nữ đến từ châu Á, Phi, Mỹ Latinh, Thế giới Ả Rập và vùng Caribe. Năm nay, giải Liberaturpreis 2018 đã thuộc về nhà văn đến từ Cà Mau, Việt Nam Nguyễn Ngọc Tư với tác phẩm "Cánh đồng bất tận". Tác phẩm này đã được dịch ra tiếng Đức bởi giáo sư Gunter Giesenfeld, nhà giáo Marianne Ngo. Năm 2017, bản dịch đã dẫn đầu bình chọn của Litprom tại sự kiện "Sách hay mùa đông" lần thứ 37 tại Đức.