Nhiều nước đối mặt áp lực nới lỏng lệnh phong tỏa

Thứ ba, 14/04/2020 16:42

Căng thẳng ở nhiều quốc gia trong cuộc chiến chống Covid-19 đang bùng nổ giữa chính phủ vốn muốn duy trì giãn cách xã hội và công dân mong được tiếp tục cuộc sống của họ khi áp lực kinh tế đè nặng và các ca nhiễm chậm lại ở một số nơi.

Người dân Anh vẫn đổ ra đường trong thời gian lệnh hạn chế đi lại được áp dụng để phòng chống dịch Covid-19.   Ảnh: AP

Trong một tuyên bố, các quan chức Hàn Quốc cảnh báo, những tiến triển khó khăn trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 đang đối mặt thách thức mới bởi các ca bệnh mới tại các quán bar và các điểm giải trí, và nhấn mạnh, việc nới lỏng lệnh phong tỏa có thể sẽ khiến mọi việc tồi tệ hơn.

Tiếp tục siết chặt hay nới lỏng

Một số quốc gia Châu Âu đã bắt đầu các động thái cho việc giảm bớt những hạn chế. Tây Ban Nha - một trong những quốc gia Châu Âu bị thiệt hại nặng nề nhất - đã báo cáo ca nhiễm mới thấp nhất trong 3 tuần, và bắt đầu nới lỏng hạn chế trong ngày 13-4, cho phép công nhân trong một số ngành công nghiệp không quan trọng quay trở lại các nhà máy và công trường xây dựng.

Tại Hàn Quốc, các ca nhiễm mới cũng chậm lại từ đầu tháng 3, khi các báo cáo có khoảng 500 ca nhiễm mới mỗi ngày. Tuy nhiên, các quan chức đã cảnh báo về sự lây lan âm thầm trong xã hội, tại các địa điểm như quán bar. Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cho biết, các quan chức đang thảo luận về các hướng dẫn công khai mới cho phép mọi người tham gia vào một số hoạt động kinh tế và xã hội nhất định, đồng thời duy trì khoảng cách để làm chậm sự lây lan của virus.

Chính phủ Italia cho biết, cuối tuần qua, hơn 12.500 người bị xử phạt và 150 người phải đối mặt với cáo buộc hình sự vì vi phạm lệnh phong tỏa dù hiện tại nước này đã ghi nhận số ca tử vong do virus thấp nhất trong 3 tuần qua. Trong khi mọi sự chú ý tập trung vào Mỹ và Nam Âu, các điểm nóng mới đã xuất hiện ở Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh, nơi số người chết vượt qua 10.000.

Thủ tướng Anh, Boris Johnson, nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới bị mắc bệnh, đã bày tỏ sự cảm kích đối với dịch vụ y tế quốc gia, sau khi ông ra viện. Ông cảm ơn các bác sĩ và y tá của ông đã cứu sống mình, đặc biệt cảm ơn hai y tá đã đứng cạnh giường ông trong 48 giờ, khi mọi thứ diễn ra tồi tệ nhất. Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, đã chứng kiến số ca mắc mới tăng nhanh trong những ngày gần đây. Các Cty Nhật Bản đã chuyển sang làm việc từ xa và mọi người vẫn đi lại, ngay cả sau khi có tình trạng khẩn cấp cho 7 quận, bao gồm Tokyo.

Trong nỗ lực để khuyến khích công dân ở nhà, chính phủ đã công bố đoạn video dài 1 phút cho thấy, Thủ tướng Shinzo Abe đang vuốt ve chú chó của mình, đọc một cuốn sách, nhấm nháp ly trà ở nhà. Tuy nhiên, động thái này lại vấp phải nhiều chỉ trích cho rằng, ông Abe đã quá vô cảm khi không nghĩ tới những người lao động hàng ngày, vốn đang phải vật lộn để kiếm sống khi dịch bệnh bùng phát.

Mỹ sẽ mở cửa lại nền kinh tế vào ngày 1-5?

Tại Mỹ, tâm dịch lớn nhất hiện nay trên thế giới, các quan chức tranh cãi về mục tiêu ngừng cách ly xã hội, mở cửa kinh tế vào ngày 1-5.

Trong đó, Tổng thống Donald Trump nói, ông hy vọng có thể nới lỏng các giới hạn cách ly xã hội được đặt ra để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan và mở cửa kinh tế từ ngày 1-5. Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ Anthony Fauci  cũng cùng quan điểm với ông chủ Nhà Trắng, cho rằng, nước này có thể bắt đầu mở cửa trở lại vào tháng 5. Ông Fauci nói thêm rằng, các khu vực trên khắp nước Mỹ sẽ có thời gian "trở lại" khác nhau, thay vì toàn bộ cả nước đồng loạt mở cửa. Tuy nhiên, nhiều quan chức khác cho rằng, việc mở cửa lại trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang hoành hành là quá nguy hiểm, đồng thời kêu gọi ông Trump phải biết "hy sinh nền kinh tế" trong lúc này. Các thống đốc bên đảng Cộng hòa cũng có chung quan điểm. Khi được hỏi về các hướng dẫn giãn cách xã hội, Thống đốc Ohio Mike DeWine tuyên bố: “Chúng tôi phải tiếp tục làm việc đó”. Lãnh đạo các bang đông dân và chịu ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19 cam kết thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh mạnh mẽ. “Chúng tôi cũng muốn mở cửa lại sớm nhất có thể. Nhưng cần phải hành động thông minh trong vấn đề này”, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo nói.

Trên thực tế, Tổng thống Trump cũng không phải người sẽ quyết định khi nào đưa cuộc sống bình thường trở lại ở các thành phố, tiểu bang trên khắp nước Mỹ.  Mà vấn đề này nằm trong tay các thống đốc và thị trưởng các bang. Họ chính là những người nắm quyền lực thực sự trong thực thi việc đóng cửa các hoạt động cũng như liên tục chịu áp lực hơn trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng so với Tổng thống. Bản thân Tổng thống Trump cũng nhẹ nhàng hơn trong vấn đề này khi nhấn mạnh ông “chắc chắn lắng nghe” khuyến nghị của các chuyên gia y tế khi cân nhắc quyết định mở cửa lại nền kinh tế. Ông chủ Nhà Trắng cho biết đang tập hợp “hội đồng quốc gia về mở cửa lại nền kinh tế”, sẽ công bố vào hôm nay (14-4).

Cho đến nay, có hơn 22.000 ca tử vong ở Mỹ do dịch Covid-19, cao nhất thế giới. Khoảng một nửa số ca tử vong này là ở New York, nhưng số ca nhiễm đang chậm lại ở tiểu bang và các chỉ số khác cho thấy, lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội đã giúp làm phẳng đường cong của dịch bệnh.

KHẢ ANH