Nhiều trẻ em bị dụ dỗ, ép buộc lao động
(Cadn.com.vn) - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc xảy ra tình trạng “cò” việc làm thường xuyên đến các địa phương để tìm người. Đối tượng mà chúng nhắm đến là trẻ em thất học ở vùng sâu, vùng xa. Một viễn cảnh tốt đẹp được vẽ ra để rồi những gia đình phải chịu cảnh mất con.
Thống kê sơ bộ của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắc Lắc, trên địa bàn hiện có khoảng 150 em ở độ tuổi 9-15 bị dụ dỗ đi lao động ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai... Nhiều trường hợp khi đi làm xa thì cha mẹ không liên lạc được. Đơn cử như em Nguyễn Thị Huệ (15 tuổi, trú xã Buôn Tría, H. Lăk, Đắc Lắc) sau khi vào Bình Dương làm thuê cho một cơ sở đèn cầy đã bặt vô âm tín. Người nhà cho biết, sau khi hết việc ở Bình Dương thì Huệ quen một phụ nữ và được dẫn sang tỉnh Tây Ninh. Sau 9 tháng, người nhà cố tìm kiếm và nhờ cậy người quen nhưng vẫn chưa có thông tin gì. Ông Nguyễn Đức Toản (chú ruột Huệ) bảo rằng, ban đầu Huệ có gọi về và thông báo đi theo một phụ nữ đến một nơi hoang vắng, không có dân cư. Người này sắm cho Huệ nhiều áo quần đẹp và hứa sẽ trả lương cao. Tại xã Ea Phê (Krông Păk) cũng có nhiều gia đình có con em đi nơi khác lao động, nhiều tháng trời không liên lạc được, người nhà vô cùng lo lắng. Bà H’ơng K’Căm có cháu nội 13 tuổi đi làm ở TPHCM, nghe bảo một người trong xã này đã đưa ra lời ngon ngọt để dỗ dành nó theo.
Chị Hoàng Thị Tuyên vẫn lo lắng vì con gái mình có thể bị lừa đi lúc nào không hay. |
Bà con Buôn Triết, xã Dur Kmăl, H. Krông Ana vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghe câu chuyện của những cô bé đã nhanh chân thoát khỏi kẻ lừa đảo chuyên nghiệp. Vũ Thị Uyên (2001), Lưu Thị Hồ Uyên (2001), Nguyễn Thị Hảo (2001), Nguyễn Thị Thủy Nguyệt (2002, cùng trú Buôn Triết) nghe lời của bạn học cùng khóa là H Chi Suk bắt xe vào TPHCM để bán cà-phê. H Chi Suk không đi mà chỉ là người giới thiệu lên Bến xe phía Bắc Đắc Lắc sẽ có một phụ nữ ra đón. Tất cả các em đã cầm cố điện thoại để làm lộ phí vì mức lương mà H Chi Suk bảo là 3,5 triệu đồng/tháng. Em Nguyễn Thị Thủy Nguyệt kể lại: “Bạn cùng khóa H Chi Suk điện thoại cho chúng em và bảo rằng đi làm bưng bê cà-phê ở TPHCM với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng. Chúng em theo lời hướng dẫn đã bắt taxi đến trước Siêu thị Co.opmart Đắc Lắc, cạnh Bến xe phía Bắc Đắc Lắc thì có 2 phụ nữ ra đón. Một người bán hàng nước ở đó, một người thì nơi khác đến, sau đó họ đưa cho chúng em nước giải khát để uống. Mới uống vài ngụm thì chúng em thấy nhức đầu, quay cuồng nên bỏ chạy. Vì trước đó họ nói rằng uống nước này xong thì sẽ thuê cho một phòng trọ để nghỉ ngơi, sáng mai đi tiếp”.
Cha mất vì TNGT, đang học lớp 7 nhưng Nguyệt muốn tìm việc làm để đỡ đần gia đình. Chị Hoàng Thị Tuyên (1977, mẹ Nguyệt) nhớ lại rằng hôm đó đang đi làm thuê cho người khác thì nhận được tin từ hàng xóm thông báo con mình bỏ đi, chị không tin nhưng về nhà thì không thấy đâu cả. Tất cả gia đình có con cái vừa đi khỏi buôn đều tung ra các hướng để tìm kiếm, người thì liên lạc với cơ quan CA để được giúp đỡ. Đến 2 giờ hôm sau, khi thấy con trở về trong bộ dạng mệt mỏi, chị Nguyệt không khỏi lo lắng. Chị bảo: “Giờ nó ở nhà nhưng cũng lo lắng lắm, vì bạn bè nó có thể rủ đi lúc nào không hay, cháu còn quá nhỏ nên khó có thể nhận thức được những tai ương từ lời hứa tiền bạc”.
Trưởng CAX Dur Kmăl - Y Thin Hmôk cho biết: “Với địa hình phức tạp, thôn bản nghèo khó, nhiều đối tượng trẻ phải đi nơi khác để mưu sinh, đây là cơ hội cho bọn cò mồi lao động trẻ em dụ dỗ. Vì nhận thức quá non nớt nên các em không lường trước được những tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm sẽ đến với mình”. Anh Y Thin Hmôk cũng nói thêm rằng, H Chi Suk đã nhiều lần rủ rê các bạn học đi làm. Nhưng đối tượng này không đi mà chỉ là người giới thiệu, có thể nói bàn tay của cò mồi lao động trẻ em đã cài cắm sẵn trong thôn buôn, có cơ hội là chúng rủ rê ngay. Chúng tôi đã trực tiếp làm việc với người giám hộ là cha mẹ của H Chi Suk nhưng họ không hợp tác. Đây là khó khăn lớn, vì các đối tượng rủ rê, lôi kéo chưa đủ tuổi, khó có thể xử lý và răn đe.
Sở LĐ-TB&XH Đắc Lắc cho biết, khi đến các địa điểm làm việc, trẻ em thường bị chủ các cơ sở bóc lột, điều kiện ăn ở thiếu thốn, môi trường làm việc nặng nhọc. Điều đáng lo ngại là ngay cả gia đình của các em cũng không biết hiện tại các em đang ở đâu và làm việc gì, nên rất khó để xác minh. Điều này tiềm ẩn nguy cơ trẻ em bị bắt cóc hay đẩy vào các động mại dâm, đường dây buôn bán ma túy và các tệ nạn khác...
Nhiều miền quê nghèo ở Đắc Lắc đang thành miếng mồi béo bở cho các “cò” lao động trẻ em. Trước những lời hứa có cánh về tiền bạc thì các gia đình nên cẩn trọng vì con cái mình có thể sống trong cảnh tối tăm.
Tứ Đức