Nhiều vấn đề dân sinh được đề cập tại tiếp xúc cử tri

Thứ tư, 23/11/2022 09:44
Ngày 22-11, các đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng tiếp xúc cử tri tại huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ và quận Hải Châu. Các ông: Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng; Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Lê Trung Chinh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố tham dự các hội nghị tiếp xúc cử tri.
Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh tiếp xúc cử tri P. Hòa Cường Nam sáng 22-11.
Ông Nguyễn Văn Quảng-Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng báo cáo kết quả kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV và trả lời ý kiến cử tri Hòa Vang.

Dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng người dân

Ngày 22-11, Ban Thường vụ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, gồm ông Nguyễn Văn Quảng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội, ông Trần Chí Cường - Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Duy Minh - Thành ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng, Ủy viên Ủy ban Văn hóa của Quốc hội với các cử tri huyện Hòa Vang nhằm báo cáo kết quả kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, đồng thời thu thập ý kiến, nguyện vọng của cử tri để phản ánh tại các kỳ họp tiếp theo.

Tại Hội nghị, cử tri huyện Hòa Vang đã nêu nhiều ý kiến về các vấn đề, đời sống, dân sinh, chế độ chính sách... Cử tri Lê Đức, xã Hòa Tiến nêu: Những quy định về đất nghĩa trang hiện nay thế nào, vấn đề tang lễ, vấn đề hỏa táng đối với người đã mất nhằm thực hiện nếp sống văn minh, yêu cầu các cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu. Cử tri Trần Thị Kim Chi ở xã Hòa Châu nêu: Mức phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách ở xã hiện nay quy định ra sao? Cử tri Đoàn Vinh ở xã Hòa Liên nêu: Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường ĐT601 qua địa bàn xã quá chậm tiến độ, gây bức xúc trong nhân dân; tuyến kênh thoát lũ trên địa bàn chưa hoàn chỉnh gây ngập lụt nhiều khu dân cư khi mưa lũ. Cử tri Nguyễn Thanh Tường ở xã Hòa Ninh phản ánh, dự án đường Vành đai phía Tây qua địa bàn tiến độ thi công quá chậm, nhiều diện tích đất đai của người dân bị ảnh hưởng dự án hiện vẫn chưa được thu hồi, chưa giải quyết đền bù, hỗ trợ người dân. Cử tri Huỳnh Hứa ở xã Hòa Nhơn phản ánh, thôn Phước Thuận, Phước Hậu trên địa bàn xã có nhiều quy hoạch dự án nhưng không triển khai ảnh hưởng đến đời sống người dân; các đơn vị khai thác đất đá, gây bồi lấp ruộng đất nhưng việc đền bù, hỗ trợ người dân chậm trễ... Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố đã yêu cầu lãnh đạo huyện Hòa Vang trả lời từng ý kiến với cử tri.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng đã báo cáo cho các cử tri Hòa Vang nắm rõ hơn, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV là một kỳ họp quan trọng, đã thông qua 6 luật, 7 dự thảo luật, trong đó có những bộ Luật rất quan trọng như Luật Đất đai sửa đổi. Huyện Hòa Vang là một địa bàn quan trọng liên quan đến lĩnh vực đất đai ở TP Đà Nẵng, khi Luật Đất đai hoàn chỉnh, sẽ thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn. Trong thời gian tới, thành phố sẽ có kế hoạch lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân để góp ý về dự thảo Luật Đất đai. Hòa Vang cũng là địa bàn chiến lược của TP Đà Nẵng, khi dự án Luật Phòng thủ dân sự có hiệu lực sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý về lĩnh vực phòng thủ dân sự khi triển khai công tác này...

Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố rất quan tâm đến các ý kiến của các cử tri, như về vấn đề tang lễ. Từ năm 2005, Chính phủ đã có quy định về vấn đề thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội... Bộ Văn hóa, Bộ Y tế cũng đã có quy định cụ thể về vấn đề này. Vấn đề hỏa táng người đã mất, thành phố nên có cơ chế khuyến khích việc này ở địa phương. Về chế độ cho cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thành phố có kiến nghị Bộ nội vụ để trả lời vấn đề này. Đối với các dự án như đường ĐT601, kênh thoát lũ Hòa Liên chưa hoàn chỉnh, chưa khớp nối, đường vành đai phía Tây thi công chậm tiến độ, đề nghị UBND thành phố kiểm tra, đôn đốc, cho các nhà thầu, đơn vị thi công cam kết thời gian hoàn thành, trả lời bằng văn bản cho nhân dân nắm rõ... Nhiều vấn đề còn vướng mắc, phức tạp yêu cầu UBND thành phố, UBND H. Hòa Vang, các ngành chức năng trả lời bằng văn bản cho cử tri được rõ.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri phường Hòa Thọ Đông.

Hạ tầng giao thông xuống cấp gây khó khăn cho việc đi lại

Ngày 22-11, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết và các đại biểu HĐND thành phố gồm ông Đinh Vui - Phó Trưởng Ban đô thị HĐND thành phố, ông Trần Tuấn Lợi - Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố và bà Nguyễn Thị Anh Thảo - Phó Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng có buổi tiếp xúc cử tri tại phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ trước kỳ họp cuối năm 2022, HĐND thành phố Khoá X, nhiệm kỳ 2021- 2026.

Thay mặt Tổ đại biểu, bà Nguyễn Thị Anh Thảo đã thông tin đến cử tri phường Hòa Thọ Đông về tình hình phát triển kinh tế- xã hội của thành phố trong thời gian qua; các nội dung của kỳ họp cuối năm 2022, HĐND thành phố khóa 10 sắp tới; đồng thời báo cáo kết quả trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trong lần tiếp xúc trước.

Phát biểu ý kiến, các cử tri đã kiến nghị các vấn đề liên quan đến công tác an sinh xã hội, hạ tầng giao thông xuống cấp gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, có tuyến đường không được quét gây bụi, ô nhiễm môi trường; trường tiểu học Hoàng Dư Khương xuống cấp cần được đầu tư nâng cấp, sửa chữa; lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh gây cản trở cho người dân đi bộ; hệ thống cáp viễn thông lòng thòng gây nguy hiểm, cần được gom lại để tạo mỹ quan; thành phố cần có giải pháp về hạ tầng thoát lũ, xử lý thoát nước tại các khu vực trũng thấp, đặc biệt là khu vực cống lò vôi (Nguyễn Nhàn- Cách Mạng Tháng 8). Một số cử tri quan tâm đến dự án nút giao thông Đông Nam Hòa Cầm triển khai chậm, kéo dài gây nhiều hệ lụy đến đời sống người dân, ô nhiễm môi trường, ngập úng thường xuyên diễn ra... Tất cả ý kiến của các cử tri đã được các đại biểu HĐND thành phố và Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ Hồ Văn Khoa, đại diện các sở, ngành liên quan tiếp thu và được giải trình tại chỗ đối với một số nội dung thuộc thẩm quyền.

Tại hội nghị, ông Lương Nguyễn Minh Triết thay mặt Tổ đại biểu ghi nhận tiếp thu và cho rằng các ý kiến của cử tri rất cụ thể, sát với thực tế. Những vấn đề này thành phố đang rất quan tâm, nhất là các lĩnh vực quản lý đô thị, vệ sinh môi trường, chống ngập úng và đầu tư hạ tầng khu dân cư để ổn định dân sinh. Các ý kiến của cử tri sẽ được tổng hợp, báo cáo, kiến nghị UBND thành phố và các ngành chức năng xem xét, giải quyết theo đúng thẩm quyền.

Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh tiếp xúc cử tri P. Hòa Cường Nam sáng 22-11.

Tổng rà soát Nhà sinh hoạt cộng đồng

Trong ngày 22-11, trả lời ý kiến cử tri 2 phường Hòa Cường Nam và Hòa Cường Bắc (Q. Hải Châu) về các vấn đề liên quan đến Nhà sinh hoạt cộng đồng (NSHCĐ), Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cho biết, TP đang tiến hành tổng rà soát, đánh giá hiệu quả sử dụng của các NSHCĐ để xây dựng Đề án mạng lưới NSHCĐ, nhà họp tổ dân phố, thôn để triển khai trong thời gian tới.

Tại cuộc tiếp xúc, cử tri 2 phường đã nêu lên nhiều vấn đề cấp thiết cần được giải quyết xảy ra trên địa bàn thành phố nói chung và địa bàn 2 phường nói riêng. Nhiều cử tri có ý kiến về việc thiếu các NSHCĐ trong khu dân cư, người dân không có nơi để hội họp, phải mượn tạm nhà dân. Một số NSHCĐ khác không có người quản lý nên xuống cấp, nhếch nhác. Như ông Phan Quốc Tuấn (P. Hoà Cường Nam) trình bày, NSHCĐ của Chi bộ 7 Tiên Sơn khởi công vào năm 2014, đưa vào sử dụng hồi đầu năm 2015. Từ đó đến nay đã phải sửa chữa 3 lần nhưng vẫn không sử dụng được. Nguyên nhân là nước thấm qua ổ điện. Nhiều lần họp tổ dân phố, bà con khiến nghị nhưng chính quyền chưa giải quyết. Sau trận mưa ngập lớn hôm 14-10, một mảng tường bị đổ gây nguy hiểm. Ngoài ra, NSHCĐ này cũng không có nước, nhà vệ sinh hôi hám.

Trả lời kiến nghị của người dân, Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cho biết, hiện nay, TP đang chỉ đạo các địa phương tổng rà soát, kiểm tra, đánh giá lại hiệu quả từng NSHCĐ. Sau bước này, TP sẽ quy hoạch theo hướng không phải mỗi tổ dân phố có một NSHCĐ mà sẽ theo quy mô của khối tổ. Theo đó, tùy theo quy mô của 3-4 tổ dân phố và vị trí địa lý, không gian để bố trí một NSHCĐ có cơ sở vật chất khang trang để phục vụ cho người dân. “NSHCĐ cũng sẽ kết hợp là nơi phòng chống lụt bão và tổ chức các hoạt động khác. Chúng tôi cũng sẽ huy động cơ sở vật chất, phòng học của trường học, trụ sở cơ quan để làm điểm NSHCĐ”, Chủ tịch UBND TP nói thêm.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP cũng thông tin, công tác quản lý các NSHCĐ cũng sẽ có cơ chế với sự tham gia của tổ dân phố và có kinh phí, chế độ quản lý để tránh tình trạng bỏ ngỏ, “cha chung không ai khóc” như vừa qua.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, Sở Xây dựng cũng cho biết, vừa qua Sở đã có công văn đôn đốc, đề nghị UBND các quận, huyện khẩn trương tiến hành phối hợp với đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan triển khai rà soát, đánh giá hiện trạng, đề xuất quỹ đất, bổ sung thêm các vị trí NSHCĐ để giải quyết kiến nghị cử tri, tính toán quy mô, lập kế hoạch đầu tư tích hợp hoàn thiện Đề án mạng lưới NSHCĐ. Việc rà soát dựa trên nguyên tắc: rà soát, xác định cụ thể cần thiết đầu tư để đề xuất việc đầu tư xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, lựa chọn vị trí phù hợp với nhu cầu thực tế, đề xuất các mục đích sử dụng phục vụ cộng đồng dân cư, tiếp cận được nhiều đối tượng, nâng cao tần suất sử dụng và khai thác hết hiệu quả của công trình, tiết kiệm quỹ đất và ngân sách.

H.THANH - M.VINH – X.SƠN