Nhìn lại Văn học Đà Nẵng năm 2022

Thứ sáu, 02/12/2022 15:41
Theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật (HĐNT)Hội Nhà văn TP Đà Nẵng, do nhiều yếu tố khách quan, số lượng các tác phẩm Văn học của các tác giả tại Đà Nẵng ấn hànhnăm qua có phần giảm sút đáng kể, so với các năm trước. Trong đó, tham gia Giải thưởng Văn học Đà Nẵng năm 2022, có 5 tập thơ, 1 tiểu thuyết, 1 tiểu luận- phê bình và 1 tập dịch thuật.
Văn học Đà Nẵng năm 2022.
Văn học Đà Nẵng năm 2022.

Kết quả Giải thưởng Văn học Đà Nẵng năm 2022 vừa được HĐNT Hội Nhà văn Đà Nẵng xét chọn và chính thức thông báo như sau: Giới thiệu tập thơ Biến thể của Nguyễn Nho Khiêm (NXB Hội nhà văn, 2022) để Liên hiệp các Hội VHNT TP Đà Nẵng trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật (VHNT) năm 2022. Trao tặng thưởng Hội Nhà văn TP Đà Nẵng năm 2022 cho tập thơ Những âm thanh bên bờ sông lấp của Nguyễn Nhã Tiên (NXB Hội Nhà văn 2022). Ngoài ra, tác phẩm Vệt thời gian, tiểu luận phê bình của Nguyễn Thị Thu Thủy (NXB Hội Nhà văn 2022) được giới thiệu đến Liên hiệp các Hội VHNT Trung ương để tham dự việc xét Giải thưởng VHNT toàn quốc năm 2022.

Đáng chú ý, năm nay, cùng một thời điểm nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm đã cho ra mắt hai tuyển tập thơ chọn lọc: Biến thể và Bên cửa sổ (NXB Hội Nhà văn, 2022). Trong đó, Biến thể gồm 50 bài thơ mang đậm dấu ấn thời sự, phản ánh hiện thực, nhiều bài được ra đời trong đại dịch COVID-19. Nơi ấy, nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm đong đầy những cảm xúc, từ thắc thỏm âu lo, đến đau thương với những mất mát của người thân, bạn bè, và cả sự thương cảm, ngưỡng mộ những người ở tuyến đầu chống dịch. Biến thể có thể được xem là sự sáng tạo nghệ thuât đã vượt ra khỏi cái giới hạn khô khan, trần trụi để có những bài thơ làm rung động trái tim và neo đậu trong tâm hồn người đọc.

Trong khi đó, Bên cửa sổ gồm 137 trang thơ kết đọng tình cảm của Nguyễn Nho Khiêm về mảnh đất, con người. Bên cạnh những bài thơ viết tặng bạn bè là những thi phẩm đầy ắp hồi ức về tuổi thơ nơi mái nhà xưa có cha mẹ, với khói đốt đồng vương vít buổi hoàng hôn cùng tiếng võng ru à ơi thời thơ bé…

Nơi ngày đông gió thổi ( NXB Hội Nhà văn, 2022) là tập sách thứ 5 và là tập trường ca đầu tiên của Đinh Thị Như Thúy, bao gồm 21 khúc, thể hiện những trăn trở của một người đàn bà làm thơ mang nhiều nỗi ưu tư về thân phận con người. Trong đó, bối cảnh không gian là vùng đất Tây Nguyên và thời gian trải dài từ chiều quá khứ đến chiều tương lai, những đồng hiện, đan cài giữa mơ và thực. Giới thiệu về tác phẩm này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: "Khu vườn của người đàn bà tên Thúy hình như lúc nào cũng thẫm tối rồi một lúc nào đó lóe lên ánh sáng của "vạt quỳ trổ hoa muộn ánh lên những vệt vàng". Những bông hoa dã quỳ trong một hiện thực không mọc trong vườn của chị. Nhưng câu thơ đó đã làm những cánh dã quỳ sáng rực cả khu vườn".

Miền mây trắng (NXB Hội Nhà văn, 2022), thi phẩm mới của nhà thơ Vạn Lộc gồm 62 bài (lục bát, tự do, thất ngôn bát cú), nội dung mang tâm trạng đau buồn riêng tư, nhưng vẫn giữ được cốt cách ấm áp, thâm thúy trong cách thể hiện cân bằng, hài hòa giữa cảm xúc bi quan và lạc quan, phân định liều lượng cần và đủ giữa các hiện tượng ngẫu nhiên và tất nhiên, tạm bợ và vĩnh cửu… Miền mây trắng, với Vạn Lộc như là một nơi chốn yên bình mà nhà thơ tìm đến để tự yên ủi, vỗ về mình bằng những sợi tơ ký ức yêu thương, xót xa mà ngọt ngào... Và điều đó, đã nhanh chóng đem đến sự rung cảm, sẻ chia cho những tâm hồn đồng điệu yêu thơ và yêu chân thiện mỹ.

Vệt thời gian (NXB Hội Nhà văn 2022), tiểu luận phê bình của Nguyễn Thị Thu Thủy là tập sách đầu tay của tác giả, gồm 42 bài nghiên cứu về những sáng tác văn học của các nhà văn, nhà thơ đa phần ở xứ Quảng. Qua đó, Nguyễn Thị Thu Thủy nêu rõ những tố chất, kỹ năng và phương pháp của người viết phê bình, đó là nhạy cảm, tinh tế trong cảm nhận, phát hiện từ chủ đề, thi tứ đến những thủ pháp nghệ thuật. Đặc biệt ở mảng thơ, tác giả tạo dựng phương pháp tiếp cận không đóng khung gói trọn trong văn bản. Chị lọc đãi và nhặt nhạnh ra những câu thơ hay, rồi phân tích, cảm thấu để từ đó thực hiện đúng chức năng của người viết phê bình, tiếp tục dẫn dắt người đọc đi vào cõi thơ bao la, huyền mị, và góp phần khai mở cái đẹp trong thơ.

Những âm thanh bên bờ sông lấp (NXB Hội Nhà văn 2022), tuyển tập thơ Nguyễn Nhã Tiên gồm hơn 70 bài thơ thể hiện tấm lòng của một thi sĩ tha thiết với thơ ca, làng quê và với chính cuộc đời này. Nguyễn Nhã Tiên cho biết, từ năm 2003 - tức từ sau tập thơ Khúc hồi âm của lá đến nay, gần 20 năm sau ông mới in thơ trở lại. Tuy nhiên, theo nhận định của những người yêu thơ thì: "Những tác giả, càng lớn tuổi thì độ chín chữ, nghĩa, khả năng sáng tạo càng mạnh mẽ. Họ là những người có được cả hai thành tố đáng quý: độ bền và đường trường. Với tôi, Nguyễn Nhã Tiên nằm trong số này..." (Trương Xuân Lan). Đặc biệt, trong thơ Nguyễn Nhã Tiên, các từ địa phương đậm đặc chất Quảng Nam như: ngọt xớt, chừ, xa lắc, mô, cũ càng... được ông vận vào thơ hài hòa và nhuần nhuyễn vừa tạo nét cá tính thơ, vừa đậm chất hồn quê cổ xứ và đầy sức hút.

Khi chim én về (NXB Hội Nhà văn 2022), là tập sách thứ 3 của nhà văn Trần Thiên Hương, được viết dưới dạng tiểu thuyết. Truyện lấy bối cảnh lịch sử nước ta giai đoạn khởi nghĩa chống thực dân Pháp của cụ Hoàng Hoa Thám, từ đó tác giả đã xây dựng một câu chuyện về Tình yêu và Số phận. Câu chuyện xoay quanh ba nhân vật: Kiều Trang, Chiêu và Jonathan. Số phận cuốn họ vào vòng xoáy của tình yêu. Ba nhân vật với ba cách nhìn khác nhau về cuộc sống, nhưng sự tương quan tình cảm giữa người này với người khác đã tạo nên một tình yêu đẹp và buồn.

Nội dung Khi chim én về có nhiều tình tiết hấp dẫn, lôi cuốn. Tuy nhiên, câu chuyện còn hứa hẹn tiếp nối ở phần hai sẽ ra mắt thời gian đến, thì người đọc mới có thể đưa ra đánh giá tròn vẹn, đầy đủ về tổng thể tác phẩm.
Những bài Thơ Tagore (Nxb Kim Đồng, 2022) được dịch giả Bùi Xuân giới thiệu, nguyên đã được xuất bản lần đầu bằng tiếng Anh vào tháng 2-1942, gồm các bài thơ được R. Tagore viết rải rác từ năm 1886 đến năm 1941. Với độc giả Việt Nam từng đã được làm quen với các tác phẩm của Rabindranath Tagore từ những năm 60-90 của thế kỷ trước, qua các dịch giả Cao Huy Đỉnh, Đào Xuân Quý, Đỗ Khánh Hoan, Phạm Hồng Dung, Phạm Bích Thủy , Nhật Chiêu…, nay được biết thêm thơ Tagore qua bản dịch nhà thơ, dịch giả Bùi Xuân. Hy vọng qua các bản dịch này một lần nữa bóng dáng Rabindranath Tagore sẽ được bạn đọc đón nhận trong một cuộc gặp gỡ mới.

Trần Trung Sáng