Nhọc nhằn chuyện mưu sinh sau giãn cách (Kỳ cuối: Nghề "tay trái" lên ngôi)

Thứ tư, 13/10/2021 19:44

Không riêng gì tiểu thương các chợ truyền thống, nhiều hộ kinh doanh ăn uống, người lao động một số ngành nghề cho biết cũng gặp khó khăn sau giãn cách. Để mưu sinh, họ phải làm thêm nghề tay trái...

Nhọc nhằn cuộc mưu sinh.

Nghề chính của chị K.H (Q. Hải Châu) là làm đẹp cho phái nữ. Từ khi dịch bùng phát, tiệm làm đẹp của chị ế ẩm. Trong thời gian TP thực hiện giãn cách xã hội, nhận thấy nhu cầu mua hải sản của người dân rất lớn, qua người quen, vợ chồng chị K.H có mối để lấy hàng hải sản tươi sống bán online. “Dịch giã ai cũng khó khăn. Để trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình, vợ chồng tôi chọn buôn bán hải sản để “lấy ngắn nuôi dài”, chờ dịch ổn thì quay lại nghề của mình”- chị K.H thổ lộ.

Kể từ khi lập gia đình, chị T.V (Q. Ngũ Hành Sơn) bỏ nghề may, mở quán bán cà-phê tại nhà. Dù nhà ở mặt tiền nhưng nằm ở vị trí không đắc địa nên ngày thường khách chẳng có là bao. Sau dịch, dù mở quán bán mang về nhưng cả ngày không bán được ly nào, chị phải lấy thêm card điện thoại về bán, kiếm chút đỉnh đi chợ. Mọi chi tiêu trong gia đình chỉ trông chờ vào việc chạy xe chở hàng hóa thiết yếu trong nội thành của chồng. Tuy nhiên, do không có giấy phép đi lại nên xe đành nằm nhà… “Dịch giã nên ai cũng khó khăn. Mấy tháng nay gia đình tôi chỉ biết lấy tiền để dành ra chi tiêu. Tiền vay ngân hàng để mua chiếc xe tải nhỏ chở hàng cho khách thì phải vay mượn người quen. Mong sao sớm dập được dịch để cuộc sống mọi người trở lại bình thường. Chứ tình trạng này kéo dài, vợ chồng tôi không biết đào đâu ra tiền để trả lãi, gốc cho ngân hàng…”, chị T.V thở dài than thở.

Không giống như hai trường hợp trên, vợ chồng anh L.H (trú Q.Hải Châu) có bằng cấp ĐH hẳn hoi. Sau 2 năm ra trường làm công ăn lương, vợ chồng anh quyết định vay mượn bạn bề để thuê mặt bằng, đầu tư mở quán kinh doanh cà-phê. Mới mở quán làm chủ chưa được bao lâu thì đại dịch bùng phát, quán đóng cửa. Gánh nặng tiền thuê mặt bằng, tiền vay bạn bè mở quán đè nặng khiến vợ chồng anh ăn không ngon, ngủ không yên. “Lập nghiệp trong thời điểm dịch bệnh thế này đúng là khó khăn quá”, anh L.H bộc bạch.

Tương tự, bên cạnh nghề chính là giáo viên môn Mỹ thuật bậc TH, từ nhiều năm nay, chị L.T (trú Q. Cẩm Lệ) còn kiêm thêm nghề bán trái cây online theo mùa. Do trái cây chị  L.T bán là trái cây sạch, mùa nào thức ấy, sau vài lần mua ăn thử thấy đảm bảo chất lượng nên lượng khách mua rất ổn định. Kể từ khi dịch bùng phát trở lại, TP Đà Nẵng phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, việc bán hàng online của chị L.T gặp khó khăn do giá vận chuyển từ quê vào Đà Nẵng và giá cước vận chuyển từ nhà xe về tới nhà tăng. Dù vậy, chia sẻ khó khăn chung và cũng để giữ khách hàng, chị L.T quyết định không tăng giá. “So với ngày thường, giá vận chuyển hàng từ quê vào Đà Nẵng tăng gần gấp đôi; giá vận chuyển từ bến xe về nhà cũng tăng nhưng tôi vẫn giữ nguyên giá như trước đây. Cũng may là giá lấy hàng gốc ở quê có giảm đôi chút nên cũng bù một phần vào khoảng cước phí vận chuyển tăng”, chị L.T chia sẻ.

Trong quá trình thu thập tư liệu để viết bài này, phóng viên gặp không ít trường hợp sinh viên mắc kẹt dịch không thể về quê. Để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày, các sinh viên này đã liên hệ về quê gửi trái cây, củ quả nhà trồng để bán hàng online và quanh khu ở trọ. K.N - sinh viên trường ĐH Duy Tân là một trong số đó. Khi chưa có dịch, ngoài giờ học ở trường, K.N làm thêm tại nhà hàng ăn uống để kiếm thêm thu nhập và tích lũy kinh nghiệm cho chuyên ngành quản lý nhà hàng đang học.

Trong những ngày Đà Nẵng thực hiện giãn cách, nhà hàng không hoạt động, trường học tổ chức học online, K.N không thể về quê nên chi phí sinh hoạt gặp khó khăn. Khi TP vừa mới nới lỏng giãn cách, cô liên hệ về quê lấy bơ nhà trồng xuống bán cho những người quen biết. Vì là trái cây sạch do nhà trồng, giá cả lại phải chăng nên hàng chuyển xuống bán hết rất nhanh. “Nhờ bán hàng online thế này em mới có tiền để trả tiền thuê trọ cùng chi phí sinh hoạt. Cũng may là chủ nhà trọ tốt bụng, giảm gần một nửa tiền thuê phòng kể từ khi dịch bùng phát đến nay và không hối thúc đòi tiền, bảo khi nào có thì trả. Ngoài ra, trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, chúng em dù SV không phải người Đà Nẵng nhưng cũng được chính quyền TP quan tâm, hỗ trợ gạo, thực phẩm và cả tiền nữa dù không nhiều. Nhờ vậy mà trong những tháng mắc kẹt tại Đà Nẵng, em cũng ổn”, K.N chia sẻ.

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Thời gian qua, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội, TP Đà Nẵng đã có rất nhiều gói hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn; song hành cùng đó là các giải pháp nhằm hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, cần nhìn thẳng thực tế để thấy rằng, cuộc mưu sinh của rất nhiều phận đời sau giãn cách đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức…

P.Thủy

>> Nhọc nhằn chuyện mưu sinh sau giãn cách (Kỳ 1: Tiểu thương “than trời” vì “chợ tạm, chợ cóc, chợ nhà”!)