Nhộn nhịp và khẩn trương thi công công trình Cảng Liên Chiểu

Thứ tư, 31/05/2023 10:43
Những ngày cuối tháng 5-2023, trên công trường Cảng Liên Chiểu nằm trên địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc (Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), trời nắng như đổ lửa. Tuy thời tiết khắc nghiệt nhưng không khí thi công trên công trình này vẫn nhộn nhịp và khẩn trương, chạy đua với thời gian…
Chủ đầu tư thường xuyên tổ chức giao ban với tư vấn giám sát, nhà thầu để nắm bắt
và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công.
Xe tải nối đuôi nhau chở vật liệu vào phục vụ thi công và đều được cân đo tại trạm cân đặt ở cổng công trường
để kiểm soát về khối lượng.

Theo ông Trần Văn Chung, Giám đốc Ban điều hành Dự án Cảng Liên Chiểu phần cơ sở hạ tầng dùng chung, từ sau ngày khởi công (14-12-2022) đến nay, hàng ngày trên công trường đều có hơn 300 cán bộ, kỹ sư và công nhân cùng hàng trăm máy móc, thiết bị, phương tiện thi công gồm xe tải ben, xe ủi, xe đầm, xe múc, sà lan, v.v… thi công các hạng mục của dự án này.

Thi công đổ đá hộc lấn biển để làm đường giao thông trong cảng.

Để đảm bảo tiến độ đã đề ra, ngoài việc tập trung, huy động đủ nguồn nguyên nhiên vật liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, phương tiện và nhân lực thi công, nhà thầu còn tổ chức thi công thành nhiều mũi, đồng loạt thi công tổng lực 3 ca/ngày, kể cả vào các ngày thứ Bảy và Chủ nhật.

Công nhân điều khiển xe lu thi công nền đường trục chính ra vào cảng.

Tính đến ngày 31-5, nhà thầu đã thi công hoàn thành các hạng mục công trình phụ trợ như: đê quay để chứa bùn, bến cảng tạm, trạm cân xe, trạm sản xuất bê-tông tươi, bãi tập kết vật tư, phân xưởng đúc các khối bê-tông phá sóng Rakuna phục vụ thi công kè bảo vệ đê chắn sóng, đường công vụ D1, v.v…

Thời tiết nóng bức nhưng các công nhân vẫn miệt mài đúc ống cống phục vụ thi công hệ thống hạ tầng thoát nước.

Với hạng mục các tuyến đường giao thông chính gồm: tuyến N3, tuyến N4 và tuyến A1B, đã thi công đạt khoảng 30% tổng chiều dài móng và nền của các tuyến đường này với tổng cộng 165.000 m3/555.135m3 đá các loại, khoảng 60% khối lượng hạ tầng thoát nước với 35,4/39,76m cống hộp (loại 2mx2m) và 93/141 đốt cống tròn loại từ D1250 và D2000.

Thi công lắp đặt tuyến cống hộp cho hệ thống thoát nước.

Một trong những vật tư quan trọng cho việc thi công Cảng Liên Chiểu là khối phá sóng Rakuna bằng bê-tông cốt thép phải nhập khẩu từ nước ngoài. Chỉ tính riêng hạng mục kèo bảo vệ đê chắn sóng cần khoảng 10.000 khối phá sóng Rakuna (5.000 khối loại 12 tấn và 5.000 khối loại 25 tấn), tương đương trọng lượng khoảng 185.000 tấn. Để chủ động nguồn vật tư này và tiết kiệm chi phí, nhà thầu đã ký kết với Công ty Nikken Kogaku (Nhật Bản) để mua 38 bộ ván khuôn và công nghệ đúc khối phá sóng Rakuna nhập về công trường để sản xuất khối phá sóng.

Đổ bê-tông đúc khối phá sóng Rakuna loại có trọng lượng 25 tấn.

Đồng thời nhà thầu thuê mặt bằng rộng hơn 30.000m2 để lắp đặt trạm bê-tông tươi, xưởng đúc, bãi chứa khối phá xóng, v.v… để sản xuất khối phá sóng. Sau đó, dùng xe tải chuyên dụng vận chuyển các khối phá sóng đến khu vực thi công cảng, rồi đưa lên sà lan có tải trọng lên đến 2.000 tấn để vận chuyển ra vùng biển ở vị trí thi công kè và đê chắn sóng.

Phương tiện sàn lan có sức chở 2.000 tấn phục vụ thi công kè và đê chắn sóng.

Là công trình trọng điểm nên bên cạnh tiến độ, vấn đề chất lượng luôn được Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng - chủ đầu tư Dự án Cảng Liên Chiểu phần cơ sở hạ tầng dùng chung, chú trọng và đặt lên hàng đầu, đặc biệt, chất lượng công trình được kiểm soát ngay từ khâu vật liệu, vật tư đầu vào. Ngoài đội ngũ cán bộ kỹ thuật của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn hàng ngày bám sát công trình để tăng cường giám sát chất lượng thi công các hạng mục, chủ đầu tư còn yêu cầu đơn vị tư vấn lắp đặt Phòng Lab (Phòng thí nghiệm vật liệu xây dựng) ngay tại công trường để kiểm soát chặt chẽ chất lượng các loại vật liệu, vật tư thi công.

Thí nghiệm mẫu vật liệu tại Phòng Lab để kiểm soát chất lượng vật liệu xây dựng.

Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng Lê Thành Hưng cho biết: Dự án Cảng Liên Chiểu phần cơ sở hạ tầng dùng chung gồm các hạng mục chính như: kè và đê chắn sóng chiều dài hơn 1.170m thuộc công trình quốc gia cấp đặc biệt; luồng tàu dài 7,3km, rộng 160m, sâu 14m và hệ thống báo hiệu hàng hải thuộc công trình giao thông cấp I; tuyến đường giao thông kết nối đến cổng cảng dài 1,2km, rộng 30m cùng với các hạng mục hạ tầng kỹ thuật phụ trợ như: cấp điện, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, v.v… với mốc thời gian hoàn thành xây dựng và đưa Cảng Liên Chiểu giai đoạn 1 vào hoạt động trong năm 2025.

Chủ đầu tư thường xuyên tổ chức giao ban với tư vấn giám sát, nhà thầu để nắm bắt
và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công.

“Trong thời gian đến, chúng tôi thường xuyên theo dõi, giám sát, cập nhật tiến độ thi công công trình này từng ngày để trên cơ sở đó đôn đốc các nhà thầu tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm đảm bảo tiến độ đã đề ra, đặc biệt là tập trung, ưu tiên thi công các hạng mục như kè và đê chắn sóng, tuyến đường giao thông, v.v… với quyết tâm phấn đấu đến cuối năm 2023 hoàn thành 25% khối lượng xây lắp, tương đương giá trị xây lắp khoảng 660 tỷ đồng, hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công bố trí cho công trình này trong năm 2023”, ông Lê Thành Hưng thông tin thêm.

PHÚ NAM