Nhức nhối nạn khai thác vàng trái phép ở vùng giáp ranh

Thứ sáu, 30/08/2024 08:15

Nhiều năm qua, tình trạng khai thác vàng trái phép khu vực giáp ranh giữa xã Trà Đông (H. Bắc Trà My) và xã Tiên An (H. Tiên Phước, Quảng Nam) diễn ra công khai, rầm rộ. Thế nhưng, với lý do địa bàn giáp ranh khó truy quét nên chính quyền địa phương dường như bất lực trước thực trạng này.

Từ trên cao quan sát có rất nhiều điểm làm vàng ở khu vực xã Trà Đông và xã Tiên An.
Khu vực các đối tượng làm vàng trái phép tại xã Trà Đông.

Cách trụ sở UBND xã Trà Đông khoảng 2km, bên kia dòng sông Mùi là dãy đồi núi được người dân địa phương trồng keo, thuộc khu vực thôn Định Yên. Theo phản ánh của người dân, đi sâu vào bên trong những cánh rừng keo là nơi các nhóm người đang khai thác vàng trái phép, với hàng chục lán trại, hầm hố đang được đào bới.

Chiều 27-8, từ thôn Định Yên, băng qua dòng sông Mùi rồi ngược lên con dốc, chúng tôi tiếp cận một rẫy keo. Tại đây, có 1 lán trại rộng khoảng 50m2 là nơi ăn ở của một nhóm người. Thấy chúng tôi, một người đàn ông trung niên đến hỏi: “Các anh vào đây làm gì?”- “Đi khảo sát địa chất”, chúng tôi giả vờ nói để người đàn ông khỏi cản trở. Chỉ về phía có tiếng máy nổ, chúng tôi hỏi “Làm gì trên đó mà máy nổ to thế?”- “Không biết”, người đàn ông trả lời cộc lốc.

Từ lán trại, ngược lên phía ngọn đồi khoảng 100m, chúng tôi bất ngờ phát hiện khu vực làm vàng trái phép với quy mô lớn. Thấy chúng tôi bất ngờ đến, nhóm thanh niên đang xây quặng tỏ ra hoảng hốt và tắt máy nổ. Tại đây, qua quan sát, các đối tượng đào nhiều đường hầm vào lòng núi, có những đường hầm đi thẳng, cũng có những đường hầm được đào sâu như cái giếng. Quặng sau khi lấy ra từ các hầm được đưa lên máy xay mịn. Cạnh đó, một bể chứa lớn được dùng để ngâm ủ lượng quặng, cùng với hóa chất đổ vào nhằm bóc tách, tuyển lọc lấy vàng.

Qua tìm hiểu, các đối tượng cho biết rẫy keo này của một người đàn ông tên Thu. Khu vực này thuộc phạm vi của xã Trà Đông. “Đây thuộc xã Trà Đông, còn xã Tiên An phải đi qua bên kia ngọn đồi”, một người đàn ông chỉ dẫn, đồng thời mời chúng tôi xuống lán trại uống nước để nói chuyện: “Có gì mời mấy anh xuống trại uống nước nói chuyện, tạo điều kiện cho mấy anh em tí”. Lấy lý do còn phải đi nhiều khu vực khác, chúng tôi theo đường mòn lội bộ xuống triền núi.

Từ trên cao quan sát có rất nhiều điểm làm vàng ở khu vực xã Trà Đông và xã Tiên An.

Từ dưới chân núi, dùng Flycam để quan sát trên cao, chúng tôi bất ngờ khi phát hiện hàng loạt lán trại mà “vàng tặc” dựng khắp rừng núi để làm vàng trái phép. Cả bên sườn Đông và sườn Tây của dãy núi, nhiều hầm hố mới có, cũ có nằm xen lẫn trong tán rừng keo. Nhiều điểm các đối tượng làm đổ xái quặng, chất thải ra môi trường khiến cả khu vực trắng xóa. Gần bờ sông cũng có nhiều điểm khai thác vàng trái phép, chất thải được đổ thẳng ra sông. Tiếng máy nổ vang khắp núi rừng…

Việc làm vàng trái phép diễn ra một cách quy mô, công khai như vậy, thế nhưng khi làm việc với chúng tôi vào chiều cùng ngày, ông Trịnh Quốc Lĩnh- Chủ tịch UBND xã Trà Đông cho rằng: “Mấy bãi vàng trái phép đó bên Tiên An chứ không phải bên mình. Còn bên Trà Đông đã đập phá hết rồi. Địa phương thường xuyên kiểm tra, truy quét. Sáng nay anh em cũng mới đi truy quét về, có phối hợp với bên xã Tiên An”, ông Lĩnh nói.

Khi chúng tôi đưa những hình ảnh mới ghi nhận tại hiện trường, lúc này ông Lĩnh mới nói để cho kiểm tra lại. Và khi được hỏi trách nhiệm của người đứng đầu địa phương để xảy ra tình trạng khai thác vàng như vậy thì ông Lĩnh cho rằng, những bãi vàng đó đa số nằm ở khu vực giáp ranh giữa 2 xã nên khi đẩy đuổi các đối tượng chạy qua địa bàn xã khác nên khó xử lý; hoặc khi lực lượng chức năng lên đến nơi thì các đối tượng bỏ chạy nên không phát hiện, bắt giữ được đối tượng. “Thực tế các đối tượng làm vàng trong các rẫy keo và đều có chủ sở hữu, sao không xử lý những chủ rẫy keo đó?”, chúng tôi đặt vấn đề thì ông Lĩnh cho biết, năm ngoái xã có mời một số chủ rẫy keo lên làm việc, cam kết không để xảy ra tình trạng làm vàng trong rẫy keo của mình.

Trước thực trạng trên, dư luận đặt nghi vấn có hay không tình trạng bao che, bảo kê cho “vàng tặc” hoạt động tại địa phương? Ông Lĩnh cho rằng, người dân có quyền nghi ngờ, nhưng địa phương cương quyết đẩy đuổi, không liên quan vấn đề cá nhân. “Việc vàng tặc lộng hành như vậy, địa phương có báo lên huyện để có biện pháp giải quyết căn cơ hay không?”, chúng tôi hỏi thêm. Ông Trịnh Quốc Lĩnh cho rằng, mấy năm trước địa phương có báo lên huyện, còn năm nay không báo. “Xã trực tiếp làm, có báo bên Tiên An để phối hợp, truy quét, đẩy đuổi”, ông Lĩnh nói.

Trước tình trạng khai thác vàng trái phép làm thất thoát tài nguyên và tiềm ẩn nguy cơ gây mất ANTT, an toàn xã hội ở địa phương, mới đây UBND tỉnh Quảng Nam có Công văn số 2240 gửi chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị UBND các huyện: Phú Ninh, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My chỉ đạo Tổ công tác liên ngành của huyện và Công an huyện tổ chức kiểm tra, truy quét các tụ điểm khai thác vàng trái phép trên địa bàn huyện; phá hủy, tịch thu các công cụ, phương tiện tham gia khai thác, chế biến khoáng sản trái phép và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, làm trong sạch địa bàn.

BÃO BìNH