Những cuộc gọi lừa đảo

Thứ hai, 07/05/2018 19:00

Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều người dân trên địa bàn Q. Hải Châu (TP Đà Nẵng) đã bị các đối tượng lừa chiếm đoạt nhiều tỷ đồng thông qua các cuộc gọi điện thoại. Các đối tượng này sử dụng thủ đoạn thực hiện các cuộc gọi đến các số điện thoại bàn, ĐTDĐ của người dân trên địa bàn để đe dọa có nợ tiền cước điện thoại hoặc liên quan đến vụ án ma túy, rửa tiền... sau đó yêu cầu người nhận điện thoại phải chuyển tiền vào tài khoản chúng đưa để “kiểm tra” rồi chiếm đoạt.

Bà Th đến CAQ Hải Châu trình báo sự việc. 

Đã có nhiều nạn nhân

Sáng 4-5, bà Trần Bích Th. (trú đường Cao Xuân Dục, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) đến CAQ Hải Châu để trình báo sự việc vừa bị các đối tượng sử dụng điện thoại gọi đến và đe dọa có liên quan đến vụ án ma túy và chiếm đoạt của bà hơn 290 triệu đồng. Theo trình báo, ngày 3-5, bà Th. nhận được một cuộc gọi từ số lạ. Đầu dây bên kia thông báo bà có liên quan đến một vụ án ma túy và chuẩn bị khởi tố vụ án. Sau một hồi dùng nhiều cách đe dọa, các đối tượng yêu cầu bà Th. chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản vào một tài khoản có tên là Lê Kim Dung, tại Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải, TPHCM. Vì quá hoảng sợ, bà Th. ra ngân hàng chuyển vào tài khoản đối tượng hơn 290 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền về nhà và kể lại sự việc với người thân, bà Th. mới biết mình đã bị các đối tượng lừa đảo.

Trước đó, CAP Hải Châu 1 (Q. Hải Châu) cũng tiếp nhận tin báo của bà Thái Thị V. (trú P. Hải Châu 1, Q. Hải Châu) về việc bị lừa hơn 2,2 tỷ đồng. Theo bà V., ngày 24-4, bà nhận được một cuộc điện thoại gọi đến nói có liên quan đến một vụ án ma túy và yêu cầu phải chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản đến một tài khoản có tên Nguyễn Văn Thanh Long tại Viettinbank (TPHCM). Vì các đối tượng dùng nhiều lời lẽ đe dọa, khiến bà V. sợ hãi nên trong ngày 24-4, đã ra ngân hàng chuyển 2 lần tiền với tổng số hơn 2,2 tỷ đồng.

14 giờ ngày 17-4, CAP Hòa Thuận Đông (Q. Hải Châu) tiếp nhận tin báo của chị Lương Thị Tuyết M. (1964, trú P. Hòa Thuận Đông) báo bị các đối tượng gọi điện thoại lừa chiếm đoạt 190 triệu đồng. Theo trình bày, 9 giờ 30 cùng ngày, chị M. nhận được cuộc điện thoại của một người đàn ông tự giới thiệu là CA Hà Nội báo chị có liên quan đến đường dây ma túy. Đối tượng này yêu cầu chị phải chuyển hết số tiền trong tài khoản vào tài khoản của người có tên Nguyễn Vân An, Vietinbank chi nhánh Hà Nội. Quá hoảng sợ, chị M. ra ngân hàng chuyển 190 triệu đồng vào tài khoản nói trên để đối tượng “kiểm tra”.

Cũng trong ngày 17-4, chị Nguyễn Thị H. (trú đường Nguyễn Du, Đà Nẵng) nhận được cuộc điện thoại của một người đàn ông lạ vào số máy bàn của chị. Người này thông báo chị có liên quan đến một vụ án ma túy mà CA Hà Nội đang thụ lý, đồng thời yêu cầu chị này chuyển 110 triệu đồng vào tài khoản của Lê Minh Dung tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam chi nhánh Hà Nội. Chị H. nhanh chóng ra ngân hàng chuyển tiền theo yêu cầu, sau đó mới biết mình bị lừa.

Trước đó, Báo Công an TP Đà Nẵng cũng đã phản ánh trường hợp của chị Lê Ngọc U. (1987, trú Q. Hải Châu) bị các đối tượng sử dụng thủ đoạn tương tự lừa chiếm đoạt 1 tỷ đồng.

Giấy tờ chuyển 290 triệu đồng của bà Th. theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo.

Đề cao cảnh giác

Theo tìm hiểu của P.V, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo này thường sử dụng là thực hiện các cuộc gọi điện thoại đến các số máy bàn bất kỳ, sau đó thông báo với người nghe máy họ liên quan đến một vụ án ma túy lớn hoặc một vụ án rửa tiền, trốn thuế, nợ cước điện thoại... đang được điều tra và chuẩn bị khởi tố vụ án, bắt bị can để tạm giam. Sau đó, đối tượng tiếp tục hỏi thêm các thông tin về CMND, thẻ ngân hàng, tiền trong tài khoản... Khi nắm được các thông tin, đối tượng lại tiếp tục dùng các thủ đoạn, lời lẽ đe dọa. Việc đe dọa này cũng có đồng bọn và nhiều người khác nhau thực hiện. Bởi theo những nạn nhân đến CQĐT trình báo, khi họ nghe qua điện thoại, đối tượng vừa nói chuyện với họ nhưng lại vừa nói chuyện với những người khác theo kiểu “đồng đội”, xưng hô công việc giống như đang ở trong một phòng làm việc của lực lượng CA càng làm cho các nạn nhân thêm lo lắng. Đối với những người có sử dụng các tài khoản mạng xã hội như zalo, facebook, các đối tượng sẽ gửi hình ảnh chụp các quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam... để đe dọa.

Mặt khác, không hiểu bằng cách nào, các đối tượng này làm cho các con số hiện lên của cuộc gọi đến máy các nạn nhân giống như số máy của các đơn vị CA hoặc hướng dẫn nạn nhân gọi điện đến các số điện thoại y hệt của cơ quan CA nên khiến cho nạn nhân càng thêm hoảng sợ, nhanh chóng chuyển tiền. Sau khi các nạn nhân chuyển tiền, đối tượng sẽ nhanh chóng rút hết.

Trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng sáng 4-5, Đại tá Trần Phước Hương - Trưởng CAQ Hải Châu cho biết, hiện đơn vị đã tiếp nhận tin báo về việc nhận được cuộc gọi của các đối tượng sau đó thực hiện việc chuyển tiền như đã nói ở trên. Theo Đại tá Hương, đây là các thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng, bởi khi một người có liên quan đến một vụ án nào đó thì công việc đầu tiên là được cơ quan CA mời lên làm việc. Nếu xét thấy có hành vi tội phạm thì sau đó mới thực hiện các biện pháp tố tụng khác chứ không bỗng dưng đi khởi tố hay bắt ngay như các đối tượng đe dọa.

“Qua các vụ việc vừa xảy ra, chúng tôi khuyên bất kỳ ai khi nhận được các cuộc gọi thông báo có nội dung tương tự như trên đều phải hết sức cảnh giác, nhanh chóng tắt máy điện thoại hoặc kể toàn bộ sự việc cho người thân. Sau đó nhanh chóng trình báo cho CSKV hoặc cơ quan CA nơi gần nhất để kịp thời xử lý. Người dân tuyệt đối không thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản lạ mà đối tượng yêu cầu để tránh thiệt hại về kinh tế” - Đại tá Trần Phước Hương nhấn mạnh.

Nguyễn Tuấn