Những kẻ đi ngược với người Đồng Tâm

Thứ bảy, 11/01/2020 11:34

Thi công tường rào sân bay Miếu Môn.

Lần giở, hệ thống lại diễn biến vụ việc và câu chuyện đau lòng ở Đồng Tâm (H. Mỹ Đức, Hà Nội), tỉnh táo để thấy rằng, trong vài năm qua địa danh ấy vô tình trở thành cụm từ nơi cửa miệng của nhiều người khi đề cập về thái độ xung đột, chống đối của một nhóm người khi chính quyền địa phương thực hiện chủ trương quy hoạch đất quốc phòng làm sân bay Miếu Môn. Tôi dám chắc rằng, đa số người dân trên mảnh đất này không muốn họ có mặt trong những cái gọi là “người dân Đồng Tâm gửi tâm thư”, “người dân Đồng Tâm bắt Bộ đội, giữ Công an” hay “người dân Đồng Tâm biểu tình”… Người Đồng Tâm vẫn chăm chỉ làm ăn, xây dựng quê hương, chẳng muốn tham gia vào cái “điểm nóng” do nhóm người ấy cố tạo ra, hoặc nếu có những quyền lợi chính đáng thì họ đã được giải quyết hài hòa.

Đến khi câu chuyện đau lòng xảy ra, 3 chiến sĩ Công an hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ ANTT, phục vụ thi công hàng rào sân bay Miếu Môn, thì một công dân bình thường cũng có thể dễ dàng biết được rằng: đại đa số người dân Đồng Tâm lâu nay đã chịu một sự bất công, một nỗi hàm oan khi vô tình vướng vào nguồn cơn của điểm nóng, phải đứng chung đám người có hành vi vô pháp vô thiên kia.

Có người dân nào nhẫn tâm đến nỗi lên kế hoạch tấn công những người ngày tháng bền bỉ bảo vệ cuộc sống của họ, bằng các loại vũ khí tự tạo như khủng bố, bằng hành vi máu lạnh mất nhân tính đến vậy? Có người dân nào lại đi xúi giục, kích động nhau tấn công Công an cứ vào là chết”?

Hơn 2 năm trước, ngay từ khi xảy ra việc một số người dân tại xã Đồng Tâm vì thiếu hiểu biết pháp luật lấn chiếm trái phép đất quốc phòng, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Cùng với đó, các hộ gia đình có quyền lợi hợp pháp tại khu vực sân bay Miếu Môn đã được xem xét, phân loại và đền bù thỏa đáng. Các hộ gia đình có quyền lợi hợp pháp này đồng thuận với việc nhận đền bù để di dời, trả lại khu vực đất quốc phòng cho quân đội quản lý. Tuy nhiên, đáng buồn là có một số đối tượng không hề có quyền lợi hợp pháp tại khu vực đất quốc phòng được quy hoạch để làm sân bay Miếu Môn vì lòng tham đã cố tình kiện tụng, chống đối hòng trục lợi. Đỉnh điểm của việc chống đối là vào tháng 4-2017, nhóm người này đã kích động một số người dân tại xã Đồng Tâm bắt giữ 38 người bao gồm cả công an, cán bộ chính quyền, nhà báo.

Cùng với việc tuyên truyền, vận  động, đối thoại cung cấp thông tin, tháng 7-2017, Thanh tra TP Hà Nội đã có Kết luận thanh tra toàn diện về việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm. Tuy nhiên, ông Lê Đình Kình, đại diện cho một số “người dân” có khiếu kiện ở xã Đồng Tâm gửi đơn lên Thanh tra Chính phủ đề nghị giải quyết và xem xét tính chính xác, hợp pháp của Kết luận mà TP Hà Nội công bố. Tháng 4-2019, sau khi phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, kiểm tra, Thanh tra Chính phủ có Thông báo số 611/TB-TTCP ngày 25-4-2019 khẳng định các nội dung kết luận thanh tra của TP Hà Nội là phù hợp với quy định pháp luật, đảm bảo tính chính xác.

Việc chống đối, đòi “quyền lợi” của các đối tượng không hề có quyền lợi hợp pháp thuộc khu vực trên là hoàn toàn sai trái. Nhưng vì lòng tham, bất chấp pháp luật, họ đã đẩy vụ việc đến một kết quả đau lòng, bằng hành vi tàn ác mà người dân Đồng Tâm chân chính phải cảm thấy xấu hổ và phẫn nộ. Những đối tượng đã quen mặt, chuyên gây rối ở Đồng Tâm trong 2 năm qua đã bị bắt giữ. Nhưng 3 chiến sĩ Công an đã hy sinh. Những mất mát quá to lớn giữa thời bình.

Sau những vụ việc ở Tiên Lãng, Bình Thuận, Đồng Nai, câu chuyện đau lòng ở Đồng Tâm cho thấy sự phức tạp, nghiêm trọng, tinh vi và nguy hiểm từ những kẻ cố tình lợi dụng dân chủ, mưu lợi không trong sáng, cố tình vi phạm nghiêm trọng pháp luật, để lại nhiều hậu quả và dư luận xấu, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào tinh thần thượng tôn pháp luật. Việc khởi tố, điều tra, xét xử sẽ được cơ quan chức năng thực hiện để xử lý đích đáng những kẻ cầm đầu, ngoan cố, táng tận lương tâm, vi phạm cả về đạo lý và pháp lý. Những công dân lương thiện cần phải được bảo vệ, người thiếu hiểu biết, bị kích động, lôi kéo, biết ăn năn, hối cải cũng sẽ được phân loại răn đe, giáo dục. Những kẻ cầm đầu, ngoan cố cần phải bị lên án và xử phạt nghiêm minh. Có như vậy thì một xã hội thượng tôn pháp luật mới được bảo đảm.

Chúng ta cũng phải công bằng với người dân Đồng Tâm, vì đại đa số họ tin tưởng và đồng hành với những chủ trương của chính quyền. Những đoạn tường rào sân bay Miếu Môn hẳn sẽ không được xây lên nếu không có sự chung tay, góp sức bằng tình quân dân.

Trong đau thương mất mát mà tuyệt đại đa số người dân Việt Nam đều thấy đáng tiếc thì trên mạng xã hội và một số đài báo nước ngoài đã xuất hiện nhiều thông tin xuyên tạc, kích động, lợi dụng vụ việc Đồng Tâm để chống phá Đảng, Nhà nước. Chúng bịa đặt, kích động làm nóng tình hình, gây hoang mang dư luận; thậm chí vu cho lực lượng Công an tấn công, “cướp đất của dân Đồng Tâm ngày giáp Tết”. Rồi còn kêu gọi các tổ chức quốc tế can thiệp vấn đề nhân quyền... Nhiều đối tượng phản động ra mặt chống phá nhưng đáng tiếc cũng có không ít người “cào phím” với những hiểu biết hạn chế không kém gì những kẻ sát nhân máu lạnh kia. Những luận điệu đổi trắng thay đen, bóp méo sự thật nhằm chống phá, gây rối với động cơ xấu sẽ khiến nhiều người sập bẫy. Nhưng chắc chắn sẽ khó mà qua mặt được những người tỉnh táo.

Nguồn cơn của câu chuyện đau lòng xảy ra vào sáng ngày 9-1, đừng đổ đồng là do người dân Đồng Tâm. Những kẻ vì lợi ích bất chính mà tàn nhẫn ra tay với người đã ngày đêm bảo vệ cho cuộc sống bình yên của mình, gieo đau thương, gây phẫn nộ trên mảnh đất ấy, chắc chắn cũng không phải là dân Đồng Tâm.

CÔNG KHANH