Những khúc ca tưởng nhớ mẹ quê hương

Thứ tư, 20/07/2022 14:33
Trong những ngày tháng thiêng liêng hướng về bao anh hùng, liệt sĩ đã ngoan cường hy sinh đem lại thanh bình cho đất nước, hồi ức về những cuộc chiến thần thánh của dân tộc lại cồn cào trong tâm khảm bao người con nước Việt.
Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng tại Tam Kỳ (Quảng Nam).
Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng tại Tam Kỳ (Quảng Nam).

Gần một nửa thế kỷ đi qua, đất nước hết loạn ly chia cắt, nhân dân ta vui sống thanh bình và có được cuộc sống hạnh phúc hôm nay chúng ta không thể nào quên những người mẹ Việt Nam vĩ đại đã anh dũng che chở bao đàn con xông trận rồi vĩnh viễn ngã xuống hy sinh thầm lặng cho đất nước đứng lên. Trên quê hương đất Quảng anh hùng này, có nhiều văn nghệ sĩ đã cảm tác nên nhiều tác phẩm tưởng niệm những tấm gương liệt nữ cao cả ấy.

Thuở sinh thời, đọc bản thảo trường ca "Thưa mẹ" của Lê Anh Dũng, nhà thơ lớn Thu Bồn, người cùng quê Mẹ Thứ đã thật sự cảm kích nói rằng Lê Anh Dũng đã thay ông thể hiện được tấm lòng của ông với người mẹ vĩ đại của quê hương, của lịch sử nhân loại. Bài thơ Mẹ của ngàn đời trích trong trường ca này được Nguyễn Đức phổ nhạc với điệu Ré thứ sâu lắng trong tiết nhịp 2/4 khoan thai, khắc họa vào tâm khảm người nghe nỗi đau bi tráng, thống thiết của người Mẹ bị chiến tranh tước đi sự sống của 11 người con, người cháu vô vàn yêu quý. Nét giai điệu chuyển đổi liên tục giữa hai âm vực cao- thấp đan xen cũng thể hiện được tâm trạng xốn xang của nhạc sĩ Nguyễn Đức khi lắng nghe lời ru của Mẹ Thứ. Mẹ đã vượt qua nỗi đau bằng lời ru con, ru thân phận mình, dân tộc mình. Thời gian qua đi, nỗi đau rồi sẽ nguôi ngoai, song sự hy sinh lớn lao ấy luôn là ngọn đèn thắp sáng niềm tin của bao thế hệ mai sau. "Lời ru nát lòng mẹ ơi/ Lời ru thấu cả đất trời/Lời ru héo mòn năm tháng/Chiến tranh qua rồi mầm sống hồi sinh".

Tiếp nối dòng cảm xúc về Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, trong lần đầu từ TPHCM đến viếng tượng đài Mẹ Thứ trên vùng đất Quảng Nam trung dũng kiên cường, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn đã xúc động cảm tác nên ca khúc sâu lắng Mẹ và Tổ quốc ca ngợi người Mẹ đã đi qua những tang thương của chiến tranh rồi được quê hương, đất nước ôm ấp trong những ngày hòa bình lập lại. Ngay sau khi ca khúc được hoàn thành, với tấm lòng thành kính tri ân, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn đã trân trọng tặng cho tỉnh Quảng Nam ca khúc Mẹ và Tổ quốc. Đến nay, ca khúc này luôn ngân vang khắp Khu tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng trên mảnh đất Quảng Nam trung dũng - kiên cường, làm lay động bao trái tim của lớp lớp người con ngày ngày tìm đến viếng thăm. "Tiếng quê hương qua lời ru của mẹ/Mẹ vẽ trọn dáng hình hài Tổ quốc/Khắc đá làm bia tạc giữa đất trời/Tổ quốc trong con, Tổ quốc trong con".

Cùng với huyền thoại Mẹ Thứ thì câu chuyện về Mẹ Thanh Khê và bảy dũng sĩ kiên cường với tài trí phi thường đã đi vào lịch sử rồi trở thành một biểu tượng muôn đời và niềm tự hào sâu sắc của người dân đất Quảng. Mẹ Thanh Khê đã chở che, nuôi giấu bao đàn con vượt qua lửa đạn chiến tranh, trải qua bao cơn nguy khốn quyết tâm giành độc lập tự do cho quê hương. Những tâm tư ấy đã gợi lên bao nỗi xúc động trong lòng nhạc sĩ Minh Đức, người con vùng đất anh hùng Thăng Bình, Quảng Nam. Ngay trong lần đầu khi đọc qua bản trường ca "Từ chiếc tao đời mẹ ru" của nhà thơ Đông Trình, sự đồng điệu sâu sắc đã nhen nhóm trong anh nguồn cảm hứng dạt dào để phổ nhạc tứ thơ này cho ca khúc Mẹ quê hương bằng cung Ré thứ với hòa âm trầm lắng cùng giai điệu hùng hồn đã chắp cánh cho bài thơ này lan tỏa khắp mọi miền đất quê hương. "Con về thăm ngôi nhà xưa/Mẹ ơi có phải Mẹ vừa ra đi/Lắng trong gió biển con nghe/ Tiếng ngàn năm Mẹ Thanh Khê thì thầm/Thành phố như một cánh buồm/Bàn tay Mẹ vẫy về phương mặt trời…".

Còn với nhạc sĩ Quốc Hùng thì ngay sau thời khắc lịch sử sang trang, đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất, được tận hưởng vị ngọt an bình, những người con xứ Quảng không bao giờ quên người Mẹ vĩ đại trên mảnh đất Thanh Khê, đã hy sinh cả thân mình đem lại sự sống cho đàn con là những chiến sĩ quả cảm xông trận tiêu diệt quân thù, Mẹ đã ẩn mình sau bao chiến công lừng lẫy, lặng lẽ ban tặng cho đời những mầm hy vọng của tương lai. Ta nghe như đâu đây còn văng vẳng tiếng ru êm ái của Mẹ theo vành nôi đong đưa khắc khoải canh giấc ngủ yên lành cho đàn con dấu yêu. Hình tượng ấy được nhạc sĩ Quốc Hùng khắc họa rõ nét trong ca khúc Hát về Mẹ quê hương đậm chất ngợi ca, trang trọng: "Mẹ đứng đó giữa cửa ngõ thành phố, thức canh cho giấc ngủ quê hương/Mẹ là ngọn đèn ấm áp tình yêu thương, là trái tim chia máu hồng đi muôn phương...".

Tiếp nối dòng cảm xúc ngút ngàn về Mẹ Thanh Khê, nhạc sĩ Phan Thanh Trường đã sáng tác ca khúc Bên tượng đài người Mẹ đậm chất hồi tưởng. Với thủ pháp sử dụng âm hình đơn giản để khắc họa tình yêu của tác giả vô cùng lớn lao đối với Người mẹ và Tổ quốc rất đổi thân thương, tình yêu ấy đã che lấp đi sự tiết giản của giai điệu và tiết tấu. Dù không vận dụng những nốt hoa mỹ, không đưa vào những cung bậc thăng giáng phức tạp, song lời ca ngắn gọn với nét âm hình chủ đạo gồm những nốt đen, móc đơn, móc đôi uốn lượn, được tái hiện nhiều lần không biến hóa phức tạp lại càng khắc họa được hình tượng người Mẹ qua bao đêm khắc khoải mong ngóng từng đứa con đang lao thân ngoài trận địa quên mình dành lại an yên cho quê hương: "Một đời mẹ ngồi, ưu tư hai vai/Che chở cho con, những ngày chiến đấu/Tượng đài người Mẹ, nơi đây Thanh Khê. Như còn âm vang, lời sóng vỗ về…".

Những ca khúc này ngay khi ra đời không chỉ làm lay động bao trái tim của người dân xứ Quảng mà với cả toàn dân nước Việt. Mẹ Nguyễn Thị Thứ, Mẹ Thanh Khê và hàng ngàn người Mẹ Việt Nam anh hùng cùng bao người con ưu tú - những chiến sĩ bất tử đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, đã hóa thân vào đất trời, đã vĩnh viễn hòa mình theo hồn thiêng sông núi.

Hình tượng những người Mẹ anh hùng cùng những thanh âm vang vọng từ miền xa thẳm linh thiêng như gợi lên trong lòng người dân nước Việt niềm tiếc thương bất tận và thầm cầu mong cho đất nước thanh bình, phát triển từng ngày, xứng đáng với sự hy sinh cao quý của bao người Mẹ quê hương trên khắp xứ Quảng thân thương.

Văn Thu Bích