Những thông điệp cho đời

Thứ hai, 21/11/2022 16:21
Sau 3 tập thơ "Chút lòng làm tin" (Nxb Văn Học - 2014), Dòng sông gợi nhớ" (Nxb Đà Nẵng - 2016), "Nhớ khoảng trời xanh" (Nxb Đà Nẵng - 2018), tác giả Hồ Đức Minh lại đang trong những ngày chuẩn bị bản thảo cho ra mắt tập thơ thứ 4: "Chung tay cứu đời".

Tác giả Hồ Đức Minh là thầy giáo dạy Văn trước khi nghỉ hưu. Về hưu, những trang giáo án dành cho bao thế hệ học trò thân yêu khép lại, nhưng những trang thơ lại rộng mở thiên di đến một cuộc hành trình mới, đầy mông lung. Những con chữ trong lòng người thầy giáo năm xưa đã không chịu ngủ yên, chúng chừng như quẫy đạp mạnh mẽ hơn, hướng về phía chân trời sáng tạo của thi ca hoàn toàn khác biệt với những con chữ trên trang giáo án. Tất cả 4 tập thơ đều ra đời lần lượt sau gần 10 năm người thầy giáo ấy nghỉ hưu. Điều đó nói lên niềm đam mê, sự lao động miệt mài, nghiêm túc của một kẻ dấn thân cày xới trên cánh đồng chữ nghĩa mà chưa chắc đã thu hoạch được gì như những trang giáo án. May thay, những đứa con tinh thần đó của tác giả Hồ Đức Minh đã được các đồng nghiệp, các thế hệ học trò, nhất là các bạn yêu thơ hoan hỉ đón nhận và chia sẻ.

Tập thơ "Chung tay cứu đời" có hơn 60 bài thơ trải lòng trên hơn 100 trang giấy. Phần lớn các bài thơ trong tập đều được viết trong thời gian tác giả "ẩn mình" phòng tránh đại dịch COVID-19 đang diễn ra trên khắp hành tinh xanh mà loài người đang sống. Đại dịch đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong tập thơ "Chung tay cứu đời" của Hồ Đức Minh.

Trong bối cảnh của sự biến đổi khí hậu toàn cầu diễn ra trong thập niên gần đây, dịch bệnh COVID-19 xuất hiện tại một quốc gia sau đó lan sang vài quốc gia khác rồi nhanh chóng bùng nổ toàn cầu tạo sự khủng hoảng nhiều mặt về đời sống xã hội con người. Tác giả ngậm ngùi khi: "Dịch bệnh hoành hành, khí hậu đổi thay". Khi có hoạn nạn, con người ta thường mở rộng lòng. Các quốc gia, các dân tộc cũng vậy: "Đã đến lúc toàn cầu cần chia sẻ/ Nối vòng tay nhân ái cứu nhau cùng" (Chung tay cứu đời).

Có ai mà không nao lòng khi chứng kiến cảnh ngộ sau đây, huống chi là trái tim nhạy cảm, thương đời của một thi nhân: "Lòng se khi thấy nữ công nhân/Thắp nén nhang nơi đất khách/Mới nhận hung tin từ cố hương xa cách/Mẫu thân qua đời..."(Giai điệu Tổ quốc trong đại dịch).

Và càng đau lòng hơn khi chứng kiến cảnh một đứa trẻ mới ra đời không bao lâu thì dịch bệnh COVID-19 đã cướp mất hơi ấm và nguồn sữa mẹ để được lớn lên từng ngày: "Có bé chào đời sáu tháng thôi/Mẹ chết đại dịch hỏa thiêu rồi/Đêm đêm khóc thét đòi giọt sữa/Cha buồn ướt mắt cảnh đơn côi" (Tuổi thơ cũng chịu tang thương). Cảnh gà trống nuôi con, lại là đứa con đang khát sữa đã neo lại trong lòng người sự xót xa, bi ai.

Đồng hành cùng nỗi đau của cộng đồng trải qua những ngày khốn khó, tang thương vì dịch, nhiều sáng tác trong "Chung tay cứu đời" như lưu lại dấu ấn của một khoảng thời gian mang tính lịch sử: Bức tranh đại dịch, Yêu nhau thời dịch, Ai là ân nhân, Lời tạ lỗi, Sài Gòn mùa dịch, Chuyến bay lịch sử, Tâm sự cách ly xã hội, Cuộc tháo chạy nghiệt ngã...

Cận kề tuổi "bát thập", tác giả Hồ Đức Minh đã có quá nhiều trải nghiệm nên có nhiều kinh nghiệm sống. Vì vậy, ông như muốn chuyển lại cho các thế hệ mai sau những điều mắt thấy tai nghe mang tính nhân quả: "Ở hiền thì sẽ gặp lành/Gieo mầm độc ác gặt nhanh họa đời! Nhân nào quả nấy ai ơi/Tránh sao cho khỏi những lời thị phi…" (Những gì còn lại).

Con người trong cõi thế, trong chốn ta bà có lắm tham - sân - si, nhiều lúc lại "oan oan tương báo", tạo ra ác nghiệp sẽ nhận lại ác nghiệp nên cần phải luôn răn mình mà thay đổi hành vi. Để được an yên và để được sống trong niềm vui, niềm hạnh phúc cần biết rằng: Cuộc đời của mỗi cá nhân luôn ngắn ngủi. Khi đứng bên kia dốc của cuộc đời sẽ giật mình tiếc nuối vì sự lãng phí thời gian. Cái gì đã qua, cứ hãy cho qua. Sự níu kéo phỏng còn giá trị: "Chuyện đời như mộng phù vân/Qua rồi chớ níu lại lần đã qua" (Nẻo đường hạnh phúc).

Những bài học mang tính luân lý cũng được tác giả nén vào trong những bài sau đây: Khôn dại phu nhân, Sống thọ, Những điều nên thấu hiểu, Những sân ga cuộc đời,...

Từ lời người con hỏi mẹ trong một câu ca dao mà nhiều người thuộc lòng: "Người ta vá áo bằng kim/Mẹ ơi con hỏi vá tim bằng gì?". Người thầy giáo dạy Văn năm xưa đã "tư vấn" rất thâm thúy qua triết lý bằng sự chiêm nghiệm của cả một đời người: "Vá tim bằng Chỉ Từ Bi/Bằng Kim Nhân Nghĩa còn gì đẹp hơn/ Kim Bao Dung vá oán hờn/Chỉ Độ Lượng vá xanh rờn chúng sanh!" (Tư vấn) Tập thơ "Chung tay cứu đời" là bức "ký họa" về những gì mà con người đã, đang và còn có thể sẽ trải qua bởi đại dịch COVID-19. Một phần trong tập thơ là kinh nghiệm sống của một người cao tuổi như tác giả. Đó là những thông điệp gởi cho cuộc đời. Chỉ cần chừng đó thôi cũng đáng trân trọng lắm thay!

Mai Hữu Phước

HỒ ĐỨC MINH

Sinh năm: 1945

Quê quán: Duy Châu, Duy Xuyên, Quảng Nam
Cựu giáo chức Trường THPT Thái Phiên, Đà Nẵng
Hiện sống và viết tại Đà Nẵng

Đã in:

- Chút lòng làm tin (Nxb Văn Học - 2014)

- Dòng sông gợi nhớ (Nxb Đà Nẵng - 2016)

- Nhớ khoảng trời xanh (Nxb Đà Nẵng - 2018)

- Chung tay cứu đời (Nxb Đà Nẵng - 2022)