Những thủ đoạn của bọn "hút máu người"
Với số vốn chỉ 150 triệu đồng, sau 6 tháng với 4.770 lượt cho vay, số tiền mà nhóm đối tượng hoạt động tín dụng đen vừa bị CATP Bảo Lộc (Lâm Đồng) triệt phá đã lên đến 2,5 tỷ đồng. Người vay không chỉ phải trả 1 lần lãi mà là 2 lần lãi, hay còn gọi là lãi kép.
Nguyễn Đình Tuấn |
Ngay sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, với quyết tâm tấn công mạnh tội phạm hoạt động cho vay nặng lãi, chặt đứt cơn lốc "tín dụng đen" đang tràn về từng ngõ xóm, CATP Bảo Lộc đã đồng loạt ra quân, tổng kiểm tra các nhà trọ, nhà nghỉ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Ngày 28-2, tại nhà số 10/22-Phạm Phú Thứ, P. B'Lao, lực lượng CA phát hiện có 3 người quê Hà Nội đang thuê nguyên căn ngôi nhà này và có biểu hiện hoạt động "tín dụng đen". Hơn 5.000 tờ rơi quảng cáo cho vay tiền nhanh, giải ngân trong ngày, không cần thế chấp đã được thu hồi tại đây. Các đối tượng bị tạm giữ là Nguyễn Đình Tuấn (1996, hộ khẩu tại số 21 tổ 15, P. Trần Phú, Q. Hoàng Mai, Nhữ Duy Trung (1997) hộ khẩu tại thôn Đồng Trì, xã Tứ Hiệp, H, Thanh Trì và Dương Minh Quang (1996) hộ khẩu tại tổ 1, P. Vĩnh Hưng, Q. Hoàng Mai, cùng ở Hà Nội. Bước đầu nhóm đối tượng thừa nhận thuê ngôi nhà số 10/22-Phạm Phú Thứ từ ngày 20-2 để hoạt động cho vay tiền.
Những tang vật liên quan là các tờ rơi, xe máy, máy vi tính đã được CATP Bảo Lộc tạm giữ để điều tra. Theo đó, Tuấn là kẻ đứng ra tổ chức cho vay tiền, Trung và Quang làm thuê cho Tuấn và được trả công theo tháng. Có điều lạ, nếu ở các vụ cho vay tiền khác, quá trình khám xét lực lượng CA thu được nhiều hồ sơ vay nợ, sổ sách theo dõi công nợ, giấy tờ cá nhân của các nạn nhân thì ở vụ việc này lại không hề có. Lực lượng CA đã làm rõ, quá trình cho vay tiền, Tuấn không theo dõi bằng sổ sách mà cập nhật trên máy tính bằng phần mềm riêng có độ bảo mật cao. Trung tá Phạm Hữu Hải- cán bộ Đội CSHS CATP Bảo Lộc, người trực tiếp thụ lý vụ việc kể lại: "Sau khi kiểm tra, chúng tôi đã bằng mọi cách truy cập và kiểm soát phần mềm quản lý cho vay tiền của Tuấn, nếu chậm trễ đối tượng sẽ nhanh tróng xóa sạch dấu vết. Khi có người vay tiền, Tuấn và đồng bọn trực tiếp đến kiểm tra nhà, xác định rõ nơi ở của nạn nhân sau đó bàn bạc thống nhất cho vay tiền nên phần lớn không cần giữ giấy tờ của nạn nhân làm tin".
Tại cơ quan CA Tuấn khai nhận, vào TP Bảo Lộc từ cuối tháng 7-2018, thuê nhà số 10-Phạm Ngọc Thạch và bắt đầu cho vay tiền. Cũng như những đối tượng cho vay tiền khác, Tuấn in tời rơi quảng cáo cho vay tiền nhanh không cần thế chấp, giải ngân trong ngày nhưng không dán tờ rơi tại nơi công cộng mà rải tờ rơi trên đường. Tuấn đề ra nguyên tắc, chỉ cho vay với số tiền nhỏ từ 2 triệu đến 10 triệu đồng/lượt, người vay phải trả góp cả gốc và lãi theo ngày. Ác độc hơn, người vay còn phải chịu 10% phí giao dịch trên tổng số tiền và mà Tuấn gọi đó là tiền xăng xe, ai đi làm người đó sẽ hưởng. Nếu vay số tiền 3 triệu đồng, người vay chỉ được nhận 2,7 triệu đồng và phải trả góp trong 25 ngày, mỗi ngày 150.000 đồng. Bà Nguyễn Thị Na trú tại 186/17 đường 1-5, P. B'Lao kể lại: "Vì buôn bán nhỏ, cần chút vốn nên tôi đã vay của Tuấn 3 lần và đều trả góp đầy đủ nhưng nếu ngắt râu 10% thì ác quá, đâu còn được bao nhiêu". Bà Na cũng cho rằng cũng thừa nhận: "Vì không có tài sản thế chấp nên không thể vay được tiền của Nhà nước, với lại vay khoản tiền nhỏ vài triệu đồng mà thế chấp cả ngôi nhà thì không đành". Bởi suy nghĩ vậy mà những kẻ cho vay nặng lãi như Tuấn mới có đất sống.
Hàng ngàn tờ rơi quảng cáo cho vay tiền thu được tại nhà Tuấn thuê trọ. |
Lực lượng CA cũng làm rõ, với số vốn ban đầu bỏ ra là 150 triệu đồng, từ ngày 30-7-2018 đến ngày 28-3-2019 phần mềm quản lý cho vay tiền của Tuấn thể hiện số tiền Tuấn hiện có lên đến 2,5 tỷ đồng. Tuấn nói, đó là số tiền thu được từ cho vay và bằng cách quay vòng, thu lãi của người này tiếp tục cho người khác vay. Theo đó, Tuấn đã cho hơn 100 người ở TP Bảo Lộc và các huyện lân cận vay tiền với tổng số 4.770 lượt vay và lãi suất được xác định là 109% đến 365%/năm. Sau khi củng cố chứng cứ, CATP Bảo Lộc đã khởi tố vụ án, khởi tố, bắt tạm giam 2 bị can Tuấn và Trung để điều tra về hành vi "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".
Hoạt động "tín dụng đen" núp bóng các dịch vụ cho vay tiền đang nở rộ ở nhiều vùng quê, trở thành vấn nạn, nỗi bức xúc của người dân, đang đẩy nhiều gia đình vào cảnh nợ nần. Để xử lý triệt để loại tội phạm này thì không chỉ bắt rồi phạt hành chính về hành vi treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông... mà cần củng cố chứng cứ về hành vi cho vay lãi nặng để xử lý hình sự. Mặt khác, phần đông số người vay tiền là tiểu thương buôn bán nhỏ, người lao động nghèo, vậy nên cần có những chính sách hợp lý để người dân tiếp cận các nguồn vốn chính thống, tránh rơi vào cạm bẫy của bọn bất lương.
ĐỨC HUY