Nô lệ thời hiện đại ở New Zealand
Hôm 27-7, Joseph Auga Matamata, một tù trưởng có máu mặt ở Samoa, một quốc đảo nhỏ ở Nam Thái Bình Dương, đã bị kết án 11 năm tù vì 10 tội buôn người và 13 tội buôn bán nô lệ, nhưng các chuyên gia cho rằng trường hợp này chỉ là “phần nổi của tảng băng” trong vấn đề buôn bán nô lệ ở nước này.
Joseph Matamata đã bị kết án 11 năm tù vì tội buôn bán nô lệ và buôn người. |
Các nạn nhân nghĩ rằng họ đến New Zealand, quốc gia láng giềng lớn hơn với dân số gấp hơn 25 lần, để làm việc và gửi tiền về cho gia đình. Tuy nhiên, khi đến New Zealand, 13 nạn nhân đã đối mặt với một tình huống hoàn toàn khác. Hộ chiếu của họ bị thu giữ. Họ bị giam lỏng ở một nơi được bao quanh bởi một hàng rào dây thép cao và chỉ có thể liên lạc với gia đình khi được cho phép. Nếu họ không thực hiện quy tắc, họ bị đánh. Theo Đài New Zealand, một cô gái tuổi thiếu niên đã trốn và bị bắt lại. Cô bé bị đưa trở lại trong một chiếc ô-tô với hai tay bị trói.
Các nạn nhân phải làm việc trong nhiều giờ, hái trái cây từ vườn cây, nhưng họ không nhận được số tiền họ kiếm được. Thay vào đó, chúng được trao cho người đàn ông đã trực tiếp hoặc gián tiếp dụ họ đến New Zealand: một thủ lĩnh người Samoa tên là Joseph Auga Matamata.
Hôm 27-7, Matamata bị kết án 11 năm tù vì 10 tội buôn người và 13 tội buôn bán nô lệ - trường hợp đầu tiên ở New Zealand, nơi một người bị kết án cả tội buôn người và buôn bán nô lệ cùng một lúc. Y cũng được lệnh phải trả 183.000 NZD (122.000 USD) tiền bồi thường cho 13 nạn nhân để bồi thường một phần cho số tiền ước tính 300.000 NZD (200.000 USD) mà gia đình tên này có được từ các hành vi tội phạm của y.
Trong khi bản án đã kết thúc hơn hai thập kỷ phạm tội của nhân vật máu mặt này, các chuyên gia cho rằng vụ án của y chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Mặc dù nạn buôn người và buôn bán nô lệ rất hiếm ở New Zealand, nhưng các vụ việc đã trở nên phổ biến hơn. Và họ cảnh báo rằng, nhiều người dễ dàng trở thành nạn nhân trong thế giới hậu đại dịch Covid-19.
Một vị trí quyền lực
Tù trưởng là một vị trí quyền lực và rất được tôn trọng ở Samoa. Nhưng, theo thẩm phán tuyên án Helen Cull, Matamata đã lạm dụng sự tin tưởng đó. Kể từ năm 1994, y bắt đầu mời các thành viên gia đình hoặc người dân từ ngôi làng của mình ở Samoa đến New Zealand để làm việc và sinh sống tại khách sạn của mình ở Hastings, một thành phố trên đảo Bắc của New Zealand, nơi có một số vườn cây và nhà máy rượu vang. Tất cả đều có trình độ học vấn thấp, hầu hết không thể nói tiếng Anh và một số không biết đọc chữ.
Theo bản án, nạn nhân đầu tiên là hai anh em, anh trai 17 tuổi và em gái 15 tuổi. Người anh dự kiến sẽ kiếm tiền để gửi về cho gia đình, trong khi em gái dự kiến sẽ hoàn thành việc học ở New Zealand. Thay vào đó, người anh phải làm việc trong vườn cây trong khi em gái phải nấu ăn, dọn dẹp và chăm sóc trẻ em. Họ không được trả tiền. Matamata không cho họ đi đâu và thường xuyên đánh đập họ.
11 nạn nhân khác - tuổi từ 12 đến 53 - cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Các nạn nhân không được rời khỏi nơi ở mà không được phép và không được liên lạc với gia đình của họ ở Samoa trừ khi được Matamata cho phép. Họ không được giao tiếp với người qua đường hoặc liên hệ với người khác khi đi đến nhà thờ hàng tuần. Nếu họ không tuân thủ, Matamata “đánh đập họ và khiến các nạn nhân còn lại sợ hãi”, thẩm phán Cull cho biết.
Matamata ký hợp đồng với các chủ vườn, và bỏ túi số tiền họ kiếm được. Cuối cùng, các nạn nhân đã bị trục xuất trở lại Samoa vì không được cấp thị thực. Khi trở về nhà, nhiều người cảm thấy xấu hổ vì họ “không làm được gì trong khoảng thời gian qua và bị cáo buộc hình sự vì tình trạng nhập cư bất hợp pháp của họ”, thẩm phán Cull cho biết. “Họ không thể quay lại New Zealand để làm việc và nhiều người cảm thấy hành vi trong quá khứ sẽ hạn chế khả năng làm việc... trong phần còn lại của cuộc đời họ”, thẩm phán Cull nói.
New Zealand và nạn buôn người
Theo Natalia Szablewska, giảng viên cao cấp tại trường luật Đại học Công nghệ Auckland, trong một thời gian dài, nhiều người cho rằng nạn buôn người và buôn bán nô lệ không tồn tại ở New Zealand. Theo những thẩm phán hàng đầu của đất nước, nạn buôn người chỉ được thêm vào Đạo luật tội phạm vào năm 2002 và gần đây nhất là năm 2010. Nhưng chỉ sau khi New Zealand mở rộng định nghĩa về buôn người vào năm 2015, bao gồm cả hành vi buôn người trong nước, nghĩa là không cần phải xuyên biên giới, quốc gia này mới có trường hợp buôn người đầu tiên. Năm 2016, một người đàn ông tên Faroz Ali bị kết tội buôn bán công nhân người Qatar vào nước này.
Các chuyên gia cho rằng, số lượng nghi phạm bị kết án thấp, không phản ánh được toàn bộ bức tranh. Theo bảng xếp hạng nô lệ toàn cầu của tổ chức phi lợi nhuận Walk Free Foundation, có hơn 40 triệu người là nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại trên khắp thế giới, trong đó có 3.000 nạn nhân ở New Zealand.
Rất khó để thống kê chính xác con số do tính chất ẩn giấu của loại tội phạm này. Một báo cáo của hai học giả được công bố vào năm 2019 cho thấy những người có thị thực sinh viên hoặc thị thực được chủ lao động hỗ trợ là đối tượng dễ trở thành nạn nhân nhất. Một số người đã vay tiền để đến được New Zealand và trở nên tuyệt vọng khi họ không thể tìm được công việc hợp pháp, và phải chấp nhận điều kiện bị bóc lột.
New Zealand nên làm gì?
Các chuyên gia cảnh báo, với hàng triệu người trên thế giới bị mất việc làm do đại dịch Covid-19, sẽ có nhiều người hơn trở thành nạn nhân của nạn buôn người. Gary Jones, người quản lý chính sách và chiến lược thương mại cho tập đoàn công nghiệp New Zealand Apples and Pears, cho biết 350.000 công nhân nhập cư hiện tại ở New Zealand có thể trở nên dễ bị lợi dụng nếu họ bị mất việc.
Hôm 27-7, Bộ Kinh doanh, Đổi mới và Việc làm cho biết chính phủ sẽ đầu tư 50 triệu NZD (33,2 triệu USD) để giảm rủi ro của nạn buôn người trong bối cảnh đại dịch đang hoành hành. Những thay đổi bao gồm cấp một thị thực mới để giúp người di cư thoát khỏi tình trạng bóc lột và tăng số lượng điều tra viên nhập cư.
Theo các chuyên gia, New Zealand nên làm theo các quốc gia khác như Australia bằng cách đưa ra Đạo luật nô lệ hiện đại đòi hỏi các doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm đối với chuỗi cung ứng lao động của chính họ.
AN BÌNH