Nơi ấy, rừng được bảo vệ như báu vật
Về xã Bình Tân Phú (H. Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), chúng tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những cánh rừng già tự nhiên, những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi... Từ tấm bia chỉ dẫn, men theo con đường đất chừng vài trăm mét, chúng tôi đến khu Di tích căn cứ H. Đông Sơn, ở xã Bình Tân Phú. Nhác thấy có người lạ, ông Nguyễn Tấn Minh (67 tuổi), sống cạnh khu di tích nhanh chân đến hỏi. Biết chúng tôi là nhà báo, ông mới cho chúng vào sâu bên trong khu rừng. Ông Minh giải thích, với người dân thì đây là rừng thiêng, nên lập miếu để thờ phụng và bảo vệ nghiêm ngặt.
Rừng An Tráng chẳng khác gì những vạt rừng ở dãy Trường Sơn hùng vĩ. Hàng loạt cây cổ thụ có tuổi đời lên tới vài trăm năm tuổi, có cây phải 6 - 7 người ôm mới xuể thuộc các loại như mít nài, vĩnh, trâm, quăng, huỷnh, chò, cầy, sến... "Nhiều cây gỗ có giá trị kinh tế cao, nhưng với người dân, quý hơn cả là khu rừng gắn với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất này, là di tích cách mạng. Rừng giữ đất, giữ nước, bảo vệ làng trước phong ba bão táp, nên người dân luôn có ý thức giữ rừng", ông Minh bộc bạch.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân Phú Nguyễn Văn Phúc, từ sau ngày giải phóng đến nay, người dân ở An Tráng rất coi trọng việc giữ gìn Di tích căn cứ huyện Đông Sơn gắn với bảo vệ rừng. Mọi người đều ý thức rằng, bảo vệ rừng là bảo vệ sự sống. Rừng có xanh thì di tích mới vẹn nguyên giá trị, đó cũng là cách để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, tỏ lòng tri ân đối với thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Toàn xã Bình Tân Phú hiện có 7 khu rừng tự nhiên với hơn 18ha, tập trung nhiều ở xã Bình Tân cũ. Rừng tự nhiên chủ yếu ở xóm An Tráng, Phú Vinh, Bình An (thôn Nhơn Hòa 1) và xóm Thuận Yên (thôn Diên Lộc). Trong đó, rừng Phú Vinh có khoảng 7ha rừng tự nhiên với hệ động, thực vật đa dạng, phong phú. Đây là nơi trú ngụ của nhiều loài chim, muôn thú, đặc biệt là khỉ...
Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Ngọc Sơn (60 tuổi) ở xóm Phú Vinh, người dân đã gắn bó nhiều năm với khu rừng này. Ông Sơn chia sẻ, riêng thôn này chẳng bao giờ xảy ra tình trạng thiếu nước bởi vì mạch nước ngầm dồi dào, quanh năm mát lạnh; phục vụ tốt cho việc sinh hoạt, sản xuất. Có được điều đó cũng nhờ vào rừng, rừng có xanh thì nguồn mạch mới tốt.
Ông Sơn cho biết, ngày trước cuộc sống của người dân thiếu thốn đủ bề. Vậy mà tuyệt nhiên không có ai vào rừng khai thác gỗ đổi cái ăn, hay để dựng nhà. Ngày nay cũng vậy, ý thức giữ rừng của người dân rất rốt. Khi phát hiện một cây gỗ khô cũng phải báo cho thôn, xã biết. Theo hương ước, số gỗ, củi khô chỉ được thu hoạch một lần trong năm, thường thì rơi vào ngày 25 tháng Chạp và bắt buộc phải mang ra bán đấu giá. Số tiền thu được từ việc bán củi, gỗ khô được xung quỹ để trích hỗ trợ người dân lúc ốm đau, ngặt nghèo, chi cho hoạt động lệ xóm hằng năm. Việc bảo vệ rừng còn được xem là hình thức thi đua giữa tộc họ, xóm làng. Ở Phú Vinh, hương ước của làng vẫn duy trì cho đến ngày nay, ai vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm khắc. Lần thứ nhất thì cảnh cáo trước làng. Lần thứ 2 phạt từ 150- 200 nghìn đồng dù chỉ nhổ cây về làm cảnh. Lần thứ 3 sẽ giao cho xã, lực lượng chức năng xử lý theo quy định.
Cổ thụ ở rừng Bình Tân Phú.
"Nếu người ở xóm Phú Vinh mà tham tiền, bỏ rừng, thì nay nhiều người có bạc tỷ trong tay. Thế nhưng, chẳng ai vì cái lợi trước mắt mà danh tiếng của gia đình, làng xóm bị ảnh hưởng và nhất là không ai muốn mất rừng. Dù đói rách, ai cũng phải giữ cho lòng mình được thơm tho, tự trọng với rừng xanh. Các thế hệ cha ông đi trước đã có công gìn giữ cho đến ngày nay, người làng Phú Vinh phải ra sức bảo vệ để làm gương và giữ lại tài sản cho con cháu mai sau", ông Sơn bộc bạch.
Cũng bởi tâm niệm "rừng nát thì nhà tan, rừng tan thì làng mạt", nên việc phá rừng là điều chẳng một ai trong làng nghĩ tới. Điều lo sợ nhất là người ngoài địa phương thường đến khu rừng để đốt ong lấy mật và sự dòm ngó của lâm tặc. Cách đây không lâu, một vài đối tượng đã mang phương tiện cơ giới vào rừng múc đất, mở đường và đốn hạ một số cây ở bìa rừng. Tổ bảo vệ rừng của xóm đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, thông báo cho chính quyền địa phương để xử phạt thích đáng.
Nhiều người từng đặt câu hỏi, vì sao những cánh rừng già ở Phú Vinh, An Tráng... vẫn "lành lặn"?. Khi đến đây, chúng tôi đã tìm tra câu trả lời: còn đó những con người sẵn sàng hy sinh để giữ rừng, tôn kính với rừng như ông bà, tổ tiên.
Q.N