Nội lực văn trẻ mùa này...
Nhiều người tỏ ra bi quan khi thi thoảng lại đưa ra cảm thán, rằng văn chương đang lâm nguy, rằng người trẻ ngày càng thực dụng, chẳng còn mấy ai đoái màng văn chương…
Sự thực, đội ngũ người trẻ viết văn chưa bao giờ thưa mỏng vắng thiếu. Bằng chứng, trước mỗi kỳ hội nghị, ban tổ chức rất vất vả trong việc chốt danh sách đại biểu trẻ được mời. Không phải do danh sách quá thiếu so với số lượng dự trù, mà ngược lại, những gương mặt sáng giá trên mọi miền đất nước được đề cử qua nhiều kênh khác nhau quá đông. Chẳng hạn, kỳ hội nghị lần thứ 10 này, người trẻ (sinh năm 1986 trở lại đây) xứng đáng được mời rất nhiều, trong khi số lượng đại biểu trẻ chính thức đáng tiếc giới hạn khoảng 120 người. Có nghĩa, những người trẻ hữu duyên có mặt tại hội nghị lần này chỉ là những đại biểu mang tính đại diện, chứ chưa phải là tất cả những người trẻ lặng lẽ tự nguyện dấn thân làm "phu chữ" trên cánh đồng văn chương vừa phì nhiêu màu mỡ, vừa xơ vữa cỗi cằn. Họ như những lớp sóng, vừa nối vừa gối lên nhau, nỗ lực tự định vị mình trên bản đồ văn chương nước nhà.
Không cần phải làm cuộc tổng kiểm kê 5 năm, chỉ cần một cái nhìn lướt vào những người viết trẻ có đầu sách nổi bật xuất bản gần đây (từ tháng 10-2020 đến thời điểm hiện tại) cũng đủ hình dung về sự hiện diện của lực lượng trẻ và bút lực của họ. Trên dưới 100 đầu sách cho thấy tính chất nhiều màu lắm vẻ, mức độ bao sân chiếm sóng của người trẻ: loại hình từ phi hư cấu đến hư cấu; thể loại từ truyện ngắn, tiểu thuyết đến tản văn, từ thơ đến trường ca, từ phê bình chân dung đến phê bình hàn lâm, từ dịch xuôi đến dịch ngược; bút pháp từ truyền thống đến hiện đại và hậu hiện đại; đề tài từ lịch sử đến hiện thời, từ người lao động đến lực lượng vũ trang, từ nông thôn đến đô thị, từ đồng bằng đến miền núi, từ hiện thực đến ngoài hiện thực…
Trên bức tranh văn trẻ nhiều đường đậm nét ấy, điểm nhấn ấn tượng là cuộc hăm hở "đi tìm mặt" (chữ của nhà thơ Hoàng Hưng) của những chủ thể nội lực, cá tính, tự tôn lược phổ cá nhân giữa tổng phổ tha nhân.
Thi tập "Văn học vết thâm" của Nguyễn Thị Thúy Hạnh chẳng hạn, như là một cách tái định nghĩa về thế giới, về con người cá nhân, về thơ. Theo đó, thế giới này, tự khởi thủy, đã mang đầy thương tích. Mỗi con người, với tất cả ý nghĩa hiện sinh của nó, đều là nhân vật đa chấn. Và thơ chính là "cái há miệng của vết thương khó cầm", là "chữ chảy ra từ vết rách chưa liền", cũng là một phương cách khâu "vết rách" và xoa "vết thâm". Thơ trong tập thơ này là cách chủ thể thơ "đạp tung chật hẹp", để "xới hành trình khác", để "mặc một thế giới khác"… "Cuộc tìm tiếng" của thơ là không hồi kết. Mỗi cuộc tìm là "những âm thanh bơi sải mở ra". Mở ra "tiếng nói này và tiếng nói khác". Khai phóng những khả thể sống và những khả thể thơ.
Ở địa hạt văn xuôi, đón nhu cầu của một bộ phận người đọc phi truyền thống, một thế hệ nhà văn trẻ, mỗi người một vẻ, đang hăm hở dấn nhập vào cuộc văn mới. Họ từ chối lối văn thật thà kể tả hiện thực đơn nghĩa đơn giản, để tìm tòi thể nghiệm sáng tạo nên những tác phẩm phức hợp đa tầng. Họ xa lạ với kiểu viết bản năng, ăn may, "tự ăn mình", "chuyện đời tự kể". Họ ý thức cao độ, rằng muốn đi đường xa đường dài với văn chương, muốn đi kịp tốc độ tiến hóa của văn chương thì không có cách nào khác là phải không ngừng cập nhật, tích nạp tinh hoa tri thức và tinh túy văn học của nhân loại. Họ nỗ lực đột xuất mình lên để không chỉ thêm vào bức tranh văn học một gam sắc mới, mà còn là một sức sống mới.
Trẻ là một tài sản. Nói đến người trẻ là nói đến mới mẻ, khỏe khoắn, trẻ trung, năng động, sáng tạo, lập trường cái mới cái khác, tín hiệu chuyển dịch của ý thức tư duy văn chương thời đại... Nhà văn người Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro từng nói, nếu xem xét một cách khách quan toàn bộ văn nghiệp của mỗi nhà văn, hay nhìn lướt qua một lexicon và lên một danh mục, ta sẽ thấy trong vòng 200 năm qua, đa phần những tác phẩm quan trọng nhất đều do những người rất trẻ tuổi viết ra; nếu anh muốn viết tiểu thuyết và anh đã bước vào tuổi 30, thì đây là thời điểm đã đến lúc bắt đầu.
Với người viết, đặc biệt là người trẻ, viết là xoa dịu, là cứu rỗi, là "cô độc nên thơ" (tên tập thơ của tác giả trẻ Nam Thi). Hãy đi bên cạnh họ. Đừng sợ họ vượt mình. Hãy chúc họ trường sức để có thể tự vượt lên chính họ, để sớm tìm được khuôn mặt và giọng nói của họ.
Hoàng Đăng Khoa