Lễ hội đình làng Túy Loan:

Nơi lưu giữ bản sắc văn hóa và lịch sử của dân làng

Thứ sáu, 16/02/2024 13:46
Vào ngày 18, 19 - 2 tới (nhằm mồng 9, 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn), làng cổ Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) sẽ khai hội truyền thống nhân kỷ niệm 25 năm (1999 - 2024) đình làng được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.  Đây là một trong những lễ hội lớn đầu năm mới của thành phố nên thu hút đông đảo nhân dân địa phương, khách thập phương về trẩy hội.
Thi gói bánh tét, nướng bánh tráng là hai trong những cuộc thi truyền thống luôn được tổ chức tại lễ hội đình làng Túy Loan hàng năm.
Dân làng Túy Loan thực hiện nghi lễ Rước sắc phong về an vị tại đình.

Theo sử liệu, làng cổ Túy Loan có hơn 500 tuổi, do các vị tiền hiền thời vua Lê Thánh Tôn nhận chiếu chỉ đi mở mang bờ cõi phương Nam. Đình làng được xây dựng vào năm Thành Thái thứ nhất (1889) hiện còn lưu giữ 25 sắc phong của triều Nguyễn và chỉ được làm lễ Rước sắc phong từ nhà thờ tộc Đặng Công (phái Nhì) về đình vào dịp lễ hội đầu năm. Đình nằm vị trí thuận lợi, có cây đa, bến nước, sân đình, không bị ảnh hưởng quá trình đô thị hóa, nên lễ hội đình làng Túy Loan luôn mang sắc thái riêng mà ít nơi nào có được. Ngôi đình cổ kính đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử vẫn đứng đó ngắm nhìn dòng sông Túy Loan thơ mộng, tưởng chừng như đang say ngủ bỗng như bừng tỉnh và rộn rã hơn trong thời gian diễn ra lễ hội.

Lễ hội đình làng Túy Loan có hai phần: phần lễ gồm lễ rước Sắc phong ngoạn cảnh quanh làng, nhạc lễ dâng hương tế cổ truyền tưởng nhớ 5 vị tiền hiền Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê; phần hội phong phú với nhiều trò chơi dân gian: đua ghe, hát bội, hô Bài Chòi, hát hò khoan đối đáp, thi đấu cờ người kết hợp với các hoạt động tôn vinh làng nghề nướng bánh tráng, gói bánh tét truyền thống, trải nghiệm tráng mì Quảng… Cũng chính từ lễ hội này, nhiều năm qua, các "lệ làng" 3 thôn Túy Loan Đông (1, 2) - Tây ngày càng thêm thiết thực như: cưu mang, đùm bọc gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ kinh phí cho học sinh nghèo hiếu học đã góp phần an sinh xã hội, thực hiện hiệu quả chương trình "Thành phố 4 an".

Ông Ngô Văn Nhân - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong, Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết, Hội làng Túy Loan như là "núm ruột" của làng, lưu giữ được nó chính là lưu giữ được bản sắc văn hóa và lịch sử của dân làng. Với đạo lý "uống nước nhớ nguồn", ai ai cũng muốn bày tỏ tấm lòng tôn kính các vị thánh hiền, tiền nhân đã có công khai hoang, mở đất và thành kính cầu mong một năm mới tiếp tục "mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt" để có thêm nhiều niềm vui và cuộc sống ấm no, đủ đầy hơn. Lễ hội năm nay sẽ tạo nên một sắc thái văn hóa rất riêng của dân làng trong việc góp phần gìn giữ, bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc. Không chỉ mang ý nghĩa giáo dục tinh thần nhớ về tổ tiên cội nguồn, hội làng còn thắt chặt tình đoàn kết hướng về quê hương, ra sức xây dựng địa phương ngày thêm ấm no, hạnh phúc, gìn giữ bền vững các tiêu chí nông thôn mới nâng cao…

Thi gói bánh tét, nướng bánh tráng là hai trong những cuộc thi truyền thống luôn được tổ chức tại lễ hội đình làng Túy Loan hàng năm.

Những người nông dân vốn quanh năm vất vả "một nắng, hai sương", mùa xuân đến là lúc họ được thảnh thơi. Với họ, ngày nay, dù diện mạo nông thôn đã có nhiều đổi thay, nhiều tục lệ xưa không còn nữa, nhưng tiếng trống đình vẫn không ngừng vang lên mỗi độ xuân về. Và tiếng trống đình làng Túy Loan vẫn là một trong những cái hồn của quá khứ, của văn hóa làng xã đã trở thành cơ sở vững chắc tạo nên tình yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ dân làng... Xuân về gợi lên bao nỗi niềm của những người con xa xứ. Một ngày về quê thôi cũng đủ mãn nguyện. Thắp nén nhang thơm lên bàn thờ tổ tiên chợt nghe lòng ấm lại. Ông Đặng Công Thức (82 tuổi, quê Túy Loan, hiện sinh sống tại TP Hồ Chí Minh) tâm sự: "Lễ hội đình làng là dịp để cho mọi người được nghỉ ngơi và đoàn tụ gia đình. Từ những người con được sinh ra ở làng quê thân yêu đã trưởng thành đi công tác trên khắp mọi miền đất nước, đến những người đang sống xa xôi nơi đất khách quê người, ai ai cũng khát khao được trở về nơi "chôn rau, cắt rốn" của mình".

Có thể nói, Hội làng Túy Loan tuy chưa phản ánh đầy đủ mọi mặt đời sống làng quê, nhưng đã trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa dân gian, một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân địa phương. Đây là dịp để du khách gần xa hiểu thêm về một vùng đất, một phong tục và những con người chân chất nỗ lực gìn giữ truyền thống đáng quý của cha ông.

Vy Hậu