Nông dân TT-Huế nỗ lực cứu lúa

Thứ tư, 15/04/2020 19:35

Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên trong mấy ngày nay, tại tỉnh TT-Huế đã có mưa lớn kèm gió mạnh, khiến hơn 10.000 ha lúa Đông Xuân sắp chín bị ngã đổ và hơn 4.100ha bị ngập úng. Trong ngày 14-4, nông dân TT-Huế đang khẩn trương xuống đồng cứu lúa.

Nông dân TT-Huế đang nỗ lực tháo nước ra khỏi ruộng. 

Nắng hạn liên tục nhiều tháng qua khiến nhiều diện tích lúa đối diện nguy cơ khô hạn. Cơn mưa trái mùa do ảnh hưởng của không khí lạnh trong 2 ngày qua góp phần “giải nhiệt” cho cây trồng nhưng cũng khiến hơn chục ngàn héc-ta lúa trên địa bàn tỉnh bị đổ ngã và bị ngập úng. Phú Vang là huyện bị thiệt hại nặng nhất trên địa bàn tỉnh TT-Huế với hơn 4.055ha lúa bị ngập úng và 3.995ha lúa bị ngã đổ. Có mặt tại cánh đồng lúa xã Phú Lương (H.Phú Vang) sáng 14-4, hàng chục héc-ta lúa đông xuân đang trong giai đoạn trổ đòng và chín bị sạp đổ chồng lên nhau. Đây là ngày thứ ba liên tiếp, sáng sớm nào, cả gia đình nông dân Ngô Văn Trí cũng kéo nhau ra đồng ruộng để “cứu” lúa. Nhìn hơn 1 ha lúa bị sạp đổ, nằm chồng chất lên nhau mà không khỏi xót xa. “Chỉ cần gắng khoảng 10 ngày nữa là thu hoạch rồi. Không ngờ cơn mưa trái mùa khiến bà con nông dân gặp khó khăn chồng chất”- ông Trí than.

Ông Phan Thành Nhân, Phó phòng NN & PTNT H.Phú Vang cho biết, hiện, Phòng cùng với chính quyền các xã, thị trấn, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn đang phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi TT-Huế huy động toàn bộ hệ thống trạm bơm tiêu để tiêu úng cho những diện tích lúa bị ngập. Đồng thời, tăng cường điều tiết cống quan và các cống trên đê ngăn mặn nhằm tiêu nước ra đầm phá. Đối với diện tích lúa đổ ngã và lúa đã chín, địa phương huy động người dân tích cực thu hoạch. Ông Đỗ Anh, trú xã Hương Vinh (TX Hương Trà) cho biết, vụ đông xuân năm nay, ông trồng hơn 5 mẫu lúa chủ yếu là giống HT1, Khang Dân 18. Mưa gió những ngày qua đã khiến hơn một nửa diện tích đang giai đoạn chín bị đổ sạp xuống ruộng, bị ngâm nước và nguy cơ mất mùa khoảng 60%.

Các trạm bơm được huy động tháo nước ở chân ruộng thấp nhằm cứu lúa.

Từ sáng sớm, ông Ngô Viết Chiến, ở xã Thủy Thanh (TX Hương Thủy) đã tranh thủ ra đồng, vét bờ tháo nước ra khỏi ruộng. Ông Chiến cho biết, vụ Đông Xuân năm nay, gia đình ông trồng 2ha lúa. Mưa lớn đã khiến cho hơn 1ha lúa của gia đình ông bị đổ, ngã và ngập úng, trong khi lúa còn khoảng 10 ngày nữa là thu hoạch. Theo ông Chiến, số lúa bị đổ này khi thu hoạch, sản lượng sẽ bị giảm khoảng 60% và công gặt cũng sẽ đắt gấp đôi, mỗi sào tiền máy gặt mất khoảng 200 ngàn đồng. Đó là chưa kể tiền phân bón và tiền giống đã đầu tư nên vụ lúa này coi như là bị lỗ. Nhằm cứu lúa đổ, hạn chế thiệt hại năng suất, sản lượng người nông dân ở TT-Huế đang xuống đồng huy động nhân lực khẩn trương tháo kiệt nước ở ruộng, dùng sào và dây buộc để dựng lúa đứng dậy. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp H.Quảng Điền Nguyễn Ngọc Tiến, mưa, gió đã khiến hơn 1.500 ha trong tổng số 4.202 ha lúa đông xuân ở địa phương này bị ngã đổ, trong đó hơn 900 ha đổ nằm rạp xuống mặt đất, nguy cơ hư nặng. “Phần lớn là diện tích lúa mới trổ và đang chín, lúa bị đổ sẽ ảnh hưởng khả năng quang hợp, sự vận chuyển các chất dinh dưỡng về hạt của lúa, nếu bị lâu ngày sẽ giảm năng suất từ 20 - 40%. Đây cũng là lúc nhiều bệnh dịch phát triển, nếu không kịp thời dựng lúa dậy sẽ bị rầy gây hại là rất cao, rất ảnh hưởng năng suất lúa”- ông Tiến cho hay.

Thống kê của Sở NN & PTNT tỉnh TT-Huế cho biết, vụ lúa Đông Xuân năm nay, toàn tỉnh đưa vào gieo cấy hơn 28.000 ha, đến thời điểm hiện tại, lúa đang trong giai đoạn trổ bông và bắt đầu chín. Diện tích lúa bị đổ ngã do mưa chiếm khoảng hơn 30% diện tích gieo cấy toàn vụ. Lúa bị ngã có số chuẩn bị thu hoạch trong 5-10 ngày tới, còn phần lớn đang ngậm sữa, do đó ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và chất lượng gạo. Ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt &Bảo vệ thực vật tỉnh TT-Huế khuyến cáo: Đối với diện tích ngập úng, đang làm đòng các HTX phải khẩn trương huy động lực lượng, các trạm bơm lưu động thoát nước nhanh trong ruộng lúa, tránh để ngâm lâu ngày gây nảy mầm ảnh hưởng chất lượng. Đối với diện tích lúa chín, hạt đã chắc trên 85%, các địa phương cần tiến hành thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm giảm thiểu thiệt hại. Đối với những diện tích đã “vào chắc” rồi sau khi tháo nước phải dựng lúa dậy bằng cách cụm từ 3-5 bụi lại với nhau tránh đổ ngã, sau khi tháo nước, trời tạnh ráo thì phun phân bón lá siêu kali để nhanh nước phục hồi…

HẢI LAN