Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X:

“Nóng” vấn đề cải cách thủ tục hành chính, thiếu thuốc, vật tư y tế

Thứ bảy, 09/12/2023 06:40
Sau hai ngày rưỡi làm việc, trưa 8-12, Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường cùng các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh và Nguyễn Công Thanh chủ trì kỳ họp.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường cùng các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh và Nguyễn Công Thanh chủ trì kỳ họp.

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Quảng Nam tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất về những vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm trên 3 nhóm lĩnh vực: cải cách thủ tục hành chính, đầu tư công; tài nguyên - môi trường và tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.

“Càng cải cách thì càng thụt lùi”

Liên quan đến việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC), Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường nêu dẫn chứng, chỉ số cải cách hành chính của Quảng Nam bị thụt lùi qua những năm gần đây (năm 2020 đứng 20/63, 2021 đứng 35/63, 2022 đứng 63/63 tỉnh, thành). Ngoài ra, chỉ số xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức tỉnh cũng tụt hạng, năm 2020 đứng thứ 8/63, năm 2021 đứng thứ 17/63, năm 2023 xếp cuối cùng cả nước. “Như vậy cho thấy càng cải cách thì càng thụt lùi, vậy trách nhiệm thuộc về ai?”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đặt câu hỏi, đồng thời đề nghị làm rõ trách nhiệm của cá nhân, đơn vị khi vị thứ xếp hạng ngày càng thụt lùi. Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng cho rằng, khi xuống địa phương thì nghe than phiền thủ tục hành chính (TTHC), thẩm định hồ sơ lâu, “một cửa nhưng nhiều khóa”… và đề nghị đại biểu tập trung chất vấn vấn đề này.

Đại biểu Hà Đức Tiến - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng, thực trạng chỉ số SIPAS (chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với cơ quan hành chính Nhà nước) của tỉnh Quảng Nam từ năm 2020 đến nay liên tục sụt giảm. Cụ thể năm 2020 đứng thứ 53/63; 2021 đứng thứ 57/63; 2022 đứng thứ 61/63 tỉnh, thành.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Đức- Trưởng ban Kinh tế, ngân sách HĐND tỉnh Quảng Nam cho rằng, người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện TTHC gặp rất nhiều khó khăn, phiền hà. Nguyên nhân là các quy định quá rườm rà, bất cập làm phát sinh thủ tục không cần thiết. “Kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Nam trong năm 2023 rất thấp, không đạt chỉ tiêu đề ra, có nguyên nhân từ TTHC. Vậy công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý việc giải quyết và kiểm soát TTHC đối với lĩnh vực đầu tư công như thế nào?”, đại biểu Đức nêu câu hỏi.

Trả lời ý kiến chất vấn của các đại biểu, bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam cho biết, qua kiểm tra và lấy ý kiến khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp cho thấy, nhiều cán bộ, công chức khi giải quyết TTHC có biểu hiện nhũng nhiễu, làm phát sinh các thủ tục ngoài quy định. Theo bà Hoa, để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu các cơ quan, đơn vị: “Người dân và doanh nghiệp có kiến nghị rất nhiều về tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, nhưng chưa nêu cụ thể rằng nhũng nhiễu ở bộ phận nào, cán bộ nào. Cho nên để phát hiện được những trường hợp cụ thể thì cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị”, bà Hoa nói.

“Nóng” nội dung thiếu thuốc, vật tư y tế

Liên quan đến việc thiếu thuốc, vật tư y tế, hóa chất kéo dài gây bức xúc cho nhân dân, nhiều đại biểu nêu câu hỏi về trách nhiệm của lãnh đạo Sở Y tế. Trả lời chất vấn, ông Mai Văn Mười- Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho rằng: “Đến nay vấn đề thiếu thuốc ngành Y tế đã thực hiện xong. Tại kỳ họp trước tôi hứa với HĐND là giải quyết thiếu thuốc trước ngày 10-8-2023. Đến ngày 27-9-2023 thì gói thầu thuốc được phê duyệt. Đến nay cơ bản thuốc đã đủ đáp ứng cho bệnh nhân”, ông Mười thông tin.

Còn về việc thiếu vật tư y tế, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho rằng, có yếu tố chủ quan, thiếu quyết tâm và năng lực thực hiện của hai bệnh viện Đa khoa tỉnh và Đa khoa Khu vực Quảng Nam, trong đó có trách nhiệm của Hội đồng thẩm định và các ngành liên quan trong công tác phối hợp, cũng như trách nhiệm của lãnh đạo Sở Y tế. “Do các thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế còn chồng chéo, thông tư mới bác bỏ toàn bộ các nội dung của thông tư cũ nên gói thầu phải hủy bỏ, thẩm định làm lại từ đầu. Đến nay hồ sơ thẩm định gói thầu đã cơ bản hoàn tất, ngày 12-12 sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt”, ông Mười nói.

Trước câu trả lời của Giám đốc Sở Y tế Mai Văn Mười, đại biểu Vũ Văn Thẩm- Bí thư Huyện ủy Phú Ninh cho rằng, lãnh đạo Sở đã không thẳng thắn nhận trách nhiệm mà đổ cho hai bệnh viện. “Việc triển khai chậm trễ yếu kém mà không thấy trách nhiệm của người đứng đầu mà đổ cho hai bệnh viện. Khi năng lực hạn chế, thực hiện không được thì tại sao ngành y tế không đến các tỉnh, thành lân cận học hỏi cách làm của họ, để về triển khai. Giám đốc Sở Y tế nói đã có gói thầu về thuốc rồi, vậy còn vật tư y tế kèm theo chưa có thì sao, giữa hai cái này với tư cách chuyên môn có liên quan hay không? Có việc lợi ích nhóm nên để kéo dài tình trạng trên hay không?”, ông Vũ Văn Thẩm chất vấn.

Trước truy vấn trên, ông Mai Văn Mười xin rút kinh nghiệm, hứa trước HĐND tỉnh sẽ phấn đấu chỉ đạo quyết liệt để đảm bảo thuốc, vật tư y tế kịp thời trong năm 2024 và các năm tiếp theo nhằm đáp ứng yêu cầu điều trị cho bệnh nhân.

Thông qua 26 nghị quyết

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường đánh giá, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã tập trung giải quyết khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng với sự đồng thuận, nhất trí cao. Với các phiên thảo luận tổ, thảo luận chung tại hội trường và nhất là phiên chất vấn và trả lời chất vấn, HĐND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương trong triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng an ninh năm 2023; song, cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, nhất là các vấn đề liên quan đến việc thực hiện chỉ tiêu GRDP không đạt, những vấn đề nổi cộm, bức xúc liên quan đến các lĩnh vực đầu tư, tài chính, đất đai, môi trường, y tế, giảm nghèo, lao động việc làm, cải cách TTHC, quản lý, bảo vệ rừng…

TRẦN TÂN