Nữ bác sĩ hết lòng vì bệnh nhân HIV

Thứ năm, 13/11/2014 11:14

(Cadn.com.vn) - Hơn 10 năm đảm nhiệm chức vụ Trưởng trạm y tế, bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Hồng âm thầm thực hiện chức trách, nhiệm vụ quản lý, hướng dẫn và tuyên truyền các bệnh nhân (BN) HIV sống lành mạnh, không để căn bệnh thế kỷ lây nhiễm cho người thân và xã hội. Chị vừa là BS vừa là chuyên gia tâm lý, vừa là người thân tin cẩn để các BN HIV nuôi dưỡng niềm tin trong cuộc sống.

BS Nguyễn Thị Hồng.

BS Nguyễn Thị Hồng, Trưởng trạm Y tế P.Hòa An (Q.Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) chia sẻ: "Hầu hết những người nhiễm HIV đều giấu bệnh, tuyệt đối không muốn ai biết. Tâm lý chung là họ sợ bạn bè, người thân, hàng xóm kỳ thị, xa lánh, ảnh hưởng đến công việc làm ăn và sinh hoạt. Vậy nên, việc tiếp cận với BN gặp vô vàn khó khăn. Đa phần không ai nhận có bệnh, phải đi năm lần bảy lượt họ mới tiếp mình, rồi mình phải lựa lời thế nào nói cho khéo để BN không bị sốc, không bị mặc cảm, tự ti".

P.Hòa An hiện có 37 người nghiện ma túy, 21 người nhiễm HIV. Trong  số BN nhiễm HIV, đã có 7 người chết, 2 người chuyển đi nơi khác, 1 người bỏ đi khỏi nơi cư trú. Hơn 10 năm làm Trưởng Trạm Y tế xã Hòa Phát và nay là  P.Hòa An, BS Hồng trực tiếp quản lý số này và xem họ như là người thân, sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống. Không cần sổ sách, chị vẫn có thể kể vanh vách gia cảnh từng trường hợp cụ thể. Bệnh nhân của chị mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tựu chung đều bi quan về cuộc sống khi biết mình phát bệnh.

Theo BS Hồng, khó tiếp cận nhất có lẽ là BN tên P.  Lần đầu đến nhà, gia đình nhất quyết không cho gặp. Không nản lòng, chị đến lần thứ hai, thứ ba thì họ mới đồng ý cho gặp. Tuy nhiên lúc gặp thì P. đang trong tình trạng tuyệt vọng, không chịu ăn uống, nằm vật vờ, chửi bới và quyết không tiếp xúc với BS. Dù vậy, chị vẫn kiên trì đến thăm và cuối cùng thì P. cũng đồng ý trò chuyện. Chị bắt đầu động viên tinh thần P., tư vấn, hướng dẫn cách sinh hoạt để không lây nhiễm cho người khác, cách điều trị để kéo dài sự sống, cách sống như thế nào để thật ý nghĩa đối với mình và mọi người xung quanh.

Bây giờ thì P. đã lạc quan hơn, đều đặn đến trạm y tế nhận thuốc, sống hòa nhập với cộng đồng. Hay trường hợp bệnh nhân H. vừa nghiện ma túy vừa nhiễm HIV, hôm đến nhà tư vấn, chị thấy đám bạn nghiện của H. xăm trổ đầy mình lởn vởn trước nhà nhìn chị đầy đe dọa... Trong quá trình quản lý BN HIV, BS Hồng nhận thấy, việc quan hệ với gái mại dâm và sử dụng ma túy là 2 con đường dễ lây nhiễm nhất. Điều này cực kỳ nguy hiểm, khiến không ít  gia đình rơi vào cảnh tan nhà nát cửa. Chị kể, trường hợp bệnh nhân tên D. là con trai độc nhất trong một gia đình khá giả, thuê nhà trọ chung sống như vợ chồng với một gái bán dâm từ ngoại tỉnh đến Đà Nẵng lưu trú. Khi bạn tình mang thai, D. buộc gia đình phải cưới.

Sau khi sinh,  vợ D. phát bệnh qua đời, đứa con sau đó cũng vắn số, bản thân D. bị nhiễm HIV từ vợ, sống trong tâm trạng bất an. Hay mới đây, BS Hồng tư vấn cho BN nữ trẻ và rất đẹp, từ miền Nam tới P.Hòa An lưu trú. Cô gái hành nghề mại dâm, lúc đầu không thừa nhận mình bị bệnh. Sau nhiều lần tư vấn và động viên, cô mới thú nhận từng quan hệ tình dục với rất nhiều khách làng chơi. Tiếp chuyện với chúng tôi, BS Hồng không khỏi day dứt, tiếc nuối khi hầu hết BN của chị còn quá trẻ, đa số ở độ tuổi 8X, chỉ vì một phút ham chơi, không kiềm chế đã vô tình sa chân vào ngõ cụt. Có người bị sốc khi phát hiện nhiễm HIV đã tìm lối thoát bi kịch. Có người âm thầm giấu gia đình chịu đựng một mình vì sợ nếu lộ ra sẽ tan vỡ hạnh phúc.

Với phương châm "Khi tư vấn chúng tôi là chuyên gia, khi trò chuyện, chúng tôi là tri kỷ", hơn 10 năm qua, BS Hồng lặng lẽ gặp trực tiếp hàng chục bệnh nhân nhiễm HIV để trò chuyện, tâm sự, tư vấn kiến thức tự chăm sóc mình, bảo vệ người khác. Theo chị, trước hết mình phải là người bạn, sẵn sàng trò chuyện, tâm sự để họ thấy được xã hội không xa lánh mà trái lại rất quan tâm. Điều quan trọng là không được nản lòng khi họ từ chối tiếp xúc. Đến nay, hầu hết các BN nhiễm HIV trên địa bàn P.Hòa An đều sống rất lạc quan, yêu đời, hòa nhập với cộng đồng. Điều khiến BS Hồng trăn trở là hiện nay, các BN nhiễm HIV không có Thẻ bảo hiểm y tế. Chị mong muốn các cơ quan chức năng nên có hướng cấp thẻ cho họ, đồng thời trên thẻ có  ký hiệu riêng để khi họ đi khám bệnh, BS nhìn vào đó biết được BN nhiễm HIV, có hướng khám kỹ hơn, có sự tư vấn cụ thể và cấp thuốc phù hợp.

Bài và ảnh: Nguyên Thảo