Nước mắt 37 ngư dân trở về từ Malaysia!

Thứ bảy, 24/09/2022 15:34
Khuya 22-9, 37 ngư dân trên tàu câu mực QNa 95005TS do ngư dân Trần Văn Mạnh (1981), trú xã Bình Minh, H.Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam làm thuyền trưởng đã về đến quê nhà sau hơn 3 tháng bị giới chức Malaysia bắt giữ vì cho rằng tàu này đã vi phạm Luật Thủy sản. Điều đáng nói, để được thả về, gia đình các ngư dân phải nộp hơn 5 tỷ đồng tiền phạt.
Ngư dân Nguyễn Văn Thành đau buồn khi ngày trở về thì cha đã mất.
Dữ liệu cho thấy thời điểm bị phía Malaysia bắt giữ, tàu QNa-95005 TS hoạt động trong vùng ranh giới cho phép khai thác thủy sản của Việt Nam.

Sau khi nhận thông tin cầu cứu của tàu cá QNa-95005 TS, qua kiểm tra hệ thống giám sát tàu cá của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, từ ngày 25-4 đến ngày 11-6 (thời điểm bị bắt giữ), tàu cá QNa-95005 TS chủ yếu hoạt động ở vùng biển phía Nam- Tây Nam thuộc quần đảo Trường Sa. Lúc 9 giờ ngày 11-6, tàu ở vị trí cách đảo Công Đo thuộc quần đảo Trường Sa khoảng 9 hải lý về phía Đông Nam. Trích xuất dữ liệu giám sát hành trình tàu QNa-95005 TS của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam cũng thể hiện, từ ngày 25-4 đến ngày 11-6, tàu cá QNa-95005 TS hoạt động nằm trong vùng ranh giới cho phép khai thác thủy sản của Việt Nam.

Bị bắt khi đang đánh bắt trong vùng biển Việt Nam

Sáng 23-9, dưới cơn mưa nặng hạt, hàng chục hộ dân vùng biển nghèo thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh có mặt tại nhà ngư dân Trần Văn Mạnh để chia vui cùng gia đình sau thời gian dài anh cùng các ngư dân khác bị phía Malaysia bắt giữ, giam cầm.

Vẻ mặt hốc hác, dáng người gầy yếu già hơn nhiều so với tuổi bốn mươi, anh Mạnh kể lại những ngày gian khổ khi bị giam cầm ở nước bạn. “Tàu bắt đầu ra khơi đánh bắt câu mực từ ngày 25- 4. Đến khoảng 9 giờ ngày 11- 6, tàu ở vị trí 08014N – 115018E, cách đảo Công Đo thuộc quần đảo Trường Sa khoảng 9 hải lý về phía Đông Nam thì bất ngờ bị một tàu cảnh sát biển của Malaysia đến bắt giữ, vì cho rằng chúng tôi đã xâm phạm lãnh hải của nước họ. Trong khi đó, qua hành trình giám sát trên tàu, tàu chúng tôi đang nằm trong vùng đánh bắt truyền thống được phép, cách lãnh hải nước bạn hơn 40 hải lý”- ngư dân Mạnh kể lại. Theo ngư dân Mạnh, nếu tàu anh không may trôi dạt vào lãnh hải của nước bạn và bị bắt thì bản thân anh cùng các ngư dân khác cũng không ý kiến gì. Thế nhưng qua định vị và qua hành trình giám sát được gắn trên tàu, tàu cá QNa-95005 TS vẫn hoạt động nằm trong vùng biển Việt Nam, nhưng lại bị phía Malaysia cáo buộc rồi bắt giữ thì thật là vô lý.

Đông đảo người dân đến chia vui ngày đoàn tụ gia đình của thuyền trưởng Trần Văn Mạnh.

“Thời điểm tàu bị bắt, chúng tôi đã đánh bắt được hơn 30 tấn mực khô, trị giá hơn 5 tỷ đồng. Lúc mới bị tàu nước bạn trấn áp, khống chế, chúng tôi đã liên lạc về cho các ngành chức năng địa phương yêu cầu can thiệp, giải quyết, vì bản thân tàu chúng tôi không vi phạm, cách chúng tôi vài hải lý cũng có 6 tàu cá nước ta đang hoạt động. Đích thân vợ tôi chạy vào trong Tam Kỳ liên hệ tìm gặp Chi cục Thủy sản tỉnh để xem rõ hành trình của tàu và họ cũng cho rằng tàu đang hoạt động trong vùng biển Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi cũng liên hệ với Cảnh sát biển, Kiểm ngư để nhờ hỗ trợ. Lúc này, cách tàu chúng tôi khoảng 10 hải lý có tàu Kiểm ngư của nước ta đang hoạt động. Thế nhưng, không hiểu sao họ vẫn không đến hỗ trợ. Mãi đến hơn 1 giờ chiều cùng ngày, sau khi hoàn tất các thủ tục, phía Malaysia mới áp giải chúng tôi cùng tàu cá về nước họ. Tại đây, toàn bộ tài sản trên tàu bị họ tịch thu lấy hết. Sau thời gian dài bị giam giữ, đến ngày 30-8, tòa án nước họ đưa chúng tôi ra xét xử với cáo buộc vi phạm pháp Luật Thủy sản 1985 của nước này. Theo bản án của toà, bản thân tôi là thuyền trưởng nên bị nộp tiền phạt quy đổi gần 900 triệu đồng, còn các thuyền viên khác mỗi người bị phạt gần 160 triệu đồng. Tổng tiền phạt hơn 5 tỷ đồng”- thuyền trưởng Mạnh ngậm ngùi nói.

Thuyền trưởng Trần Văn Mạnh kể lại sự việc với P.V Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng.

Vẫn mong được vươn khơi bám biển

Thời điểm khi bị bắt, trên tàu của thuyền trưởng Mạnh có tổng cộng 42 ngư dân. Sau nhiều nỗ lực từ phía Bộ Ngoại giao, tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan, 5 ngư dân tuổi vị thành niên và người có bệnh nền đã được chủ tàu phối hợp với giới chức sở tại giải quyết thủ tục đưa về nước vào ngày 14-7 vừa qua. Riêng 37 ngư dân còn lại bị giam giữ đến ngày 22-9 mới được cho về, dù gia đình họ đã chuyển khoản nộp tiền phạt từ ngày 30-8.

Chị Trần Thị Tình - vợ thuyền trưởng Mạnh cho biết thêm, tàu câu mực của gia đình chị đóng từ năm 2015. Qua gần 10 năm bám biển, đây là lần đầu tiên gia đình chị cùng các ngư dân địa phương gặp phải sự cố tai nạn này. “Để đưa được các ngư dân về nước, chúng tôi đã phải vay mượn rất nhiều tiền để nộp phạt và chi phí nhờ người qua đó lo lót trong thời gian các ngư dân bị giam giữ. Hiện tàu cá bị mất, tài sản cũng không còn gì ngoài những khoản nợ. Qua đây, chúng tôi mong muốn nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ cho ngư dân chúng tôi để vượt qua hoạn nạn này”- chị Tình nghẹn ngào.

Ngư dân Nguyễn Văn Thành đau buồn khi ngày trở về thì cha đã mất.

Trong những ngư dân trở về lần này đau buồn hơn cả là thuyền viên Nguyễn Văn Thành (1986), trú thôn Hà Bình, xã Bình Minh. Bởi trước khi anh ra khơi đánh bắt thủy sản, cha của anh ở nhà vẫn mạnh khỏe, hàng ngày chơi đùa với hai đứa con nhỏ của vợ chồng anh. Thế nhưng hôm nay trở về thì cha anh đã về với ông bà, tổ tiên vào ngày 2-7, anh không còn cơ hội gặp mặt lần cuối. Gia đình giấu tin, đến lúc về gặp vợ con, anh mới được biết nỗi mất mát to lớn này. Nghẹn ngào bên bàn thờ của người cha quá cố, ngư dân Thành khóc nấc từng tiếng khi gặp chúng tôi. Trong số 37 ngư dân trở về đợt này ai cũng gầy còm, sụt cân, riêng bản thân anh sụt đến 13 ký…

Tiếp xúc với chúng tôi, dù đau buồn trước sự cố không may gặp phải, nhưng trong đôi mắt của những ngư dân vùng biển này ánh lên niềm tin phía trước. Khi được hỏi “sau đợt này các anh có đi biển lại không”, hầu hết đều trả lời “có”. Họ vẫn mong muốn được bám biển. Song để thực hiện được ước mơ đó, họ cần các ngành, các cấp và người dân chung tay giúp đỡ, bởi bản thân họ được trở về thì gia đình đã vay mượn, nợ nần quá nhiều rồi.

Lê Hải

“Tàu chúng tôi thường xuyên đi đánh bắt xa bờ nên chúng tôi luôn ý thức tôn trọng chủ quyền nước bạn, không bao giờ đánh bắt trái phép. Bởi Chi cục Thủy sản Quảng Nam đã gắn máy định vị trên tàu chúng tôi, nếu phát hiện chúng tôi đánh bắt ra ngoài phạm vi cho phép thì khi về sẽ bị xử phạt, đồng thời không được hỗ trợ tiền dầu theo quy định”- thuyền trưởng Trần Văn Mạnh nói.