Nước mắt chủ hụi!

Thứ ba, 06/12/2022 07:39
Dịch COVID-19 khiến bao nhiêu người mất việc, mất thu nhập nhưng chị Trần Thị Mỹ Hạnh (1990, trú P. Thanh Khê Tây, Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng) vẫn may mắn hơn khi chuỗi cửa hàng bán áo quần vẫn có thu nhập đều đều. Nhưng rồi mọi thứ biến mất, không những “bay” hết tài sản tích cóp bấy lâu nay mà Hạnh còn ôm một khoản nợ hơn 3 tỷ đồng khi tham gia “cầm cái” nhiều đường dây hụi. Từ chỗ có cuộc sống khá giả, bây giờ mỗi ngày phải lo ứng phó với hàng chục người chơi hụi tìm đến đòi nợ. 
Giấy ghi nợ, đóng tiền hụi hàng ngày của rất nhiều người.
Do mất khả năng chi trả cho những người góp hụi, Hạnh đã trình báo cơ quan Công an.

Trao đổi với P.V Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, chị Hạnh cho biết: “Nếu người ta cho tôi cơ hội để làm ăn và trả nợ hàng tháng thì dần dần tôi sẽ trả hết cho họ. Nhiều người họ đồng ý, nhưng cũng có người chặn đường hăm dọa, đến nhà quậy phá nên tôi tạm lánh. Tôi đã chủ động trình báo cơ quan Công an là không hề có ý định bỏ trốn…”.

Tôi không thể hình dung ra người phụ nữ ngồi trước mặt mình là người “cầm cái” gần 30 nhóm biêu hụi. Hạnh kể, 2 năm dịch các shop áo quần của cô vẫn vận hành đều đặn và mang về nguồn thu khá. Khi nhiều cửa hàng không thể hoạt động buộc phải sang lại, cô đi nhận thanh lý từ Bắc chí Nam cũng kiếm được nhiều tiền. Rồi nghe theo lời rủ rê, tháng 9-2022, Hạnh tham gia và làm chủ một đường dây biêu hụi với hàng chục người chơi. Hàng ngày, cứ đúng giờ đã thỏa thuận, những người chơi hụi sẽ đóng tiền bằng hình thức chuyển tiền vào tài khoản của Hạnh. Trong nhóm, người nào trả tiền lãi cao nhất thì được thu toàn bộ số tiền của ngày đó.

“Tôi có nhiệm vụ chuyển tiền của toàn bộ những người chơi trong nhóm hụi cho người đã trúng hụi và được nhận hoa hồng 1% số tiền góp của mỗi người trong đường dây. Bắt đầu từ một, rồi cuối cùng tôi đã tổng hợp và tổ chức gần 30 dây hụi trên nhóm chat zalo. Lúc đầu tưởng là lời, nhưng rồi lấy bên này đập bên kia, nhiều người không đóng được hụi chết thì tôi phải gánh. Không nổi nữa thì bể như bây giờ”, Hạnh kể.

Cho đến cuối tháng 11-2022, nhiều người chơi đã không có tiền đóng hụi chết, người ít thì vài ba chục triệu, người nhiều thì hàng trăm triệu đồng. Theo lời kể của Hạnh, tổng cộng số tiền mà những người tham gia chơi trong đường dây do cô “cầm cái” không đóng là hơn 4,6 tỷ đồng. Do chơi theo kiểu “giật gấu vá vai” nên cô không thể xoay tiền để đóng hụi cho đường dây khác, mất khả năng thanh toán cho hàng chục người với số tiền hơn 3,5 tỷ đồng. Dù đã tìm mọi cách để “binh” như vay mượn người thân, bán hết các tài sản đang có để xoay xở nhưng chỉ như muối bỏ biển.

Giấy ghi nợ, đóng tiền hụi hàng ngày của rất nhiều người.

Vì không lấy được tiền, nhiều người cho rằng cô lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên đã viết đơn tố cáo gửi cơ quan Công an. Không những thế, liên tục những ngày qua, cô và gia đình sống trong cảnh hoang mang, lo sợ vì ngày nào cũng có người đến nhà đòi nợ. Có những ngày nhiều đối tượng lạ mặt đến đứng trước cửa nhà hăm họa, tạt sơn, chế ảnh tung lên mạng xã hội, chặn đường hành hung khiến cô phải ôm đứa con nhỏ tạm lánh khỏi địa phương để vừa đảm bảo an toàn cho bản thân, vừa tránh liên lụy đến gia đình.

“Nhiều người họ đồng ý cho tôi nợ và trả hàng tháng đến khi nào hết thì thôi. Nhưng cũng nhiều người họ không cho, còn dọa bắt con tôi nếu không trả nợ. Tôi không ngờ từ chỗ buôn bán khá giả, có của ăn của để giờ lại lâm vào cảnh bi đát như thế này. Giờ chỉ mong người ta cho cơ hội để làm việc và trả nợ thôi chứ sống thế này nhục lắm. Tôi đã quá sợ hãi với biêu hụi rồi”, Hạnh nói như muốn khóc.

Suốt nửa tháng qua, vợ chồng cô gần như không thể tập trung làm ăn vì luôn sống trong cảnh bất an. Từ chỗ đường đường chính chính làm việc với thu nhập đều đặn hàng ngày, Hạnh bây giờ phải đi năn nỉ từng người để được trả góp nợ nần. Người thì cho nhưng nhiều người không chịu việc “vay cục trả hòn”. Đồng tiền đi liền khúc ruột, người ta nóng mặt cũng phải, nhưng cô thì giờ có làm gì cũng không ra một lúc từng đó tiền để mà trả. “Nếu yên ổn làm ăn, vài năm tôi nhất định trả hết. Tôi cũng bị người ta giật hụi chứ không phải cố tình đi lấy tiền người khác. Mình biết là sai, là dại, nhưng giờ vào cảnh này, nói cũng không ai nghe, xin họ cũng không chấp nhận”.

Thượng tá Trần Văn Tám- Trưởng Công an quận Thanh Khê, cho biết, ngay sau khi nhận thấy không có khả năng trả nợ do vỡ hụi, bà Trần Thị Mỹ Hạnh đã có đơn trình báo cơ quan Công an. Ngoài việc thông báo tình trạng nợ nần, công dân cũng đề nghị được bảo vệ trong trường hợp các chủ nợ đe dọa, gây rối, hành hung, làm ảnh hưởng đến ANTT. Vì vụ việc liên quan đến số tiền lớn nên đã được chuyển lên Công an TP Đà Nẵng thụ lý, xác minh, giải quyết theo quy định. Công an quận cũng đã chỉ đạo Công an phường Thanh Khê Tây theo dõi, xử lý các vấn đề liên quan đến ANTT trên địa bàn mà công dân sinh sống.

B.N