Nước mắt của Niêng

Thứ sáu, 23/11/2018 14:59

Cưa đốn cây ngả nghiêng giữa khoảnh rừng phòng hộ nhưng không ai nỡ gọi Niêng là "lâm tặc". Người vợ nghèo mới 22 tuổi ấy với niềm mong mỏi có được khoảnh đất để trỉa lúa, đáng giận mà cũng đáng thương lắm thay.

Hồ Thị Niêng thẫn thờ sau khi bị bác kháng cáo xin giảm án.

Hồ Thị Niêng (1996), có chồng là Hồ Văn Hải (1991), dân tộc Vân Kiều, trú bản Ta Lêng, xã Đakrông thuộc huyện nghèo Đakrông (Quảng Trị). Đứa con lớn sinh năm 2013, đứa nhỏ mới được 2 tuổi. Mấy năm trước, vợ chồng Niêng được xã cấp 40m2 đất ruộng nước, mừng ứa nước mắt, nhưng sau đó cũng rớt nước mắt vì ruộng thiếu nước, chịu khô hạn, không thể canh tác. Xã nắm được hoàn cảnh này nhưng vì lý do khách quan vẫn chưa bố trí thêm được diện tích đất sản xuất nào cho vợ chồng Niêng. Quần quật kiếm sống nhưng vẫn không đủ ăn, đến đầu năm 2017, khi nhu cầu có đất canh tác đã trở nên bức bách, vợ chồng Niêng quay quắt, bàn rủ nhau vào rừng phòng hộ lén phát một khoảnh để lấy đất làm nương rẫy. 2 ngày đầu, Niêng một mình mang dao rựa, thực phẩm vào rừng để đốn cây.

2 ngày sau, Hải vào hỗ trợ cùng vợ. Tuy nhiên, sức người có hạn, chỉ đốn được cây nhỏ, cây thân to khó hạ nên vợ chồng tìm người thân mượn máy cưa tiếp tục phá rừng. Sự việc sau đó bị lực lượng Kiểm lâm phát hiện, báo cáo lên UBND xã Đakrông và ra lệnh đình chỉ mọi hoạt động phát nương rẫy của Niêng. Hơn 1 tháng sau, Niêng tiếc công đã bỏ ra những ngày phát rừng nên lại tìm tới khoảnh rừng mơ ước ấy. Đứng tần ngần nhìn cây cối nằm ngổn ngang, cành lá khô trắng, Niêng lấy bật lửa châm mồi đốt toàn bộ diện tích rừng trên... Ngày 27-4-2018, Kiểm lâm và CAH Đakrông khám nghiệm hiện trường, xác định vị trí rừng bị chặt là lô 2a, khoảnh 2, tiểu khu 700b, diện tích bị xâm hại là 5.930m2, là rừng phòng hộ đầu nguồn có tọa độ X,Y 566465; 1839661 thuộc Ta Lêng, xã Đakrông. Số lượng cây bị đốn hạ là 168 cây gỗ, gần 62m3 gỗ; khối lượng củi là 45 ster, tổng trị giá hơn 122 triệu đồng.

Vợ chồng Niêng bị khởi tố về tội danh "Hủy hoại rừng" và cũng là tin dữ đối với đồng bào Vân Kiều trên rẻo cao Đakrông. Ngày vụ án được TAND H.Đakrông đưa ra xét xử lưu động, người dân các bản kéo nhau về dự khán. Mỗi người một tâm trạng nhưng tựu trung đều chua xót, đắng cay bởi hoàn cảnh éo le của vợ chồng bị cáo. Bên lề phiên tòa, bà con nói nhiều về tình trạng thiếu đất sản xuất, về những khó khăn mà họ đã và đang gặp phải như vợ chồng Niêng. Ánh mắt thông cảm cũng nhiều nhưng sự tiếc nuối không ít dành cho vợ chồng Niêng vì nhiều năm qua dân bản đã được tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ rừng phòng hộ. Nhận thức được hành vi phạm tội là nghiêm trọng, bản thân Niêng vô cùng lo lắng, người chồng trẻ đứng bên cũng lòng dạ rối bời, thi thoảng lại ngoái về sau khi nhận ra tiếng con trẻ khóc òa đòi mẹ. Khép lại phiên tòa hôm đó, Hải bị tuyên 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Còn Niêng bị tuyên 9 tháng tù. Gặp lại Niêng tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra ngày 20-11-2018,  do có kháng cáo xin giảm án, nhiều người cũng thắt lòng, cảm xúc và trắc ẩn cứ theo đó mà mong cho Niêng thỏa nguyện. Tuy nhiên, HĐXX TAND Quảng Trị cho rằng không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm. Phía bên ngoài hiên, chồng Niêng ôm con nhỏ nghe lời tuyên án xong liền rớt thụp xuống, đau đớn.

Có thể nói, vấn đề thiếu đất sản xuất dẫn đến xâm hại rừng, lấn chiếm đất rừng tại Quảng Trị là vấn đề "nóng" thời gian qua và ngày càng phức tạp. Điển hình xảy ra tại diện tích rừng do Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9 quản lý bị 289 hộ lấn chiếm với diện tích gần 1.000ha, trong đó có 216,5ha đất rừng phòng hộ. Tại địa bàn H.Vĩnh Linh cũng xảy ra lấn chiếm đất rừng do thiếu đất sản xuất, kéo theo nhiều hệ lụy mà cần nhiều thời gian mới tháo gỡ được.

Bảo Hà