Nước mắt dòng sông

Thứ ba, 26/09/2023 07:51
Sứ mệnh chở sự sống và hy vọng cho người dân đôi bờ Thạch Hãn chưa bao giờ ngừng trên dòng sông huyền thoại ấy. Nhưng trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên và nạn “cát tặc” âm ỉ, dòng sông oằn mình chịu “biến dạng” qua năm tháng.

+ Kỳ 1: Bờ lở, sông “nở”

Sạt lở đặc biệt nghiêm trọng tại xã Hải Lệ.
Cây lớn trên bờ đã bị giật đổ xuống lòng sông do sạt lở đoạn qua xóm Tả Bồi.

Xóm Tả Bồi, cái tên gọi ấy dễ làm người ta liên tưởng đến vùng đất mướt xanh, được bồi đắp bởi sông Thạch Hãn bao đời. Nhưng thực tế, doi đất ở cuối thôn Trà Liên Tây (xã Triệu Giang, H. Triệu Phong, Quảng Trị) này đang… lở nặng. Đất trôi, bờ tre làm kè cũng đổ ra giữa dòng và nhiều ngôi nhà thấp thỏm bị cuốn khi nước đã luồn sâu bên dưới.

Ông Nguyễn Lộc (60 tuổi, xóm Tả Bồi) dẫn chúng tôi ra bên hông nhà, hiện trạng giờ chỉ cách sông vài bước chân. Nghe rõ tiếng nước ì oạp vỗ vào mép, dường nỗi sợ cũng dần hiện hữu trong chúng tôi. Ông Lộc chỉ tay ra dòng sông nơi thân cây to nửa vòng ôm đang sõng soài trên sông, một phần rễ vẫn cố bám vào mép cạn. “Từ sau đợt lũ lịch sử 2020, bờ sông sạt lở nặng hơn, dòng sông lại rộng hơn”, ông Lộc như trôi về quá khứ.

Trong ký ức nhiều người, hàng chục năm về trước, khoảng cách hai bờ hẹp, có thời điểm có thể lội bộ sang. Đất hai bên bờ sông màu mỡ, rộng rãi, dọc mép sông này từng in dấu chân vui đùa của những đứa trẻ lớn lên bên dòng Thạch Hãn. Cũng thấm mồ hôi của người nông dân trồng trọt cây trái, hoa màu. Nhưng qua tháng năm, dòng sông này, cũng đã chứng kiến bao lần người dân nửa đêm đẩy đuổi cát tặc, hỗ trợ Công an bảo vệ dòng sông.

Mưa lũ về, sông cũng đồng thanh kêu cứu, khi nhiều vườn cây tươi mát dần biến mất sau những tiếng ầm ầm vọng lên từ mặt sông sủi bọt đục ngầu. Sông đã rộng ra thênh thang, lòng sâu hơn…

Từ nhà ông Lộc, chúng tôi hướng về nhà bà Nguyễn Thị Phiến (76 tuổi). Nhiều bụi tre được bà xây làm kè chống sạt lở nhiều năm trước giờ đã bị sông bứng nguyên bụi, hoặc đã chìm gần nửa cây, bất lực. Sạt lở nghiêm trọng khiến mép sông đã áp sát nhà bếp của gia đình. Nước sông cũng “đào hang”, xô kéo nền khiến kèo cột nhà chính lệch ra sông. Chị Dung, con dâu bà Phiến cho biết nhà có con nhỏ nên nỗi lo càng thường trực hơn.

Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Giang Phan Văn Đông cho biết, khoảng 50 hộ đang chịu ảnh hưởng nặng nề do sạt lở sông Thạch Hãn với chiều dài khoảng 3,5km, tập trung ở thôn Trà Liên Tây. Tại đoạn sông Thạch Hãn đầu thôn Trà Liên Tây, dấu bờ bị ngoạm đến nham nhở sâu nhiều mét, thẳng đứng. Không chỉ Triệu Giang mà xã Triệu Long, xã Triệu Độ, xã Triệu Thuận, Triệu Thượng… đều chịu cảnh sạt lở nặng. Kéo theo đó là hệ lụy đất đai, vườn tược lặng lẽ biến mất.

Chúng tôi trở lại xã Hải Lệ (TX Quảng Trị), trên con đường Nguyễn Hoàng chạy dọc bờ sông Thạch Hãn. Dễ dàng nhận ra biển báo đặt ở hai đầu khu vực xảy ra sạt lở nghiêm trọng vào đêm 16-10-2022. Dấu vết dài khoảng 80m, sụt lún sâu từ 4-6m, rộng 20m, có điểm sạt lở ăn sâu cách mép đường Nguyễn Hoàng khoảng 2,5m. Cán bộ địa chính xã Hải Lệ cho biết khối lượng đất đá sạt lở trong sự cố khoảng 9.000m3, gây thiệt hại hoàn toàn 3 căn nhà; 22 quán kinh doanh bị ảnh hưởng và vùi lấp nhiều tài sản có giá trị khác, làm 1 người chết, 1 người bị thương.

Chị Hồ Thị Thanh Hương (thôn Tân Mỹ) từng sinh sống lâu dài ở gần khu vực sạt lở tại Như Lệ đêm 16-10-2022 vẫn chưa quên được sự lo sợ, thấp thỏm khi bờ sông xói lở nghiêm trọng. Cứ mỗi lần mưa to, chị Hương lại cơ động đi tránh mà không cần đợi bão lũ ập đến. Trong đợt mưa lớn giữa tháng 10 năm ngoái, ai cũng nghĩ nguy cơ nhà chị Hương là nặng nhất. Nhưng không ngờ khi chị đã sơ tán đến chỗ an toàn thì sự cố xảy ra ở đoạn cách nhà chị vài chục mét...

Sạt lở đặc biệt nghiêm trọng tại xã Hải Lệ.

Hiện nay, dọc theo thôn Như Lệ dài 1700m có nhiều điểm sạt lở. Vị trí sạt lở cách đường Nguyễn Hoàng xa nhất khoảng 80m và vị trí gần trục đường khoảng 3m. Tại vị trí này đã được đầu tư xây dựng kè nhưng do địa hình chất đất là đất cát pha cộng với các mạch nước ngầm phía nam đường Nguyễn Hoàng chảy ra nên có nguy cơ sạt lở cao, một phần do tác động của các xe có tải trọng lớn đã ảnh hưởng trực tiếp.

Trong khi đó, nối với Như Lệ là thôn Tân Mỹ, điểm sạt lở gần nhất ở cách đường Nguyễn Hoàng chỉ khoảng 100m, điểm xa nhất khoảng 150m, độ cao sạt lở toàn tuyến tính từ mặt nước đến mặt đất theo phương thẳng đứng khoảng 15- 20m. Hằng năm, vào mùa mưa bão do nền đất yếu cộng thêm độ dốc cao nên sạt lở lấn thêm khoảng 10-15m; nguy cơ cao sạt lở đất ở và đất vườn của 50 hộ dân và ảnh hưởng đến đập chính Nam Thạch Hãn.

Dòng sông lúc đó đỏ ngầu, như màu mắt đang rưng lệ, đau xót với những tiếng kêu cứu vang vọng. Đêm đó, sông cũng thức trắng, đợi phép màu nhưng sự sống nạn nhân đã tắt lịm giữa đổ nát, bùn lầy.

BẢO HÀ (còn nữa)