OCOP gần và xa
Nâng tầm sản phẩm
Từ những ngày đầu tháng Chạp đến giáp Tết Quý Mão, không khí sản xuất tại nông trại của hợp tác xã (HTX) Dịch vụ - Sản xuất - Tiêu thụ rau an toàn Túy Loan (gọi tắt là HTX Túy Loan) nằm trên địa bàn xã Hòa Phong (H. Hòa Vang) tất bật và khẩn trương khi thời điểm này bước vào vụ Tết. Đưa chúng tôi một vòng tham quan nông trại rau sạch với quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Bùi Dũng - Giám đốc HTX Túy Loan phấn khởi cho biết, hiện mỗi ngày, HTX này đưa ra thị trường hơn 70 tấn rau sạch các loại cho khách hàng để cung ứng cho người dân tiêu dùng trong dịp cao điểm Tết. Đặc biệt, từ khi các loại rau sạch của HTX Túy Loan được “gắn mác” OCOP vào năm 2021 đến nay, doanh số tiêu thụ của HTX không ngừng gia tăng. “Không chỉ tiêu thụ tại địa bàn TP Đà Nẵng, các loại rau sạch “gắn mác” OCOP của chúng tôi còn có mặt ở các khu vực lân cận. Ngoài kênh tiêu thụ tại các chợ, ngày càng có nhiều siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, trường học, nhà máy, v.v... ký hợp đồng tiêu thụ các loại rau xanh có chứng nhận OCOP của HTX. Gần đây nhất, cuối năm 2022 vừa qua, các sản phẩm rau sạch của chúng tôi tiếp tục “lên kệ” tại Hệ thống siêu thị MM Mega Market trong cả nước”, ông Bùi Dũng chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, việc “gắn mác” OCOP còn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đưa sản phẩm lên các kênh thương mại điện tử để tiêu thụ. Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, đại diện Cơ sở sản xuất trà gừng Tâm Nguyên (P. Hòa Quý, Q. Ngũ Hành Sơn), cho biết: Sản phẩm trà gừng Tâm Nguyên được sản xuất từ hơn 5 năm trước nhưng rất khó khăn để có mặt trên các kênh thương mại điện tử. Từ khi trà gừng Tâm Nguyên được “gắn mác” OCOP vào năm 2021, sản phẩm OCOP này đã được Sở Công Thương TP Đà Nẵng hỗ trợ trong việc xúc tiến thương mại nên đến nay đã xuất hiện trên các trang bán hàng của các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Tiki, v.v... “Việc lên sàn thương mại điện tử đã giúp sản phẩm của cơ sở được nhiều người biết đến hơn, thị trường tiêu thụ được mở rộng, chúng tôi bán được nhiều hàng hơn”, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt phấn khởi cho biết thêm.
Với Cơ sở bánh ngọt Mỹ Phương (P. Hòa An, Q. Cẩm Lệ), từ khi sản phẩm bánh dừa nướng được chứng nhận là sản phẩm OCOP vào cuối năm 2021, đến nay, sản phẩm này không chỉ “phủ sóng” tiêu thụ rộng ra cả nước mà còn xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, v.v... và đang “tìm đường” sang thị trường Trung Quốc. Bà Mai Thị Ý NhiGiám đốc kinh doanh Cơ sở bánh ngọt Mỹ Phương, chia sẻ: “Chương trình OCOP đã mang lại những giá trị tích cực, không chỉ góp phần nâng tầm thương hiệu, sản phẩm mà còn giúp chúng tôi gia tăng giá trị, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đạt tiêu chuẩn OCOP, bánh dừa nướng Mỹ Phương đã có mặt không chỉ thị trường trong nước mà còn ở cả nước ngoài. Khách hàng biết đến sản phẩm chúng tôi nhiều hơn...”.
Tiếp tục khuyến khích phát triển
Để Chương trình OCOP triển khai có hiệu quả, TP đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn TP phát triển sản phẩm OCOP. Bà Lê Thị Kim Phương- Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho biết: Bên cạnh việc hỗ trợ, tạo điều kiện đưa các sản phẩm OCOP lên các kênh thương mại điện tử để tiêu thụ, trong hơn 3 năm qua, Sở Công Thương TP đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh sản xuất sản phẩm OCOP tham dự hàng trăm chương trình, hội chợ, phiên chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu, hội nghị kết nối giao thương, v.v... trong và ngoài nước để tiếp thị, quảng bá và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. “Trong thời gian đến, Sở Công Thương TP sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn TP trong các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ”, Giám đốc Sở Công Thương TP Lê Thị Kim Phương thông tin thêm.
Là đơn vị được TP giao nhiệm vụ chủ công thực hiện Chương trình OCOP, trong thời gian qua, Sở NN&PTNT TP đã tham mưu UBND TP ban hành các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP; xây dựng kế hoạch và triển khai công tác thẩm định, đánh giá, phân hạng để trình UBND TP ra quyết định công nhận sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, Sở này còn phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức 5 điểm giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn TP, trong đó, các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà 1 điểm và H. Hòa Vang 2 điểm. Tính đến hết tháng 11-2022, Đà Nẵng có 40 sản phẩm được “gắn mác” OCOP, trong đó, có nhiều sản phẩm là đặc sản và thế mạnh của TP như: nước mắm, chả cá, chả bò, cá khô, bánh khô mè, bánh tráng, v.v...
Theo kế hoạch đã đặt ra, TP phấn đấu đến hết năm 2025 có hơn 100 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Nhằm đạt được mục tiêu trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh chỉ đạo Sở NN&PTNT TP trong thời gian đến tập trung triển khai hỗ trợ sản phẩm OCOP theo Nghị quyết số 329/NQHĐND của HĐND TP về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn TP. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, GMP, HACCP, ISO, v.v... và phát triển các điểm trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP, các trung tâm OCOP cấp quận, huyện và cấp TP...
Theo ông Nguyễn Phú Ban - Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo TP, trong thời gian đến, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác rà soát hỗ trợ phát triển ý tưởng sản phẩm mới có tiềm năng và thế mạnh của địa phương, tạo động lực cho các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm OCOP. Đối với sản phẩm đã được “gắn mác” OCOP, Sở tiếp tục quan tâm hỗ trợ các chủ sản phẩm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu sản xuất, nỗ lực duy trì và nâng hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao và từ 4 sao lên 5 sao. Đặc biệt, Sở chú trọng đẩy mạnh hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình OCOP ở các địa phương...