Phấn đấu để Việt Nam luôn là nền kinh tế năng động
Ngày 29-12, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương đã bế mạc dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Sau khi nghe những ý kiến, tham luận của các thành viên Chính phủ, “tư lệnh ngành”, Thủ tướng đã có bài phát biểu quan trọng.
Bộ trưởng Bộ CA Tô Lâm phát biểu tham luận tại hội nghị. |
Phải đảm bảo an ninh kinh tế Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm kiến nghị tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, đồng thời đẩy mạnh hơn công tác an ninh kinh tế (ANKT). Theo Bộ trưởng, chúng ta rất quan tâm đến phát triển kinh tế nhưng cũng phải trên nền tảng đảm bảo ANKT. Bộ Chính trị đã có chỉ thị, Chính phủ cũng có kế hoạch cụ thể để phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện ANKT. Bên cạnh đó, cần tập trung phòng chống tội phạm, cụ thể cần làm giảm tội phạm hình sự. Trong năm 2020, số vụ phạm tội hình sự đã giảm 6,8% so với 2019. Điều rất mừng là nhiều địa phương cả ngày không có vụ PPHS nào. “Năm 2021 Bộ CA cũng đăng ký với Quốc hội và Chính phủ giảm thêm 5% số vụ PPHS. Chúng tôi đề nghị các ngành các cấp cùng vào cuộc. Lực lượng CA sẽ quản lý đối tượng, vũ khí, gần dân hơn để giải quyết từ cơ sở” - Bộ trưởng Tô Lâm nói. Bộ trưởng cũng đề suất cần quan tâm hơn nữa đến việc chăm lo đời sống cho người dân, nhất là vùng sâu vùng xa nhằm xây dựng vành đai an ninh quốc phòng vững chắc ở những vùng chiến lược này. Năm 2021, Covid-19 dự báo còn diễn biến phức tạp, Bộ trưởng đề suất cần các cấp ngành, địa phương tập trung quản lý và xử lý tốt vấn đề này, vì hiện đã có 70 nghìn người Việt Nam ở nước ngoài về nước. Theo tính toán, sẽ còn hàng trăm nghìn người đang có nhu cầu về nước, do đó cần lên phương án đảm bảo an ninh, đón bà con về nước an toàn. |
Các “tư lệnh ngành” nêu định hướng lớn
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu ý kiến: Một trong các nhiệm vụ trọng tâm nhất trong năm 2021 vẫn ưu tiên hàng đầu cho công tác phòng chống Covid-19. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, các đột phá chiến lược, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp (DN), các sản phẩm; tập trung đẩy nhanh công tác lập quy hoạch; tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô; hỗ trợ các doanh nghiệp DN để DN vươn ra quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, ngành Y tế đang biến nguy thành cơ, bắt đầu bước vào chặng đường đổi mới mạnh mẽ toàn diện để phục vụ người dân được tốt hơn; đổi mới mạnh mẽ chất lượng khám chữa bệnh, phương thức chi trả bảo hiểm y tế; tiếp tục sắp xếp hệ thống y tế một cách phù hợp hiệu quả…
Với ngành GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tự hào: Năm 2020 Bộ GTVT đã giải ngân 36 nghìn tỷ trong tổng số 40 nghìn tỷ đồng và phấn đấu giải ngân 100%. Thời gian tới, nhiều dự án chuẩn bị hoàn như tuyến đường Vàm Cống – Rạch Sỏi, hầm Hải Vân 2, các dự án đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất, cầu Cửa Hội, sửa chữa cầu Thăng Long… Tới đây, chuẩn bị khởi công nhiều dự án, trước hết là gói thầu xây lắp đầu tiên của sân bay Long Thành; dự án Quốc lộ 19 nối Kon Tum - Bình Định, tuyến tránh Long Xuyên, tuyến Lai Châu – Lào Cai… Tổng cộng, có 8 dự án chuẩn bị khởi công để công tác đầu tư xây dựng cơ bản năm 2021 được tốt hơn… Còn theo Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, năm 2020 du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh, cụ thể giảm 80% khách quốc tế, giảm 60% khách nội địa, thiệt hại 23 tỷ USD. Năm 2021, ngành sẽ tập trung phát triển du lịch nội địa bằng các chương trình kích cầu liên tục, sẵn sàng mở cửa du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép.
Trong ngày làm việc thứ 2, các Bộ trưởng như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Nội vụ, NN&PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, LĐ-TB&XH, Tổng Thanh tra Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước… cũng đề xuất với Quốc hội, Chính phủ nhiều giải pháp, định hướng lớn cụ thể phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao để thực hiện với tinh thần chung là chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn, đạt được kết quả tổng thể cao hơn các năm trước và nhiệm kỳ trước như chỉ đạo của Thủ tướng...
Phấn đấu tăng trưởng 6,5% hoặc cao hơn
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, rằng: Năm 2020 khó khăn chồng chất khó khăn, chúng ta vẫn hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra với nhiều điểm mới vượt trội và dấu ấn nổi bật. Mặc dù không hoàn thành được một số chỉ tiêu đề ra từ đầu năm, chủ yếu do nguyên nhân khách quan, nhưng năm 2020 vẫn được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua với những kết quả, thành tích đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng trong việc nêu cao lòng yêu nước, tình đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Thủ tướng nêu rõ: Chúng ta đã thống nhất chủ đề năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển”. Trên tinh thần đó, chúng ta thống nhất định hướng điều hành và quan điểm chỉ đạo. Trước hết là tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, biến thách thức thành cơ hội, nhất là tận dụng tốt các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 và xu hướng dịch chuyển đầu tư thương mại, chuyển đổi số. Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức.
Theo Thủ tướng, Nghị quyết về kế hoạch phát triển KTXH của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6%. Chính phủ cũng đã trình Bộ Chính trị, Trung ương và Quốc hội thống nhất mức tăng trưởng này trong năm 2021. Thực tế trong thảo luận có ý kiến cho rằng nên đặt thấp hơn, khoảng 5,5%, nhưng cũng có ý kiến cho rằng nên cao hơn, khoảng 6,5-7%, thậm chí nhiều tổ chức quốc tế còn dự báo khoảng 6,8-7%, thậm chí trên 8%. Trước tình hình thực tế về yêu cầu phát triển, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt ra mục tiêu phấn đấu trong chỉ đạo điều hành đạt khoảng 6,5% hoặc cao hơn, đồng thời chuẩn bị các yếu tố nền tảng để tăng tốc trong giai đoạn từ 2022 trở đi. “Chúng ta cũng cần lưu ý rằng yêu cầu tăng trưởng kinh tế về số lượng cần phải gắn chặt với nâng cao chất lượng tăng trưởng và đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế. Tinh thần đặt ra là bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với mặt bằng của khu vực và thế giới, trong đó phấn đấu sớm đưa Việt Nam trở thành một cường quốc nông nghiệp với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả” – Thủ tướng nói.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng tham dự hội nghị trực tuyến. |
Phải bắt tay vào việc ngay
Về kiến nghị cụ thể của các địa phương, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với VPCP, các bộ, ngành khẩn trương tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh báo cáo các dự thảo Nghị quyết trình Thủ tướng ký ban hành để triển khai thực hiện, không để chậm trễ. Với những vấn đề cụ thể không đưa vào nghị quyết, yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, thông báo cho các địa phương.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương ngay từ đầu năm nay, phải bắt tay vào việc ngay, không ngừng nghỉ, phải lăn xả vào công việc. Tiếp tục phấn đấu để Việt Nam luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững, không để xói mòn các yếu tố nền tảng vĩ mô mà chúng ta đã dày công gây dựng, nhất là trong 5 năm qua. Cần xác định rõ mục tiêu tăng trưởng kinh tế là đặc biệt quan trọng. Tăng trưởng không chỉ tạo nên nền tảng vững chắc cho ổn định vĩ mô mà còn bảo đảm việc làm, thu nhập, tạo nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đồng thời góp phần chống tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. Tiếp tục củng cố QP-AN, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển. Thủ tướng đặc biệt lưu ý trong phòng chống Covid-19, yêu cầu các địa phương, mỗi người dân không được mất cảnh giác, nhất là công tác kiểm soát nghiêm ngặt biên giới…
Công Hạnh