Phát hiện một vụ phá rừng lớn tại huyện M’Drắk

Thứ sáu, 03/09/2021 10:54

Cuối tháng 8-2021, các đối tượng “lâm tặc” đã vào khu vực rừng do UBND xã Ea Lai (huyện M’Drắk, Đắk Lắk) quản lý cưa hạ nhiều cây gỗ có đường kính gốc lớn, trong đó có những cây mới bị cưa hạ vài ngày trước và cũng có nhiều cây bị cưa hạ từ nhiều tháng trước. Điều đáng nói, vụ khai thác rừng trái phép nói trên không được đơn vị được giao quản lý là UBND xã Ea Lai phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Lực lượng kiểm lâm kiểm tra hiện trường vụ việc.

Ngày 3-9, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, vừa phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện M’Drắk tiến hành kiểm tra khu vực rừng tại khoảnh 4, tiểu khu 715 do UBND xã Ea Lai quản lý đã phát hiện một vụ phá rừng lớn xảy ra ở đây. Cụ thể, vào ngày 30-8-2021, Đoàn kiểm trả đã phát hiện tại khu vực này có 19 gốc cây bị cắt hạ, trong đó, có 4 cây vừa mới bị khai thác (khoảng vài ngày khi đoàn kiểm tra đến) cành ngọn còn tươi, một số khúc gỗ lâm tặc chưa kịp lấy đi; 15 gốc cây có dấu viết cưa đã cũ (khoảng 3-4 tháng trước). Tại hiện trường, lực lượng kiểm lâm phát hiện còn lại một số gỗ tròn, gỗ xẻ, cành, ngọn, lá cây đang khô héo. Qua đo đếm, số lượng gỗ còn lại ở hiện trường có tổng khối lượng 16,2m3.

Xác định đây là vụ vi phạm có mức độ nghiêm trọng, khối lượng gỗ bị khai thác lớn, có dấu hiệu tội phạm hình sự, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện M’Drắk phải khẩn trương thiết lập hồ sơ, xử lý vụ vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó, xác định các điểm nóng về phá rừng, khai thác, mua bán, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn huyện để chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương lập kế hoạch và xác định rõ thời điểm, địa điểm thường xảy ra vi phạm để chốt chặn, kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là những diện tích rừng do UBND các xã quản lý.

Một cây gỗ bị cưa hạ với nhiều phách gỗ lâm tặc chưa kịp đưa ra khỏi rừng.

Sở NN-PTNT cũng đề nghị UBND huyện M’Drắk chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện, UBND xã Ea Lai phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện M’Drắk để kiểm tra, mở rộng hiện trường khu vực rừng lân cận khoảnh 4, Tiểu khu 715 do UBND xã Ea Lai quản lý; đồng thời chỉ đạo rà soát, kiểm tra toàn bộ diện tích rừng giao cho các cộng đồng và diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê (hiện UBND xã đang quản lý) để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp (nếu có); Công an huyện, VKSND huyện hỗ trợ, phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện M’Drắk trong việc điều tra, xác minh, xử lý vụ khai thác rừng trái pháp luật xảy ra tại khoảnh 4, Tiểu khu 715 do UBND xã Ea Lai quản lý quản lý theo đúng quy định của pháp luật.

Để xử lý nghiêm vụ việc này, cũng như tổ chức ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm các quy định quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện M’Drắk trong thời gian tới, Sở NN- PTNT đã có công văn yêu cầu Chi cục Kiểm lâm và các đơn vị trực thuộc bố trí lực lượng phối hợp với UBND xã Ea Lai bảo vệ hiện trường, trông coi, bảo quản tang vật tại khoảnh 4, tiểu khu 715 để phục vụ quá trình điều tra, xác minh, xử lý vụ vi phạm; đồng thời chủ trì, phối hợp với xã Ea Lai và các cơ quan chức năng của huyện kiểm tra, mở rộng hiện trường khu vực rừng lân cận để tiếp tục kiểm tra, thống kê khối lượng gỗ vi phạm và thiết lập hồ sơ, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Lán trại với nhiều vật dụng sinh hoạt của lâm tặc để lại tại hiện trường.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, trong 6 tháng đầu năm 2021, tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn tỉnh diễn ra hết sức phức tạp. Toàn tỉnh đã xảy ra 590 vụ phá rừng trái pháp luật với tổng diện tích rừng bị phá là 177 ha. Trong đó, tình trạng phá rừng nghiêm trọng nhất xảy ra tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông với 424 vụ (chiếm 72% số vụ của toàn tỉnh) với diện tích rừng thiệt hại 108,1 ha (chiếm 61% diện tích rừng bị thiệt hại của toàn tỉnh).

Trước tình hình trên, Sở NN-PTNT đã có công văn đề nghị UBND các huyện và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các chủ rừng chủ động rà soát, xác định những khu vực trọng điểm thường xuyên xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật để tăng cường lực lượng phối hợp tuần tra, truy quét, xử lý các hành vi xâm hại đến rừng. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng đến với người dân, từng bước nâng cao nhận thức của người dân đối với lĩnh vực này.

V.TIẾP