Phát triển thương mại điện tử

Thứ ba, 28/06/2022 18:13
Trước sự bùng nổ về công nghệ của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cộng thêm đại dịch COVID-19 bùng phát trong những năm qua, Ngành Công Thương TP Đà Nẵng nói chung, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP nói riêng đã có sự thích nghi mạnh mẽ, vừa duy trì thương mại truyền thống, vừa phát triển thương mại điện tử, với người tiêu dùng thì hình thành thêm thói quen mua sắm trực tuyến (online).
Người dân và tiểu thương tại các chợ Đà Nẵng trải nghiệm mua sắm không dùng tiền mặt.
Đà Nẵng ra mắt Sàn thương mại điện tử kết hợp triển lãm ảo du lịch.

Với thói quen mua sắm hàng hóa online được hình thành vào thời điểm thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 nên đến nay, dù đời sống xã hội nói chung, việc mua bán nói riêng đã trở lại bình thường nhưng chị Ngô Thị Lành, ở P.Hải Châu 2 (Q.Hải Châu) vẫn ưu tiên mua sắm online trong việc tiêu dùng hàng ngày cho bản thân và gia đình chị. “Chỉ với vài thao tác click chuột trên máy tính hoặc vài cái chạm đầu ngón tay trên màn hình cảm ứng smartphone hay máy tính bảng, là tất tần tật các mặt hàng mình đặt mua được nhân viên siêu thị, cửa hàng đưa đến tận nhà chỉ sau vài giờ đồng hồ. Không chỉ tiện lợi và nhanh chóng, việc mua sắm online còn giúp tôi tha hồ lựa chọn hàng hóa, giá cả, nhất là “săn” được hàng khuyến mãi, hàng giảm giá…”, chị Ngô Thị Lành chia sẻ thêm.

Không phải do có dịch COVID-19 mà Hệ thống siêu thị Co.opmart nghĩ đến thương mại điện tử mà từ khi xuất hiện khái niệm Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào thời điểm năm 2013, hệ thống siêu thị này đã xây dựng chiến lược phát triển thương mại điện tử. Dịch COVID-19 xảy ra càng làm cho Co.opmart đẩy mạnh thực hiện thương mại điện tử. Ông Phan Thống, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng, cho biết: thực hiện chiến lược phát triển thương mại điện tử, đặc biệt là trong bối cảnh đứt dãy chuỗi cung ứng hàng hóa do dịch bệnh gây ra trong thời gian qua, bên cạnh việc duy trì kênh bán hàng truyền thống tại các siêu thị, Co.opmart đã đẩy mạnh bán hàng trên website của Siêu thị; trên các trang điện tử mua sắm; trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo; trên các sàn thương mại điện tử, v.v… “Chỉ tính riêng Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng, doanh số bán hàng online tăng đều qua các năm và càng ngày càng chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng doanh số bán hàng, đặc biệt là trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh, doanh số bán hàng online tăng gấp 10 lần so với thời điểm bình thường”, ông Phan Thống thông tin thêm.

Người dân và tiểu thương tại các chợ Đà Nẵng trải nghiệm mua sắm không dùng tiền mặt.

Nhận thấy thương mại điện tử là xu thế tất yếu gắn liền với Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nên trong những năm qua, Ngành Công Thương TP Đà Nẵng ưu tiên phát triển thương mại điện tử. Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương TP, cho biết: Từ năm 2016-2020, Sở Công Thương TP đã hỗ trợ 208 lượt doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP triển khai các giải pháp ứng dụng thương mại điện tử thông qua các hình thức, như: xây dựng website thương mại điện tử, trang hồ sơ năng lực trực tuyến (fortfolio), giải pháp SEO qua landing pages, ứng dụng các phần mềm quản lý thông tin khách hàng, quản lý bán hàng thông minh; hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tham gia bán hàng qua các sàn thương mại điện tử toàn cầu, như: Alibaba, Lazada, Sendo, v.v...; triển khai xây dựng Sàn thương mại điện tử TP Đà Nẵng tại địa chỉ: danangtrade. com.vn thu hút sự tham gia của 1.665 doanh nghiệp giới thiệu tổng cộng 2.529 sản phẩm, dịch vụ...

Để thích ứng với tình hình dịch bệnh cũng như thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17- 6-2021 của Thành ủy Đà Nẵng về chuyển đổi số trên địa bàn TP đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Công Thương TP đã tham mưu UBND TP ban hành và triển khai Kế hoạch số 7950/UBNDKH ngày 2-12-2020 về phát triển thương mại điện tử TP giai đoạn 2021-2025. Triển khai kế hoạch này, Ngành Công Thương TP sẽ tập trung thực hiện các nhóm giải pháp sau: xây dựng và triển khai đề án chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn TP; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh ứng dụng mã QR Code trong truy xuất thông tin trực tuyến, thanh toán trực tuyến, khuyến mại trực tuyến, v.v...; kết nối các doanh nghiệp thương mại điện tử với các nhà sản xuất, nhà phân phối để quản lý chuỗi cung ứng; nâng cấp sàn giao dịch thương mại điện tử của TP; đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến (thanh toán không dùng tiền mặt); từng bước thay đổi thói quen mua sắm, hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại. Ngoài ra, còn tổ chức các hoạt động mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của TP tại thị trường nội địa và xuất khẩu ra ngoài nước thông qua các ứng dụng thương mại điện tử, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn TP tiếp cận và ứng dụng các giải pháp số trong hoạt động kinh doanh…

Hy vọng, với việc đẩy mạnh phát triển và đẩy mạnh thương mại điện tử, đến năm 2025, TP Đà Nẵng đạt được các mục tiêu doanh số thương mại điện tử chiếm ít nhất 10% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng dịch vụ; tối thiểu 50% dân số TP tham gia mua sắm trực tuyến; tối thiểu 90% doanh nghiệp có tài khoản thương mại điện tử…

PHÚ NAM