Phát triển y tế cơ sở: Cần chính sách đầu tư lâu dài, bền vững

Thứ năm, 30/03/2023 08:19
Thu hút bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ đa khoa bằng các chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp; bổ sung danh mục thuốc cho các Trạm Y tế...

là những kiến nghị được đưa ra tại Hội thảo "Định hướng phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới" do Bộ Y tế tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 29-3. Tham dự có lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Y tế các tỉnh, thành khu vực phía Nam và các chuyên gia trong lĩnh vực y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, sau 20 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, công tác y tế cơ sở đã đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể: Mạng lưới y tế cơ sở trên cả nước từng bước được củng cố về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực; công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu được tăng cường; nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi... Tuy nhiên hiện nay, hệ thống y tế đang đối mặt với nhiều thách thức như: tốc độ già hóa dân số nhanh, vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng trong cộng đồng. Cùng với đó là các dịch bệnh mới phát sinh như COVID-19, đậu mùa khỉ...

Từ thực tế trên, ông Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, vấn đề phát triển y tế cơ sở đáp ứng tình hình mới vô cùng quan trọng. Ban Bí thư đã giao Ban cán sự Đảng Bộ Y tế chủ trì chuẩn bị đề án xây dựng "Chỉ thị về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới". Bộ Y tế đang xây dựng đề cương, tổng hợp báo cáo, tiếp thu ý kiến của bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia nhiều kinh nghiệm để hoàn thiện Đề án, trình Ban Bí thư trong tháng 5-2023.

Bác sĩ Đoàn Minh Cương - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, đơn vị hoạt động theo mô hình Trung tâm Y tế tuyến huyện đa chức năng, trực thuộc quản lý của Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng. Nhiều năm qua, Trung tâm gặp khó khăn do cơ sở vật chất xuống cấp, nhỏ hẹp, không đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu người dân. Cùng với đó, nhân lực là một trong những điểm yếu của đơn vị. Mặc dù 16/16 Trạm Y tế xã có bác sĩ nhưng số lượng không ổn định và nhiều năm qua không tuyển được bác sĩ mới thay thế người nghỉ hưu. Thậm chí, một số bác sĩ đang có nguyện vọng xin nghỉ việc, chuyển đi nơi khác. Nguyên nhân là do chế độ, chính sách đối với bác sĩ tuyến y tế cơ sở rất thấp. Với đặc thù khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế chiếm 90-92%, Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà rất khó đảm bảo nguồn chi. Do đó, bác sĩ Đoàn Minh Cương kiến nghị, Bộ Y tế cần có chính sách rõ ràng, minh bạch cũng như đảm bảo điều kiện làm việc, cơ sở vật chất trang thiết bị, chế độ chính sách để người lao động an tâm ở lại với y tế cơ sở.

Cùng quan điểm, PGS.TS, bác sĩ Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, Bộ Y tế cần có chính sách đãi ngộ phù hợp trong việc thu hút nhân lực cho tuyến y tế cơ sở; trong đó, chú trọng tăng cường các bác sĩ đa khoa, bác sĩ gia đình về trạm y tế. Hiện, y tế cơ sở của TP Hồ Chí Minh chỉ có 0,25 bác sĩ đa khoa/10.000 dân, tỷ lệ này là quá thấp. Để đáp ứng đủ nguồn nhân lực cho y tế cơ sở, ông Tăng Chí Thượng đề nghị, Bộ Y tế cần có quy định bắt buộc các bác sĩ đa khoa phải luân phiên công tác tại y tế cơ sở trong một thời gian nhất định. Nếu có quy định này, y tế cơ sở sẽ không sợ thiếu nhân lực. Bộ Y tế cần sớm mở rộng danh mục thuốc cho trạm y tế. Danh mục này phải tương đương với bệnh viện tuyến huyện; đồng thời, phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng bởi đây là lực lượng theo dõi sát nhất các vấn đề sức khỏe cộng đồng.

Tại Hội thảo, ông Christophe Lemiere - Giám đốc Ban Phát triển con người, Ngân hàng Thế giới cho rằng, dù đã đạt được những thành tựu đáng kể trong xây dựng, phát triển hệ thống y tế cơ sở nhưng khảo sát thực tế cho thấy, ở Việt Nam có đến 30% bệnh nhân điều trị tại tuyến trên có thể điều trị ngay tại y tế cơ sở. Điều này khiến cho tỷ lệ chi tiêu y tế trong chăm sóc bệnh nhân nội trú của Việt Nam chiếm đến 45% trong tổng chi tiêu y tế. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước đang phát triển khác chỉ khoảng 30%. Vì vậy, Việt Nam nên có chính sách đầu tư hơn nữa cho y tế cơ sở, nhất là về kinh phí và con người để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Đ.Hằng