Phóng sự ảnh: Giáp mặt với lửa

Thứ hai, 05/10/2020 14:11

2 năm sau khi sát nhập vào Công an TP Đà Nẵng, lực lượng PCCC&CNCH đã trực tiếp tham gia, phối hợp chữa cháy hơn 600 vụ và 126 vụ CNCH. 100% số vụ cháy và CNCH được tổ chức kịp thời, cứu sống được nhiều người, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.

Nhắc đến công việc của những người lính làm nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), người ta vẫn thường nói đó là nghề mà người khác chạy ra thì lính cứu hỏa chạy vào. Niềm hạnh phúc lớn lao của họ là khi đến hiện trường nhanh nhất và kịp thời cứu người giữa lằn ranh sinh tử. Những trái tim người lính còn nóng hơn cả "biển lửa" phía trước, sẵn sàng hy sinh thân mình để vì hạnh phúc, sự an toàn của người dân. Đối đầu với nguy hiểm, họ không bao giờ chùn bước!

Nhân kỷ niệm 59 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH (04-10-1961 - 04-10-2020) và 19 năm Ngày toàn dân PCCC (04-10-2001- 04-10-2020). Báo Công an TP Đà Nẵng giới thiệu một số hình ảnh chiến đấu của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH CATP Đà Nẵng trong thời gian qua:

Ngoài sức nóng lên đến hàng trăm độ C, người lính chữa cháy còn đối mặt với nhiều mối nguy hiểm khác. Công trình, nhà cửa có thể sập đổ bất cứ lúc nào do tác động của nhiệt.

 

 Khi có cháy, người người chạy ra nhưng những người lính lại xông vào. Trong khói bụi, họ đóng vai người hùng thầm lặng mà không người dân nào nhìn rõ mặt mũi vì đã lấm lem.

 

Không ít người lính chữa cháy đã ngã xuống trong lúc làm nhiệm vụ. Thời gian qua đi khiến họ quên đi cảm giác đớn đau, bỏng rát để rồi lại dũng cảm lao mình vào đám cháy mỗi khi giáp mặt với lửa.

 

Chân dung chiến sĩ chữa cháy Ông Ích Thành, Đội chữa cháy và CNCH trên sông, CATP Đà Nẵng sau khi dập tắt đám cháy tàu trên sông Hàn hồi năm 2019. Ngoài nhiệm vụ PCCC trên sông, công tác thường xuyên của đơn vị là cứu người đuối nước, tìm thi thể người dưới đáy sông. Những người lính nhỏ bé giữa biển lửa. Trong chữa cháy rừng, đòi hỏi sự bền bỉ của người lính. Họ phải vận chuyển lăng vòi, khuân vác máy bơm, máy khò và nước uống đi hàng chục cây số trong rừng sâu để chữa cháy.

     MAI VINH