Sự kiện văn hóa đặc biệt này được tổ chức nhân dịp 50 năm thiết lập mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, được tư vấn bởi Nhạc trưởng Honna Tetsuji - Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (VNSO). Buổi hòa nhạc tổ chức ngoài trời, trong không gian thân thuộc với học sinh của trường trong sinh hoạt hàng ngày.
Đây là lần đầu tiên các nghệ sĩ của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam trình diễn tại Trường Hy Vọng. Trường cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam được doanh nghiệp Nhật lựa chọn tài trợ trong năm 2023, cùng với các nước Indonesia, Malaysia, Philippines.
Vào tháng 7-2022, Giám đốc dự án Trường Hy Vọng Hoàng Quốc Quyền kể câu chuyện về trường cho người bạn làm tài chính một công ty của Nhật. Sau khi đến thăm, lãnh đạo Cty này đã bàn bạc với nhạc trưởng Honna và quyết định mang âm nhạc đến với ngôi trường đặc biệt này.
Tham gia đêm nhạc, các nghệ sĩ biểu diễn nhiều tác phẩm nổi tiếng như Salut d'amour (Lời chào tình yêu) của nhà soạn nhạc lừng danh Edward Elgar, Turkish march (Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ) của nhạc sĩ Mozart, Merry go round từ bộ phim nổi tiếng Howl's moving castle hay Under the sea từ bộ phim Nàng tiên cá...
Ban Tổ chức chương trình cho biết, đây là dự án giáo dục dùng âm nhạc để chữa lành vết thương, khơi dậy hạnh phúc cho các em có hoàn cảnh đặc biệt, giúp các em có thêm niềm tin và hy vọng vào cuộc sống.
Trong đêm nhạc, xen kẽ giữa các tiết mục biểu diễn của nghệ sỹ, các em học sinh của Trường Hy Vọng đã lên sân khấu biểu diễn khúc thiếu nhi Em yêu trường em, Đưa cơm cho mẹ đi cày... trên nền nhạc giao hưởng.
Em Lưu Gia Nghi, học sinh lớp 10 của Trường Hy Vọng hát theo một vài ca khúc mình từng nghe. Gia Nghi cho biết: "Đây là lần đầu tiên em được nghe nhạc giao hưởng, cảm giác rất vui vì âm nhạc đã làm vơi đi quá khứ".
Em có đam mê ca hát nên sau khi tan học và tập văn nghệ trên lớp đã "quên cả ăn tối" để kịp theo dõi hết chương trình. Nghi cùng anh trai Lưu Hữu Nghị (17 tuổi) mồ côi cả cha lẫn mẹ, được các thầy cô đưa về Trường Hy Vọng từ tháng 8-2022. Trước khi vào trường, Nghị từng quyết định nghỉ học, đi làm thuê, lấy tiền nuôi em ăn học tốt hơn.
Nhạc trưởng Honna Tetsuji ở lại giao lưu với các em nhỏ và hứa sẽ trở lại. Ông nói mình rất hạnh phúc khi nhìn thấy niềm vui trong đôi mắt của những trẻ em tại ngôi trường có cái tên rất ý nghĩa: Hy Vọng. "Đây là khoảnh khắc tôi đã chờ đợi rất lâu. Điều tôi muốn truyền tải không diễn đạt bằng ngôn từ, mà bằng âm nhạc từ trái tim, đó là sự đồng điệu trong tâm hồn, được thể hiện qua các giai điệu của dàn nhạc giao hưởng và tiếng hát của các em học sinh", ông chia sẻ.
Bên cạnh các tiết mục biểu diễn chọn lọc, nghệ sĩ còn mời các em nhỏ cùng chơi thử một vài loại nhạc cụ trên sân khấu và sau khi kết thúc chương trình. Sau buổi biểu diễn hơn một giờ đồng hồ, các nghệ sĩ được tặng quà lưu niệm là túi xách in hình tranh do chính học sinh Trường Hy Vọng vẽ.
Bà Trương Thị Thanh Thanh - Chủ tịch Quỹ Hy vọng cho biết, đêm nhạc là "món quà đặc biệt từ những người bạn Nhật Bản". "Ở đây, chúng ta đã gặp nhau và giao tiếp bằng một ngôn ngữ chung, đó là ngôn ngữ của tình thương yêu, của âm nhạc", bà Thanh Thanh cho hay.
Được biết, Dự án "Việt Nam và Nhật Bản cùng thắp sáng hy vọng" dự kiến kéo dài trong ba năm, mỗi năm tổ chức ba lần, với sự đồng hành của các doanh nghiệp Nhật Bản. Năm nay, chương trình được tài trợ bởi Công ty Sompo Japan.
Bảo Nam
Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.