Phục hồi môi trường các mỏ khoáng sản ở Đà Nẵng: Có phục nhưng chưa hồi

Thứ sáu, 09/09/2022 14:30
Một thời xe cộ rầm rộ đi vào vùng mỏ múc đất, đá chở ra các công trường khiến đường xá hư hại, xóm làng mờ mịt trong bụi bẩn, tiếng ồn. Khi "rút ruột" đồi núi hút khoáng sản xong, những gì để lại là một vùng đồi núi bị cắt xẻ nham nhở, ngổn ngang, sau nhiều năm vẫn chưa phục hồi nguyên trạng.
Hoạt động múc, chở đá vẫn diễn ra đầu tháng 9-2022 tại mỏ đá Đà Sơn B dù thời hạn khai thác đã hết từ 31-12- 2020.
Khu vực mỏ đá Đà Sơn mở rộng nơi Cty Phú Mỹ Hòa đang xây dựng Dự án Khu văn hóa tâm linh Đà Sơn.

Chậm hồi sinh vùng mỏ

Nhiều mỏ đất, đá ở Hòa Vang dù đã ngừng khai thác từ vài năm nay song tiến độ phục hồi môi trường diễn ra chậm, không ít khu vực đồi núi vẫn trơ trọi, lồi lõm trông đến "nhức mắt". Hiện trạng các mỏ đất ở Hòa Nhơn khi khai thác "múc gọt" chỗ mềm, để lại chỗ "xương xẩu" tạo hình dạng kỳ quặc, nham nhở đến nay vẫn chưa được san gạt, hoàn thổ, trả lại màu xanh cho núi đồi. Thống kê cho thấy tại Hòa Vang hiện có 13 mỏ khoáng sản đang phục hồi môi trường, trong đó riêng Hòa Nhơn có 7 mỏ. Người dân thôn Phước Thuận xã Hòa Nhơn cho biết, cứ nghĩ khi các mỏ ngừng khai thác không còn chịu cảnh ồn ào, bụi bặm nữa, nhưng thực tế nhiều quả đồi bị cạo trơ trụi nên trời gió thì bụi, trời mưa thì đất đá chảy xuống lấp ruộng đồng. Quá trình phục hồi môi trường của các chủ mỏ diễn ra chậm nên chưa thể nghiệm thu, bàn giao mặt bằng cho địa phương quản lý.

Ngày 29-8 vừa qua, sau khi kiểm tra việc phục hồi môi trường tại 17 mỏ khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng đã có thông báo, chỉ rõ thực trạng và yêu cầu khắc phục với từng mỏ. Theo đó, tại mỏ đá Hố Xanh xã Hòa Nhơn của Cty Thạch Toàn trên diện tích 0,58ha đóng cửa từ năm 2016, hiện việc san lấp hố mỏ chưa đạt được độ cao theo đề án, đáy moong ngập nước, yêu cầu khẩn trương hoàn thổ hố mỏ và trồng cây. Với mỏ đá Phước Hậu diện tích 4 ha cũng đóng cửa mỏ từ 2016, Cty Hoàng Khoa đã lấp hồ nước phía Tây Bắc mỏ trồng cây, tuy nhiên phần diện tích này và khu vực sát chân moong có mật độ cây thấp, yêu cầu đổ thêm đất, trồng thêm cây.

Tương tự, mỏ đất đồi tại thôn Tân An, xã Hòa Phong của Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 diện tích 5 ha, đóng cửa mỏ từ năm 2018. Công ty đã trồng cây phần trên đỉnh moong và khu vực thấp, tuy nhiên cây chậm phát triển; phần diện tích phía Nam mỏ chưa được cải tạo, trồng cây. Hay mỏ đất đồi tại thôn Thạch Nham Đông xã Hòa Nhơn của Cty Sơn Hải trên diện tích 5,1ha, đóng cửa từ năm 2014. Cty đã san gạt, trồng cây trên diện tích mỏ, tuy vậy một số vị trí trên đỉnh khu vực khai thác và sườn đồi thoải cây trồng kém phát triển do thiếu lớp đất màu; yêu cầu Cty đào hố, đổ đất màu và phân để trồng cây các vị trí trên đỉnh khu vực khai thác và sườn đồi thoải đang có tỷ lệ cây sống và phát triển kém.

Hoạt động múc, chở đá vẫn diễn ra đầu tháng 9-2022 tại mỏ đá Đà Sơn B dù thời hạn khai thác đã hết từ 31-12- 2020.

Còn đó những vết thương nham nhở

Từ cầu vượt Ngã Ba Huế nhìn về dãy núi Phước Tường xanh mướt thuở nào giờ là những vết thương khổng lồ do các mỏ khai thác đá để lại. Hàng triệu khối đá xây dựng đã được múc đi để lại những vách núi dựng đứng, trơ trụi, bạc thếch; những hồ sâu rộng với sức chứa hàng trăm ngàn m3. Dù các mỏ đá đã hết hạn khai thác từ vài năm nay và bước vào giai đoạn phục hồi môi trường, nhưng tiến độ rất chậm. Tại mỏ đá Đà Sơn B phường Hòa Khánh Nam được cấp cho Công ty Cổ phần xây dựng và đầu tư Vạn Tường khai thác đến hết năm 2020 là chấm dứt hoạt động, đóng cửa mỏ cải tạo, phục hồi môi trường. Tuy nhiên, đầu tháng 9-2022, ghi nhận tại mỏ đá này các xe cơ giới múc đá, chở đá vẫn hoạt động ầm ầm. Cạnh đó, khu mỏ đá được cấp phép cho Cty Phú Mỹ Hòa khai thác 3,8ha, trữ lượng 1.467.400m3, thời hạn đến tháng 8-2018.

Hiện Công ty đang chỉnh sửa, bổ sung Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản đá xây dựng tại phần mở rộng mỏ đá Đà Sơn. Cũng tại đây, Cty Phú Mỹ Hòa đang xây dựng dự án Khu văn hóa tâm linh Đà Sơn rộng hơn 6,5ha (trong đó có diện tích 3,62ha của mỏ đá Đà Sơn mở rộng trả lại). Hoạt động xây dựng đang diễn ra rầm rộ và chưa ghi nhận dấu hiệu phục hồi môi trường ở khu vực mỏ đá này. Ông Bùi Trung Khánh, Phó chủ tịch UBND P.Hòa Khánh Nam cho biết, hầu hết các mỏ đá trên địa bàn phường đã hết thời hạn khai thác. Riêng Cty Phú Mỹ Hòa có giấy phép làm con đường lên dự án Khu văn hóa tâm linh Đà Sơn trên núi, vì thế được phép khai thác đá, thời hạn đến hết năm 2023.

Men theo đường Lê Trọng Tấn nối dài, nhiều mỏ đá đang hoàn thổ, phục hồi môi trường nhưng rất khó khăn bởi các vách núi dựng đứng, hồ sâu cần lượng lớn vật liệu san lấp mới có thể trồng cây. Đại diện Cty Nho Chiến đang phục hồi mỏ đá Phước Lý cho biết, trong các vách núi hiện phải đào hố, đổ đất trồng cây, tuy vậy máy móc đào vào vách đá cứng rất khó. Chưa kể những hồ sâu, cần san lấp, tạo độ cao nhất định, phủ lớp đất màu mới có thể trồng cây, phục hồi môi trường. Mấy năm qua, Cty cũng tích cực trồng cây cao lên 2-3m, nhưng rồi sau mùa mưa, ngập nước, nhiều cây bị chết vì vậy phải nâng độ cao, trồng cây lại. Gần đó, mỏ đá Phước Tường phường Hòa Phát do Cty cổ phần xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng khai thác, dù đã dừng 2 năm nay song chưa thể tiến hành phục hồi môi trường. Hiện một lượng lớn đá thành phẩm còn trong mỏ chưa được vận chuyển hết ra ngoài để tiêu thụ, đồng thời Cty đang xin gia hạn giấy phép khai thác.

Có thể thấy, dù đã dừng khai thác, đóng cửa mỏ nhiều năm song quá trình phục hồi môi trường vẫn chưa hoàn thành. Một số chủ mỏ cho rằng điều kiện tại khu vực mỏ khắc nghiệt nên cây trồng chậm phát triển, chưa kể sau mùa mưa bão cây chết vì ngập, gãy phải trồng lại. Bên cạnh đó, do địa hình, sau khai thác đồi núi lồi lõm, cần thời gian cắt tầng, tạo mặt bằng. Với các mỏ đá, đất tầng phủ đã bị bóc đi trong quá trình khai thác, giờ muốn trồng cây, phục hồi môi trường cần phủ lớp đất mới, tốn nhiều thời gian. Theo Sở TN&MT, quá trình phục hồi môi trường luôn được giám sát, khi nào cây xanh được phủ, đạt yêu cầu mới nghiệm thu, bàn giao cho địa phương.

* Tuyến đường Trần Đức trên địa bàn phường Hòa Khánh Nam hư hỏng nặng do hoạt động quá tải, đặc biệt từ các mỏ khai thác khoáng sản. Người dân tại khu vực liên tục phản ánh tình trạng bụi bặm vào mùa hè và ngập úng vào mùa mưa ảnh hưởng tới cuộc sống của họ. Tổng số tiền sửa chữa đường trên 2 tỷ đồng, vừa qua phường đã rà soát, mời các công ty tham gia thường xuyên trên tuyến đường họp đóng góp kinh phí sửa chữa. Tuy vậy, sau khi đã hoàn tất việc khai thác mỏ, các công ty viện lý do khó khăn do dịch bệnh, đồng ý sửa đường nhưng không có kinh phí đóng góp (trừ Cty Cẩm Phát đóng góp 10 triệu đồng, Cty Phú Mỹ Hòa đóng góp 40% kinh phí sửa đường).

HẢI QUỲNH