Quan hệ lao động ổn định, nhà máy, công xưởng Đà Nẵng hối hả ngay từ đầu năm
Phấn khởi vào ca
Đến ngày 21-2, hơn 3.000 công nhân thuộc 6 xí nghiệp của Cty CP Dệt may 29-3 đã có 5 ngày làm việc kể từ sau tết. Dù đã trải qua một năm 2023 tương đối khó khăn nhưng thu nhập, phúc lợi cơ bản vẫn được đảm bảo, tất cả đều phấn khởi hi vọng năm 2024 mọi việc sẽ tốt đẹp hơn. Theo bà Lê Thị Hải Châu- Chủ tịch công đoàn Cty Dệt may 29-3, trong ngày làm việc đầu tiên, gần 95% công nhân đi làm trở lại, một số kết hợp nghỉ Tết và nghỉ phép. Cho đến ngày 21-2, mỗi xí nghiệp chỉ còn vài trường hợp nghỉ có lý do cá nhân.
Chị Lê Thị Ngọc Mai, công nhân Xí nghiệp may 2 cho biết, bắt đầu từ Mùng 6 mọi người đã trở lại đi làm, nhận lì xì năm mới từ lãnh đạo rồi nhanh chóng bắt tay vào hoạt động sản xuất. “Ăn Tết vừa đủ, quan trọng nhất vẫn là công việc và thu nhập. Toàn công ty chỉ vắng một số ít do có việc gia đình ở xa, còn lại thì tất cả đã trở lại guồng quay mới”, chị Mai chia sẻ.
Do hầu hết công nhân là người ngoại tỉnh nên Cty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng bắt đầu hoạt động sản xuất muộn hơn 1 ngày so với một số doanh nghiệp khác tại Khu công nghiệp Hoà Cầm. Ông Bùi Minh Vũ- Chủ tịch Công đoàn của cty cho hay, trong ngày làm việc đầu tiên, ngoài một số ít nghỉ phép theo quy định thì tất cả người lao động đã vào ca nghiêm túc. Như thông lệ hàng năm, lãnh đạo công ty đã trực tiếp động viên mà lì xì năm mới; công đoàn tặng phiếu bốc thăm trúng thưởng nhiều phần quà giá trị tạo không khí hứng khởi, phấn chấn cho người lao động.
Đã có thâm niên làm việc hơn 20 năm tại Cty CP sản xuất Thương mại Hữu Nghị (Khu công nghiệp An Đồn), chị Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, trước đây hàng năm sau dịp tết thường có biến động về lao động do công nhân nghỉ phép hoặc “nhảy việc”. Tuy nhiên năm nay mọi người trở lại làm việc rất nghiêm túc, ai cũng có thời gian nghỉ ngơi thoải mái và xác định việc làm hiện nay là rất quý nên phấn khởi, tích cực. “Dù thị trường nói chung khó khăn nhưng chúng tôi được đảm bảo thu nhập, phúc lợi. Đầu năm đơn hàng ổn định, mọi người đều quyết tâm cho năm mới thắng lợi”, chị Thảo chia sẻ.
Theo ông Mai Xuân Tú- Giám đốc Cty CP sản xuất Thương mại Hữu Nghị, ngay từ Mùng 6 Tết, đơn vị đã ra quân sản xuất với khí thế nghiêm túc, hiện hơn 98% người lao động đã trở lại với công việc của mình. Ngay sau Tết, đơn hàng tăng khoảng 30% so với năm ngoái nên doanh nghiệp đang tuyển dụng thêm khoảng 400 lao động. “Thu nhập bình quân thuộc diện cao so với mặt bằng, công nhân có lương tháng 13, được thưởng theo thâm niên, các chế độ phục lợi ổn định, đơn hàng tăng là những yếu tố để chúng tôi tuyển dụng và giữ chân người lao động. Hi vọng năm 2024 sẽ tiếp tục đà phát triển”, ông Tú chia sẻ.
Nhân lực ít biến động, quan hệ lao động ổn định
Theo khảo sát, tuỳ theo đơn hàng và đặc thù sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp chọn ngày 15-2 hoặc ngày 19-2 để bắt đầu ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Do kế hoạch được công bố từ sớm, việc đi lại dễ dàng nên đại đa số người lao động đã chủ động sắp xếp kỳ nghỉ, công việc gia đình để trở lại đi làm một cách chủ động.
Số liệu cập nhật của Sở LĐ,TB&XH TP Đà Nẵng cho biết, tính đến ngày 15-2, có 97% người lao động ở các doanh nghiệp đã trở lại làm việc. Đến ngày 20-2 thì các doanh nghiệp lớn như Cty CP Cao su Đà Nẵng, Cty CP Dệt may 29-3, Tổng Cty CP Dệt may Hoà Thọ, Cty TNHH Mabuchi Motor, Công ty TNHH Murata Manufacturing Việt Nam… đã có 100% công nhân trở lại làm việc. Sau hoạt động thăm hỏi, động viên và lì xì công nhân, các công ty đồng loạt bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh với quyết tâm nhiều thắng lợi trong năm mới.
Lãnh đạo Sở LĐ,TB&XH TP Đà Nẵng cho biết, qua nắm bắt tình hình lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nói chung và trong các khu công nghiệp nói riêng, hầu hết doanh nghiệp đều có chính sách giữ chân người lao động như: bảo đảm tốt chế độ lương, thưởng, chính sách phúc lợi, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng bữa ăn, tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần… Trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, Sở phối hợp Liên đoàn Lao động thành phố rà soát số lượng công nhân lao động khó khăn để UBND thành phố hỗ trợ quà Tết cho 8.000 người. Bằng các nguồn lực huy động, Liên đoàn Lao động tổ chức nhiều hoạt động chăm lo, động viên, khích lệ tinh thần đoàn viên, công nhân. Sau đại dịch, doanh nghiệp cần người lao động, công nhân cần việc làm và thu nhập nên đã hạn chế tình trạng bỏ việc, “nhảy” việc như thường thấy ở nhiều năm trước.
Theo ông Lê Văn Đại- Phó Chủ tịch Liên Đoàn Lao động TP Đà Nẵng, trước Tết, các cấp công đoàn đã tổ chức trao 20.000 suất quà Tết, tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng tặng đoàn viên, công nhân lao động hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị ảnh hưởng thiên tai, bị mất việc, giảm giờ làm. Cùng với đó, Liên đoàn trao 40.000 phiếu mua hàng, tổ chức “Chợ Tết công đoàn”, chuyến xe công đoàn đưa người lao động về, tổ chức đón tết cho công nhân ở lại các khu nhà trọ…Những ngày đầu năm mới, tổ chức công đoàn phối hợp lãnh đạo các doanh nghiệp gặp mặt, động viên, lì xì cũng tạo những động lực, khí thế mới cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
BẢO NAM