Quảng Nam cần tận dụng tối đa nguồn lực để phát triển trong thời gian tới

Thứ sáu, 01/12/2023 11:15
Chiều 30-11, tại thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang, Quảng Nam), Đoàn Giám sát của Ban chỉ đạo (BCĐ) Trung ương Các chương trình mục tiêu quốc gia do Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và xã hội (LĐ-TB và XH) Lê Văn Thanh làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam. Ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đồng chủ trì buổi làm việc.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh (bìa trái) thăm, tặng quà cho 2 hộ nghèo của xã Tà Bhing (huyện Nam Giang).
Thứ trưởng Lê Văn Thanh (bìa trái) thăm, tặng quà cho 2 hộ nghèo của xã Tà Bhing (huyện Nam Giang).

Tỷ lệ giải ngân thấp

Báo cáo với Đoàn công tác, đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho hay, để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra của từng Chương trình mục tiêu quốc gia (sau đây gọi tắt là Chương trình MTQG) giai đoạn 2021 – 2025 và giải ngân kế hoạch vốn năm 2023, trong năm, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, BCĐ Chương trình MTQG tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi làm việc trực tiếp, trực tuyến với các cơ quan chủ trì của 3 Chương trình và các địa phương để đôn đốc, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, BCĐ Chương trình MTQG tỉnh đã thường xuyên làm việc với các huyện miền núi (nơi thụ hưởng cả 3 Chương trình MTQG và có nguồn vốn lớn) bám sát các nội dung hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương để triển khai theo đúng kế hoạch, đúng thời gian quy định…

Theo đó, tổng các nguồn vốn hỗ trợ thực hiện của các Chương trình MTQG năm 2023 (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài) của Quảng Nam hơn 3.279 tỷ đồng, gồm: ngân sách Trung ương hơn 2.487 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 791 tỷ đồng đồng. Trong đó, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi hơn 1.226 tỷ đồng. Đến ngày 10-11-2023, tổng các nguồn vốn hỗ trợ thực hiện của các Chương trình MTQG năm 2023 đã phân bổ là 2.998 tỷ đồng (đạt 91%), gồm: Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM). Qua đó đã giải ngân được hơn 1.167 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 36%.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu trong các Chương trình MTQG đề ra năm 2023 đều cơ bản đảm bảo theo kế hoạch. Từ nguồn lực đầu tư của Chương trình, cơ sở hạ tầng KT-XH nông thôn và miền núi đã được quan tâm tăng cường đầu tư; diện mạo nông thôn và khu vực miền núi được thay đổi một cách căn bản, cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân, phát triển theo quy hoạch. “Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn chậm so với yêu cầu, kế hoạch vốn chưa phân bổ chi tiết vẫn còn nhiều dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp so với yêu cầu. Đến nay, đa số các địa phương chưa bố trí hoặc bố trí rất thấp vốn đối ứng cho 3 Chương trình MTQG thuộc thẩm quyền của các địa phương”- đại diện UBND tỉnh Quảng Nam nhìn nhận.

Về nguyên nhân chậm trễ, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, một phần là do các địa phương tập trung phân bổ, giải ngân các nguồn vốn của Trung ương và tỉnh đã phân bổ, việc bố trí thêm vốn đối ứng ngân sách các địa phương sẽ không giải ngân hết và gây áp lực thêm cho địa phương. Cán bộ Phòng Kinh tế hạ tầng ít, cùng thời gian thẩm định cho quá nhiều công trình nên dẫn đến quá tải trong công tác thẩm định. Một số văn bản hướng dẫn Trung ương, các Sở, ngành còn chậm; một số vướng mắc trong quá trình triển khai đã được Trung ương giải quyết tại Nghị định số 38/2023 của Chính phủ và Thông tư số 55 của Bộ Tài chính, tuy nhiên hiện vẫn chưa có hướng dẫn…

Giải pháp phát huy hiệu quả Chương trình

Xác định năm 2024 và 2025 là 2 năm trọng tâm trong việc triển khai hoàn thành các mục tiêu của ba Chương trình MTQG trên địa bàn giai đoạn 2021 – 2025 đã đề ra, UBND tỉnh Quảng Nam đưa ra giải pháp ngay từ đầu năm 2024 tiếp tục làm việc và kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương để sớm điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách triển khai thực hiện các Chương trình MTQG đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Tổ chức rà soát, đánh giá tình hình thực hiện và kết quả đạt được của các mục tiêu, tiêu chí cụ thể trong thời gian qua, để từ đó xây dựng kế hoạch và các giải pháp triển khai thực hiện thời gian đến của từng Chương trình, đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch đã đề ra trong 2 năm còn lại. Theo đó, Quảng Nam phấn đấu năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng ĐBDTTS trên 3%; toàn tỉnh giảm 2.900 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025. Có thêm 7 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 137 xã/193 xã, đạt tỷ lệ 71%. Có thêm ít nhất 10 xã NTM nâng cao và có thêm ít nhất 4 xã NTM kiểu mẫu…

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Nghị quyết quy định một số cơ chế đặc thù, thí điểm để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025; xem xét, tăng mức hỗ trợ cho huyện đăng ký thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tiếp tục ưu tiên bố trí ngân sách, huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo bền vững…; nghiên cứu, ban hành chính sách trợ cấp hàng tháng cho người nghèo trong hộ nghèo không có khả năng lao động, nhất là hộ nghèo chính sách người có công với cách mạng; tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác…

Thứ trưởng Lê Văn Thanh (bìa trái) thăm, tặng quà cho 2 hộ nghèo của xã Tà Bhing (huyện Nam Giang).

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh thay mặt Đoàn Giám sát ghi nhận những nỗ lực của Quảng Nam trong thực hiện các Chương trình MTQG. Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Quảng Nam là tỉnh nghèo, nguồn vốn cho ba Chương trình MTQG tương đối lớn. Do đó, việc giải ngân có ảnh hưởng lớn đến tỉ lệ giải ngân chung của cả nước.Thời gian đến, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị Quảng Nam tập trung làm rõ kết quả, tiến độ từng chương trình, dự án, tiểu dự án để đôn đốc thực hiện, tập trung giải ngân hết nguồn vốn năm 2023, không để sang năm 2024 sẽ dồn nguồn vốn, gây khó khăn trong giải ngân. Trong quá trình thực hiện còn bất cập, vướng mắc thì các Văn phòng Chương trình MTQG ở Trung ương hết sức hỗ trợ tháo gỡ. Tất cả 3 Chương trình MTGQ là cơ hội cho tỉnh làm thay đổi đời sống người dân, nhất là người dân khu vực miền núi, vùng ĐBDTTS. Thế nên, địa phương cần tận dụng tối đa nguồn lực, thực hiện hiệu quả các chương trình, mang lại sự phát triển tích cực cho tỉnh trong thời gian tới.

“Xây dựng NTM thì bộ mặt nông thôn phải thay đổi, khởi sắc, đời sống người dân được nâng cao. Không nên chạy theo thành tích mà khi đã đạt được tiêu chí nông thôn mới mà cuộc sống người dân vẫn không được cải thiện; hộ nào thật sự phát triển mới đưa họ thoát nghèo, không vì thành tích mà đưa họ thoát nghèo vài năm rồi tái nghèo lại”- ông Thanh nhấn mạnh.

Lê Hải