Quảng Nam lấy ý kiến quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển
Cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết: Ngày 22-9-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1579/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, cảng biển Quảng Nam được quy hoạch bổ sung thêm 2 khu bến Tam Hòa và Tam Giang (huyện Núi Thành), đồng thời chức năng và cỡ tàu cũng được điều chỉnh so với Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung Bộ (nhóm 3) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, dẫn tới sự cần thiết triển khai quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đã được phê duyệt.
Hiện nay, Cảng Tam Hiệp - Chu Lai (huyện Núi Thành) hoạt động với lượng hàng ổn định. Trong năm 2021, Cảng Tam Hiệp đã tiếp nhận 2,5 triệu tấn hàng hóa, dự kiến trong năm 2022, đạt trên 4 triệu tấn hàng. Tuy nhiên hiện nay, Cảng Tam Hiệp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vốn có. Cùng với đó, hiện nay một số nhà đầu tư lớn đang nghiên cứu, xúc tiến đầu tư vào Khu Kinh tế mở Chu Lai, do vậy cần thiết nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Nam làm cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư, triển khai các dự án đầu tư cảng, đô thị cảng, cơ sở hạ tầng, KCN,... trong khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH tỉnh Quảng Nam và khu vực. "Tỉnh Quảng Nam sẽ quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển gắn kết với sân bay Chu Lai cùng hệ thống đường bộ nhằm tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, đưa địa phương trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030"- ông Lê Trí Thanh kỳ vọng.
Theo đó, mục tiêu lập quy hoạch nhằm phát triển có hệ thống và hợp lý các khu chức năng cảng trong từng khu bến; đảm bảo phát triển hài hòa, bổ trợ lẫn nhau giữa phát triển các khu bến cảng, tránh xung đột trong phát triển cảng biển và tạo thuận lợi trong việc quản lý, kiểm soát môi trường. Đồng thời xây dựng chi tiết về quy mô, vị trí, công năng, lộ trình đầu tư và danh mục các dự án ưu tiên đầu tư các bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu neo đậu và các công trình công cộng, công trình phục vụ quản lý tại cảng biển, khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics, từng khu vực đặt trong tổng thể mối liên kết vùng, liên kết ngành để đảm bảo về hiệu quả đầu tư, tối ưu hóa chi phí, phù hợp với khả năng bố trí nguồn lực…
Tổng kinh phí quy hoạch gần 19.000 tỷ đồng
Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch nằm trong Vịnh An Hòa, thuộc vùng đầm phá phía hạ lưu các sông Tam Kỳ, Trường Giang, Bến Ván được nối thông ra biển qua 2 cửa là Kỳ Hà và Cửa Lở, nằm về hai phía của Mũi An Hòa (mũi Bàn Than). Theo quy hoạch, khu bến cảng Tam Hiệp, Tam Hòa được quy hoạch là khu bến chính, phục vụ trực tiếp cho Khu KTM Chu Lai và vùng phụ cận, với cỡ tàu đến 50.000DWT; Khu bến cảng Kỳ Hà, Tam Giang phục vụ chính cho khu kinh tế mở Chu Lai, từng bước chuyển đổi công năng thành khu bến vụ chuỗi dự án khí điện Cá Voi Xanh với cỡ tàu 20.000WDT.
Đối với luồng tàu và các khu neo đậu chuyển tải, tránh, trú bão, thiết lập mới tuyến luồng hàng hải cho tàu 50.000WDT qua Cửa Lở; quy hoạch các khu neo, điểm chuyển tại tại Vịnh An Hòa và các khu neo đậu tránh trú bão khác đủ điều kiện. Ngoài ra, sẽ quy hoạch xây dựng các tuyến giao thông kết nối từng khu bến, bến cảng; các bến khách, thủy nội địa trong vùng nước cảng biển; các khu vực chứa nạo vét; khu phi thuế quan và các cơ sở hậu cần logistics… Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện quy hoạch khoảng 19.000 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, vốn các tổ chức, doanh nghiệp.
Tại hội thảo, các nhà quản lý và các nhà khoa học đã tập trung thảo luận để đóng góp vào nghiên cứu quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Nam nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể là cần thiết để cảng biển Quảng Nam phát triển đồng bộ, liên tục trong quy hoạch tổng thể; đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH tỉnh Quảng Nam và khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Các đại biểu cho rằng, tuyến luồng Cửa Lở là hạng mục công trình quan trọng vừa bảo đảm khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng cảng biển, vừa có tính chất quyết định cho việc phát triển cảng biển Quảng Nam và khu Kinh tế mở Chu Lai theo các quy hoạch đã được phê duyệt.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Xuân Sang đánh giá cao quy hoạch chi tiết vùng cảng biển Quảng Nam và đề xuất đầu tư luồng cảng biển nước sâu, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Công ty CP Tập đoàn Trường Hải đối với bến cảng Chu Lai. Bên cạnh đó, các nội dung trong quy hoạch bài bản, nghiên cứu sâu, cẩn trọng, có nhiều ý kiến tham gia quý giá của các chuyên gia đầu ngành, đây là tiền đề để ngành GT-VT làm sơ sở hoàn thiện hệ thống cảng biển Việt Nam.
LÊ HẢI