Quặng tặc "đại náo" xã biên giới
(Cadn.com.vn) - Từ tháng 9-2016 đến nay, tại khu vực hai bản Tà Pàn, Na Lịt, xã Tri Lễ, H.Quế Phong (Nghệ An) rộ lên tình trạng khai thác quặng thiếc trái phép, kéo theo đó là nạn ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất ANTT trên địa bàn xã biên giới này.
Con đường vào "đại công trường" "mót" thiếc. |
Đội quân "mót" quặng thiếc
Tầm 8 giờ sáng, khi mặt trời vừa nhô trên đỉnh núi, hàng trăm người đã rồng rắn đổ về bản Tà Pàn nằm cách trung tâm xã Tri Lễ chừng 2km rồi kéo nhau vào bãi thải khu mỏ quặng của Công ty TNHH Ngọc Sáng; xuống khe Đục để "mót" quặng thiếc. Không ai chú ý đến tấm pano với dòng chữ "Cấm khai thác khoáng sản dưới mọi hình thức" do chính quyền xã Tri Lễ đặt ở đầu con đường rẽ vào từ QL48. Từ trên cầu Sông Quang cách khu mỏ khoảng 200m, nhìn sang thấy nhấp nhô bóng dáng của hàng chục người vác bao tải quặng chạy tắt qua quả đồi phía sau khu mỏ để về nơi tập kết quặng, hoặc đưa xuống khe Đục đãi. Trong khu vực mỏ, đất đai đào bới nham nhở, cảnh tượng hoang tàn. Anh Vi Văn B. (người dân ở bản Na Lịt), cho biết: "Lúc đầu mấy người đi chăn trâu vào khu vực mỏ chơi và phát hiện thấy quặng. Sau đó, họ đào mang về bán được ít tiền nên rỉ tai nhau vào khai thác ngày càng đông. Có lúc cao điểm lên đến hàng ngàn người tranh giành nhau đào bới". Anh Cụt Văn T. (người dân bản Tà Pàn, nhà sát cạnh khu vực bãi thải) cho biết: lúc nông nhàn, nên 3 người lớn trong nhà đều đi đãi quặng để kiếm thêm thu nhập, bình quân mỗi người được 100.000 đồng/ngày.
Rời khu mỏ, chúng tôi xuống khe nước gần đó, nơi các chị em phụ nữ làm công việc đãi quặng. Men theo đường mòn nhỏ xíu, các chị cõng sau lưng những chiếc bao tải đựng đất (khoảng trên 50kg) xuống tập kết dưới khe. Với đôi tay điêu luyện, chiếc mâm gỗ được lắng đi lắng lại dưới nước, bao nhiêu đất đá đều trôi đi, chỉ còn đọng lại dưới đáy mâm là ít quặng đen. Trên đường rời khỏi nơi đãi quặng, chị Vi Thị L. (trú bản Tà Pàn), cho biết: "Nhà khó khăn, chồng phải đi làm thuê xa, 2 con nhỏ đến tuổi ăn, tuổi học rất tốn kém. Vẫn biết đãi quặng là trái phép, nhưng cũng phải làm thôi. Công an đuổi thì chạy. Công an về thì xuống làm. Cố gắng, chịu khó, ngày cũng kiếm được khoảng dăm lượng quặng, bán được trên dưới 100 ngàn về nuôi con".
Cậu bé Lương Văn H. (lớp 6, Trường THCS Tri Lễ) vừa cắm cúi xúc, đãi và cho quặng vào chiếc tô nhựa nhỏ, dè dặt: "Buổi sáng đi đãi quặng, buổi chiều đi học. Ngày kiếm được vài chục ngàn giúp bố mẹ". Sau đó em nhất quyết không nói gì nữa, dù được động viên, thậm chí cho 10 ngàn đồng ăn kẹo... Thấy chúng tôi quẩn quanh nơi con suối, nhiều người còn cảnh giác, ôm mâm đứng nhìn. Khi thấy chúng tôi rời đi, họ lại lục tục xuống suối tiếp tục công việc. Ra đến chân cầu Sông Quang, chúng tôi gặp hơn 10 đồng chí CAX Tri Lễ trên đường vào bãi. Bãi thải và khe Đục lại lố nhố cảnh người chạy trốn...
Hai "phu thiếc" B. và T. đang khai thác đất quặng. |
Khó đẩy đuổi
Hàng ngày, khe Đục phải gồng mình hòa tan hàng trăm tấn đất, đá xuống lòng; và sau nữa là hệ quả việc nguồn nước bị ô nhiễm khi bột sắt, thiếc hòa lẫn... Ngoài công tác vận động đến từng thôn, bản, xã Tri Lễ còn thành lập đoàn liên ngành để đẩy đuổi những người khai thác quặng trái phép nhưng cũng như "bắt cóc bỏ dĩa". Tà Pàn, Na Lịt là khu vực có nhiều trữ lượng khoáng sản nên Công ty TNHH Ngọc Sáng (trụ sở tại Thanh Hóa) đã được tỉnh Nghệ An cấp phép khai thác. Tuy nhiên, do làm ăn không hiệu quả nên việc khai thác bị ngừng trệ. Đến cuối năm 2015 đơn vị này hết hạn giấy phép khai thác. Toàn bộ hệ thống tuyển quặng cũng như máy móc, thiết bị và nhiều xe ô-tô cũ đang nằm la liệt tại công trường. Các nhà xưởng, nhà bảo vệ, nhà công nhân, nhà điều hành... bị bỏ hoang, gỉ sét. Sau khi Công ty TNHH Ngọc Sáng "rút", công trường khai thác quặng sắt này trở thành hoang phế, nhiều người dân phát hiện kéo nhau vào khai thác quặng thiếc.
Ông Vi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, cho biết: "Khi rộ lên tình trạng này, tháng 9 năm ngoái xã cũng đã báo cáo tình hình lên huyện; sau đó xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động. Xã đã cử cán bộ xuống tận thôn, bản để quán triệt về luật khoáng sản; vận động người dân không tham gia khai thác; cử cán bộ lập lán để canh trực 24/24 giờ. Xã cũng đã có văn bản chỉ đạo 33 xóm, bản tuyên truyền nghiêm cấm nhân dân xóm, bản mình không được khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép trên địa bàn xã Tri Lễ bất cứ hình thức khai thác nào.
Theo ghi nhận của P.V, dù chính quyền địa phương đã và đang vào cuộc quyết liệt, song tình trạng khai thác vẫn đang diễn ra, hàng ngày vẫn có hàng chục người túc trực sẵn sàng vào khai thác trộm khi lực lượng bảo vệ sơ hở. Hơn nữa, dù chính quyền địa phương đã tuyên truyền nhưng nhiều người dân vẫn cho rằng hàm lượng quặng thiếc dưới đất rất lớn nên nhiều người vẫn sẵn sàng đột nhập để khai thác. Do quặng thiếc dễ khai thác, lại dễ bán, 1 lượng có thể bán được từ 10- 15 ngàn đồng. Chính vì nguồn lợi này mà hàng ngày có hàng trăm người vào khai thác, bất chấp những hệ lụy. Tại buổi đi thực tế khe Đục, chúng tôi thấy người dân khai thác thủ công rất dễ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe. Mỗi ngày hàng trăm tấn đất được đưa xuống khe, làm dòng nước đục ngầu, cuốn theo chất sắt, thiếc xuống hạ nguồn gây ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng nước suối. Ngoài ra, việc tụ tập đông người, tranh giành khai thác, đào đãi gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT tại địa phương... Ông Hà Công Cương, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ chia sẻ: "Các ban ngành, hội, đoàn thể đã vào cuộc, nhưng vì lợi nhuận nên nhiều người không chấp hành, vẫn lén lút khai thác bất chấp lệnh cấm. Cái khó ở đây là do bãi thải nằm ở cạnh nhà dân 2 bản Tà Pàn và Na Lịt. Ngoài việc đồng áng, nương rẫy, với những dụng cụ thô sơ, bà con tranh thủ bất cứ thời gian, ngày hay đêm, ra xúc đất rồi xuống khe để đãi. Khi lực lượng chức năng có mặt thì họ chạy về nhà hoặc vào rừng; khi lực lượng chức năng rút, lại ra làm. Thậm chí, lán được lập để Ban CAX túc trực 24/24, trong lúc về nhà ăn cơm cũng bị bà con đốt cháy". Số quặng khai thác được họ bán cho nhau, hoặc mang đi nơi khác bán".
Trước thực trạng trên, chúng tôi đề nghị chính quyền xã Tri Lễ, UBND H.Quế Phong cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ vấn đề cũng như có biện pháp xử lý mạnh tay những đối tượng cố tình xúi giục, kích động người dân vào đào bới, khai thác quặng trái phép gây mất ANTT, làm phức tạp địa bàn xã vùng cao biên giới này.
Xuân Sơn