Quẹt từng trang sách...

Thứ hai, 20/04/2020 17:13

Hẳn rất nhiều người từng nghe câu “Cảo thơm lần giở trước đèn/Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh”. Đó là những câu nằm ở đoạn đầu trong Truyện Kiều của đại danh hào Nguyễn Du. Một số sách đã chú giải, cảo thơm hay kiểu thơm là do chữ phương cảo, nghĩa là pho sách thơm, pho sách hay. Câu “Cảo thơm lần giở trước đèn” trở thành một lối nói văn chương, hình tượng của việc đọc sách. Hình ảnh “lần giở” cho ta cảm giác khoan thai, từ tốn, thể hiện thái độ đọc cẩn thận, kỹ càng, như vừa đọc vừa ngẫm, vừa đọc vừa để cho chữ nghĩa ngấm vào người, có khi vừa đọc vừa nghiên cứu. Trong bài Đọc Kiều, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Cảo thơm đặt trước đèn, tôi giở/ Mỗi trang Kiều rung một bóng trăng thanh”, vừa mượn ý “cảo thơm lần giở” vừa thể hiện sự chia sẻ của tác giả với các cung bậc cảm xúc, tâm trạng của nhân vật trong tác phẩm.

(Ảnh minh họa)

Cách đọc đó khác hẳn với cách đọc sách là lật xoèn xoẹt những trang sách, khi người ta đọc vội vàng, cốt hiểu ý chính mà bỏ qua những chi tiết cụ thể, hoặc đọc nhầm loại sách viết chữ nghĩa lê thê, mênh mang, bỏ qua một vài trang vẫn hiểu câu chuyện. Nó cũng khác với loại truyện tranh vốn có rất ít chữ, nhiều khi hình ảnh vẽ không hấp dẫn nên người ta có thể lật sách rất nhanh.

Có khi, người ta cũng gọi những câu chuyện đạo đức, thảo hiếu, vị tha, dũng cảm của một người hiền, một anh hùng… là những “cảo thơm”, tức là đó là những chuyện gì đó hay, thú vị, có ích hoặc gây xúc động. Có lẽ đó là một nghĩa phái sinh, khi mà sách được gắn với những gì hay ho, tinh túy, thú vị, có ý nghĩa… Tất nhiên, cũng có sách kém, sách độc, nhưng hầu hết sách đều tốt và khi nói đến sách, người ta cũng thường nghĩ đến sách tốt.

Một người yêu thích đọc sách, TS. Đào Lê Na (giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM) viết trên blog của mình rằng: “Tôi thích dùng câu thơ này của Nguyễn Du (câu “Cảo thơm lần giở trước đèn”) để nói về việc đọc sách bởi nó không chỉ lý giải được tại sao người ta lại thích đọc sách mà còn lý giải được tại sao người ta thích đọc sách giấy hơn sách điện tử, thích đọc sách cũ hơn sách mới. Mỗi buổi sáng thức dậy, lật vài trang sách, nhấm nháp chút trà hay cà-phê và ăn một vài món điểm tâm nhẹ rồi đi làm, có lẽ cuộc đời ta sẽ dễ chịu hơn một chút. Đó chính là cách chúng ta tập thể dục cho tâm hồn mình và thưởng thức hương vị cuộc sống mà đôi khi nhiều công việc căng thẳng kéo dài đã khiến chúng ta quên lãng”. Cảm nhận của cô giáo khá tinh tế, đọc sách chính là một trong những cách chúng ta có thể tập thể dục cho tâm hồn mình, cho tinh thần mình; và, cô cũng như nhiều người khác, thích đọc sách giấy hơn là sách điện tử.

Thực ra, có lẽ nhiều người dễ dàng đọc và cảm thụ một tác phẩm được in bằng giấy, được đóng cuốn hẳn hòi, chứ không phải những con chữ vừa thật vừa ảo, có thể phóng to thu nhỏ, nhưng không tìm thấy chút thơm nào của mực, chút nồng nàn nào của giấy… Dù rằng, những người “cũ” như vậy cũng đang “mới” dần. Chẳng hạn, trước đây, nhiều người chỉ xem báo in, rất ít khi xem báo điện tử. Ngày cuối tuần, với một số người, vội gì thì cũng phải ra sạp mua một vài tờ báo về đọc, rảnh rang một chút thì ra quán vừa nhâm nhi cà-phê vừa đọc các loại báo của quán. Nhưng hiện giờ ít người còn mua báo nữa, mà sạp báo cũng dần thưa vắng, toàn đọc trên máy tính hoặc trên điện thoại, máy tính bảng.

Với sự chuyển biến như vậy, đến một lúc nào đó mọi người cũng sẽ làm quen và thích thú với sách điện tử. Trên thực tế, e-book có những tiện ích của nó mà sách truyền thống không có. Chẳng hạn, ta không phải mang kè kè theo cuốn sách, nhất là với những cuốn dày và nặng, mà chỉ cần có cái điện thoại thông minh hoặc cái máy tính bảng. Có khi, ta vừa đọc tác phẩm này vừa đối chiếu với tác phẩm khác một cách nhanh chóng mà không cần phải lục tung tủ sách lên để tìm cuốn sách cần tra và chúi mũi vào đọc để nhặt ra chi tiết cần so sánh. Ta có thể tải sẵn về trong máy hoặc dùng wifi, 3G để đọc trực tuyến và thế là ta có thể đọc mọi lúc, mọi nơi, kể cả ở nơi không có ánh sáng hoặc có thể tranh thủ đọc trong những khoảng thời gian rất ngắn. Ta có thể vừa đọc sách vừa nghe nhạc cũng chỉ qua một thiết bị duy nhất… Ngoài ra, đọc e-book còn giúp ta có thể dễ dàng tra cứu thông tin, chi tiết nào trong sách, điều mà với sách giấy ta thường khó thực hiện hoặc phải mất công nhiều hơn, bằng việc đánh dấu hoặc ghi ra những cái note kẹp vào trang sách…

Dẫu thế nào thì từ “cảo thơm lần giở” mà chuyển sang “quẹt từng trang sách” thì ai đó vẫn thấy xốn xang sao đó! Từ một việc rất ư là tao nhã có thể chuyển thành một hành vi không được đẹp đẽ cho lắm. Nhưng biết đâu, với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, đến một lúc người đọc sách sẽ không còn phải quẹt tay vào màn hình nữa mà có thể dùng lời nói để chuyển trang, hoặc máy tự động mở trang mới dựa vào tốc độ đọc hoặc vị trí tầm nhìn ở trang sách… Như vậy, có thể sẽ còn nhiều tiện lợi nữa, nhưng hình như cũng làm người ta lười hơn, thụ động hơn, mà ngại nhất là có người lười hơn, thụ động hơn với chính việc đọc sách!

Cho nên đọc sách trước giờ là “Cảo thơm trước đèn, tôi lần giở” thì mai mốt sẽ là “E-book màn hình, quẹt từng trang”!

Nguyễn Minh Hải