Quy định của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử
* Bộ Chính trị sẽ giới thiệu nhân sự để Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, bầu Tổng Bí thư
Quy định này áp dụng đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Quy định nhằm tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng; bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, tổng thể, liên thông trong công tác cán bộ của hệ thống chính trị; đánh giá cán bộ khách quan, công tâm; lựa chọn và bố trí đúng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Theo Quy định số 80-QĐ/TW, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thực hiện định hướng và quyết định những chủ trương, vấn đề hệ trọng về công tác cán bộ và cán bộ theo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trực tiếp quyết định một số nội dung trong công tác cán bộ; phân công, phân cấp cho các cấp ủy, tổ chức đảng quyết định một số nội dung đối với các chức danh lãnh đạo thuộc diện Trung ương quản lý và các chức danh cán bộ khác; ủy quyền cho Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư quyết định một số khâu, nội dung trong công tác cán bộ.
Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ công tác, sinh hoạt đảng ở địa phương, cơ quan, đơn vị, trong đó có cán bộ thuộc diện cấp trên quản lý và chịu trách nhiệm trước cấp có thẩm quyền về phạm vi được phân cấp, ủy quyền trong quản lý cán bộ.
Trường hợp một người đồng thời đảm nhiệm nhiều chức vụ thuộc thẩm quyền quản lý của các cấp khác nhau thì cấp quản lý chức vụ cao nhất xem xét, quyết định.
Về trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Chính trị, Quy định nêu rõ, Bộ Chính trị quyết định chủ trương, chính sách về công tác cán bộ và cán bộ theo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng những vấn đề lớn về công tác cán bộ, chiến lược cán bộ; chuẩn bị và giới thiệu nhân sự để Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, bầu Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương), Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội; xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng trước khi giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu, phê chuẩn đối với các chức danh: Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước, các thành viên Chính phủ. Cùng với đó, kỷ luật cán bộ và những vấn đề khác về công tác cán bộ thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Bộ Chính trị quyết định phân công công tác đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (cả chính thức và dự khuyết). Phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Chỉ định Bí thư, Phó Bí thư và Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương. Khi cần thiết chỉ định bí thư, giao quyền bí thư hoặc giao phụ trách đảng bộ trực thuộc Trung ương.
Đồng thời Bộ Chính trị quyết định phân công, phân cấp quản lý cán bộ đối với các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương; ủy quyền cho Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư trong phạm vi, lĩnh vực phụ trách xem xét quyết định phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ diện Bộ Chính trị quản lý giữ các chức danh, chức vụ có cơ cấu kiêm nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghị sĩ hữu nghị của Việt Nam với các nước, các ban chỉ đạo theo quy định…
Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký; và thay thế Quy định số 105-QĐ/TW, ngày 19-12-2017 của Bộ Chính trị.
TTXVN