Quy mô kinh tế Đà Nẵng mở rộng hơn 7 ngàn tỷ đồng

Thứ ba, 03/10/2023 08:31
Ngày 2-10, đại diện Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, quy mô kinh tế Đà Nẵng 9 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 97,5 ngàn tỷ đồng, mở rộng hơn 7 ngàn tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực dịch vụ mở rộng nhiều nhất với hơn 6,4 ngàn tỷ đồng, trở thành khu vực chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế Đà Nẵng, xấp xỉ 70%.
Dịch vụ trở thành khu vực chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế Đà Nẵng, xấp xỉ 70%. Trong ảnh: Một góc phố thời trang Lê Duẩn, TP Đà Nẵng.
Dịch vụ trở thành khu vực chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế Đà Nẵng, xấp xỉ 70%. Trong ảnh: Một góc phố thời trang Lê Duẩn, TP Đà Nẵng.

Theo Cục Thống kê, GRDP thành phố 9 tháng qua tăng 2,83%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 12,8% cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 2,2 tỷ USD, giảm 16%; hơn 3,1 ngàn doanh nghiệp thành lập với tổng vốn hơn 13,1 ngàn tỷ đồng, giảm hơn 10% về số doanh nghiệp và giảm 25% về vốn đăng ký… Ngoại trừ sự tăng trưởng ổn định của lĩnh vực du lịch, phần lớn các ngành kinh tế có xu hướng giảm so với cùng kỳ cho thấy kinh tế Đà Nẵng vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Cũng theo báo cáo của Cục Thống kê Đà Nẵng, chỉ số gá tiêu dùng (CPI) của TP Đà Nẵng trong tháng 9 tăng 0,60% so với tháng trước, tăng 3,92% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,11% so với tháng 12-2022. CPI bình quân quý 3-2023 tăng 3,75% so với quý 3-2022; bình quân 9 tháng năm 2023 tăng 5,74% so với bình quân cùng kỳ năm 2022 và cao nhất trong giai đoạn 2019-2023. Trong mức tăng 0,60% của Chỉ số giá tiêu dùng so với tháng trước có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng; 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Các nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với tháng trước, bao gồm giáo dục (tăng 5,16%); giao thông (tăng 0,68%); nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (tăng 0,44%); bưu chính viễn thông (tăng 0,37%); hàng hóa và dịch vụ khác (tăng 0,34%); hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 0,27%); văn hóa, giải trí và du lịch (tăng 0,20%); thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 0,14%).

CPI nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng giá so với tháng trước do đầu năm học mới 2023-2024, nhiều trường học ở tất cả các cấp học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đều áp dụng giá học phí mới (riêng các trường phổ thông công lập từ Mầm non đến lớp 12 được miễn giảm học phí), nên giá học phí ở tháng này tăng so với tháng trước.

Giá bán lẻ gas tháng 9 tăng 8,29% so với tháng trước do chính sách điều chỉnh giá gas, tăng 33.000 đồng/bình 12kg (lên 428.000 đồng/bình), giá gas tăng theo sự điều tiết của giá gas trong nước. Trong tháng 9, giá xăng dầu được điều chỉnh 3 đợt (ngày 5-9, 11-9, 21-9) làm cho chỉ số giá dầu hỏa tăng 8,12%, nhiên liệu tăng 3,38% (xăng tăng 3,55%; dầu diesel tăng 5,96%) theo sự điều chỉnh của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Giá gạo tăng 4,29% do thị trường xuất khẩu gạo mở rộng làm cho chỉ số giá lương thực tăng 3,47%.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng của người dân tăng làm cho giá điện sinh hoạt tăng 0,79%. Giá các dịch vụ liên quan đến điện sinh hoạt và nước sinh hoạt lần lượt tăng 0,43% và 0,28% do chi phí nhân công tăng giá theo giá thị trường. Giá dịch vụ khác đối với phương tiện vận tải cá nhân tăng 1,67%, tăng do học phí học bằng lái xe tăng giá ở tháng này.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước là thuốc và dịch vụ y tế (giảm 0,05%); đồ uống và thuốc lá (giảm 0,09%); nhóm may mặc, mũ nón, giày dép (giảm 0,53%). Các nhóm hàng trên giảm là do nhu cầu sử dụng dịch vụ giao thông công cộng của người dân ở tháng này thấp hơn so với tháng trước nên giá thành các loại dịch vụ này giảm.

HẢI QUỲNH