Quyết liệt đấu tranh với tội phạm mua bán người

Thứ ba, 03/10/2023 07:50
Thời gian gần đây, hoạt động đưa người Việt Nam nhập cảnh, lao động bất hợp pháp ở nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo đó, các đối tượng tội phạm trong nước câu kết với người Việt Nam tại nước ngoài và công dân các nước khác sử dụng mạng xã hội để tuyển lao động với chiêu thức "việc nhẹ, lương cao". Sau đó, các đối tượng đưa nạn nhân ra nước ngoài nhằm mua bán, bóc lột sức lao động hoặc ép hoạt động lừa đảo trên không gian mạng.
Cơ quan điều tra đấu tranh lấy lời khai với đối tượng phạm tội.
Nạn nhân trở về trong vòng tay người thân.

Gặp họa vì "việc nhẹ, lương cao"

Theo thống kê, từ tháng 11- 2021 đến tháng 6- 2023, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố 9 vụ, 20 bị can về các tội danh liên quan đến hoạt động mua bán người và đã truy tố, xét xử 7 vụ, 15 bị cáo. Qua các vụ án cho thấy, chiêu bài của những đối tượng phạm tội này phần lớn lợi dụng các trang mạng xã hội để đăng tải bài viết tìm người sang Campuchia làm việc với nội dung: "Công việc nhẹ nhàng, chăm sóc khách hàng, hoặc làm SEO (tư vấn) trên máy tính, lương ổn định, mỗi tháng từ 25 triệu đến 50 triệu đồng. Mọi chi phí xuất cảnh sang Campuchia do Công ty chi trả, không cần giấy tờ, chỉ cần chứng minh nhân dân".

Với phương thức này, đối tượng lừa dối để tuyển những người mong muốn có việc làm ổn định, thu nhập cao, sau đó bố trí xuất cảnh trái phép (vượt biên) sang Campuchia, chuyển giao nạn nhân cho ông chủ người Trung Quốc. Các đối tượng này hoạt động theo một đường dây khép kín với nhiều công đoạn, như: Dụ dỗ, tuyển mộ; tổ chức vận chuyển từ nội địa qua biên giới; chuyển giao nạn nhân cho ông chủ là người Trung Quốc để thu lợi bất chính. Nạn nhân chủ yếu là nam giới, trong độ tuổi lao động, khi đến Campuchia bị cưỡng bức làm việc trong các công ty hoạt động game bài cá cược qua mạng do người Trung Quốc quản lý. Quá trình làm việc, đi lại bị quản lý, giám sát chặt, mỗi ngày làm việc từ 12- 15 giờ. Nếu chống đối hoặc bỏ trốn sẽ bị bắt giữ, đánh đập. Muốn về Việt Nam phải nộp tiền chuộc từ 3.500 USD đến 5.000 USD mới được tự do.

Điển hình, đầu năm 2023 Công an tỉnh Hà Tĩnh tiếp nhận đơn trình báo của 2 gia đình bị hại T.V.H. (2004) và B.Q.H. (2004, cùng trú xã Thạch Lạc, H. Thạch Hà) về việc T.V.H và B.Q.H bị một người không rõ lai lịch rủ rê, lôi kéo sang Campuchia làm việc. Sau khi xuất cảnh, T.V.H và B.Q.H được đưa tới một sòng bạc gần cửa khẩu giáp biên giới giữa Campuchia và Thái Lan. Tại đây, cả hai bị cưỡng bức lao động, bị đánh đập. Chịu không thấu sự cưỡng bức này, T.V.H và B.Q.H đã gọi điện về nhà cầu cứu gia đình đóng tiền chuộc 100 triệu đồng/ người mới được thả về. Vì quá lo lắng cho tính mạng của người thân nên 2 gia đình đã thực hiện theo yêu cầu để chuộc người thân về.

Cũng với phương thức này, từ cuối năm 2022 đến tháng 2-2023, đối tượng sử dụng facebook có tên "HR Nam Nguyen" đăng tin quảng cáo tuyển nhân viên để dụ dỗ, lừa gạt 9 người Việt Nam cư trú tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có anh N.K.H (2005, trú xã Tân Mỹ Hà, H. Hương Sơn). Đối tượng đã mua vé máy bay gửi cho anh H. để đi vào TP Hồ Chí Minh, sau đó xuất cảnh sang Campuchia. Công an huyện Hương Sơn đã nắm được thông tin trên và phối hợp với Phòng CSHS- Công an tỉnh Hà Tĩnh xác minh, ngăn chặn kịp thời.

Cơ quan điều tra đấu tranh lấy lời khai với đối tượng phạm tội.

Đấu tranh và phòng ngừa

Trước thực trạng diễn biến phức tạp của tội phạm mua bán người, lãnh đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phát huy vai trò nòng cốt, tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa nghiệp vụ với công tác đấu tranh, tấn công trấn áp quyết liệt tội phạm mua bán người, qua đó góp phần bảo đảm tốt ANTT trên địa bàn.

Đặc biệt, Công an tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng. Đồng thời phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người; thông báo rộng rãi phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm để nâng cao nhận thức cho nhân dân, vận động nhân dân vừa chủ động phòng ngừa, vừa tích cực tham gia tố giác tội phạm.

Bên cạnh đó, quyết liệt triển khai đồng bộ các phương án, kế hoạch nghiệp vụ để chủ động phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh ngăn chặn hiệu quả với tội phạm mua bán người. Thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.

Các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố tăng cường lực lượng, nắm chắc tình hình, địa bàn, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ANTT; chủ động nghiên cứu, khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, nhất là trong công tác quản lý, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT. Rà soát, xác định tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm, các đường dây, băng nhóm có biểu hiện hoạt động phạm tội mua bán người, nhất là các đối tượng có tiền án, tiền sự về loại tội phạm trên để phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

XUÂN SƠN