Rishi Sunak - Thủ tướng da màu đầu tiên của Anh

Thứ tư, 26/10/2022 13:56
Ngày 24-10, Ủy ban 1922 đã xác nhận, cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ nước này, đồng nghĩa với việc ông Sunak sẽ trở thành Thủ tướng Anh. Ông Rishi Sunak, 42 tuổi, sẽ trở thành vị thủ tướng thứ 3 của Anh chỉ trong chưa đầy 2 tháng và là thủ tướng da màu đầu tiên đồng thời là thủ tướng trẻ nhất Xứ sương mù trong hơn 200 năm qua.
Tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak. Ảnh: AFP
Tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak. Ảnh: AFP

Chủ tịch Ủy ban 1922 Graham Brady cho biết ông Sunak là ứng cử viên duy nhất đạt đủ số phiếu ủng hộ tranh cử lãnh đạo. Ông Sunak đã đánh bại chính trị gia theo chủ nghĩa trung dung Penny Mordaunt, người không nhận được đủ sự ủng hộ từ các nghị sĩ để bước vào vòng bỏ phiếu trong khi đối thủ của ông, cựu Thủ tướng Boris Johnson, đã rút khỏi cuộc đua và nói rằng ông không thể đoàn kết đảng Bảo thủ.

Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết ông Rishi Sunak sẽ trở thành Tân Thủ tướng Anh vào ngày 26-10, sau khi diện kiến Vua Charles III vào sáng cùng ngày, sau đó ông Rishi Sunak sẽ có bài phát biểu tại tại số 10 phố Downing.

Thủ tướng trẻ nhất của Anh

Thông tin từ truyền thông Anh cho thấy ông Sunak sẽ phá hàng loạt kỷ lục trong lịch sử chính trị nước Anh hiện đại.

Tờ Evening Standard cho biết ông Sunak sẽ là vị thủ tướng Anh trẻ nhất lịch sử hiện đại, tính trong 200 năm trở lại đây. Cụ thể ở độ tuổi 42, ông Sunak trẻ hơn người nắm giữ kỷ lục cũ là cựu thủ tướng David Cameron. Khi vào vị trí lãnh đạo năm 2010, ông Cameron 43 tuổi. Một chính trị gia nổi tiếng khác là cựu thủ tướng Tony Blair cũng 43 tuổi khi nhậm chức vào năm 1997, lớn hơn ông Cameron vài tháng.

Ông Sunak là Thủ tướng gốc Ấn đầu tiên và cũng là Thủ tướng da màu đầu tiên của nước Anh. Ông là con trai của một gia đình nhập cư gốc Ấn Độ. Gia đình ông Sunak di cư tới Anh vào những năm 1960. Sau khi tốt nghiệp Đại học Oxford, ông theo học Đại học Stanford và tại đây, ông đã gặp vợ của mình là bà Akshata Murthy, con gái tỷ phú Ấn Độ Narayana Murthy, người sáng lập tập đoàn Infosys. Hai người kết hôn năm 2009, và khối tài sản của ông Sunak cùng phu nhân ước tính vào khoảng 830 triệu USD, gần gấp đôi tài sản của cố Nữ hoàng Elizabeth II (420 triệu USD). Đây có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử nước Anh gia đình thủ tướng giàu có hơn cả gia đình hoàng gia. Phần lớn số tiền này đến từ lượng cổ phần mà bà Murthy nắm giữ tại Infosys - công ty phần mềm này hiện có thị giá vào khoảng 77 tỷ USD.

Ứng viên hợp lý

Trong bối cảnh giá năng lượng và lạm phát tăng cao, những người ủng hộ ông Sunak cho rằng không phải khối tài sản, mà kinh nghiệm của ông Sunak trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng, sẽ khiến ông đảm đương tốt nhiệm vụ hiện tại.

Trước khi trở thành nghị sĩ cách đây 7 năm, ông Sunak từng làm việc cho ngân hàng đầu tư Goldman Sachs và sau đó là một quỹ đầu tư. Trước khi trở thành Thủ tướng, ông cũng là Bộ trưởng Tài chính trong nội các của ông Boris Johnson, phụ trách việc ổn định kinh tế trong thời kỳ đại dịch.

Trong các cuộc thăm dò, ông Sunak luôn nhận được nhiều sự ủng hộ hơn so với bất cứ ứng viên nào, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc đua cho chiếc ghế thủ tướng Anh diễn ra khi nền kinh tế gặp nhiều sóng gió. Cách đây 2 tháng, mặc dù thất bại trong cuộc cạnh tranh với bà Truss cho vị trí lãnh đạo đảng, ông Sunak đã nói rằng những kế hoạch của bà Truss giống như "chuyện cổ tích", dựa trên "kinh tế học tưởng tượng". Giờ đây, những tuyên bố đó đã được chứng minh là có cơ sở, khi kế hoạch ngân sách mi-ni của bà Truss khiến thị trường hoảng loạn trên diện rộng, khiến bà phải từ chức chỉ sau 44 ngày nắm quyền.

Sau thất bại của bà Truss, ông Sunak dường như đã chiếm được sự ủng hộ của toàn bộ đảng Bảo thủ. Ông Jeremy Hunt, Bộ trưởng Tài chính hiện tại được bà Truss bổ nhiệm, cũng lên tiếng ủng hộ. Trong bài đăng trên tờ Daily Telegraph, ông Hunt cho rằng người dân Anh đang rất cần một nhà lãnh đạo có khả năng chèo lái đất nước vượt qua khủng hoảng, và theo ông người đó chính là Rishi Sunak. "Ông ấy có tài năng, sự chính trực và sự khiêm tốn cần thiết để mang lại cho chúng tôi một khởi đầu mới và một bàn tay vững chắc" - nghị sĩ đảng Bảo thủ Gavin Williamson viết trên mạng xã hội Twitter, trong khi những người khác ca ngợi "năng lực" và "tầm nhìn xa về kinh tế" của ông Sunak.

Ổn định kinh tế là ưu tiên hàng đầu

Trên cương vị mới, ông Sunak sẽ có trọng trách đem lại sự ổn định cho đất nước sau quãng thời gian bất ổn chính trị và khủng hoảng kinh tế. Hôm 24-10, ông Sunak khẳng định ưu tiên hàng đầu của ông là đảm bảo ổn định kinh tế, tiếp đó là thực hiện các cam kết của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử năm 2019. Ông Sunak được cho là sẽ thực hiện kế hoạch kinh tế mà ông đã vạch ra trong nỗ lực tranh cử trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ hồi đầu năm nay. "Ông Sunak sẽ phải thực hiện nhiều chính sách vì kế hoạch kinh tế bà Truss không được lòng các nhóm khác nhau về mặt chính trị vì nhiều lý do", Vicky Pryce, cựu lãnh đạo Cơ quan Kinh tế Chính phủ Vương quốc Anh cho biết. Theo bà Pryce, điều đó có thể có nghĩa là thắt lưng buộc bụng để cân bằng ngân sách, đánh thuế thu nhập đối với các công ty năng lượng và đảo ngược một số ý tưởng của bà Truss đối với các chủ ngân hàng.

Ông Sunak phải kế thừa một chính đảng bị chia rẽ trong vài năm qua. Đảng Bảo thủ của năm 2022 được xác định bởi chủ nghĩa bè phái, khiến đảng này trở nên khó kiểm soát đối với cả hai người tiền nhiệm là ông Johnson và bà Truss. Một số người cho rằng ông Sunak quá mềm mỏng với Brexit. Thách thức lớn nhất mà ông Sunak có thể đối mặt là cánh dân túy ủng hộ Brexit vốn trung thành với ông Johnson.

Về lý thuyết, vẫn còn ít nhất hai năm cho đến khi cuộc tổng tuyển cử tiếp theo sẽ được tổ chức tại Anh. Chừng đó thời gian là đủ để ông Sunak ổn định "con tàu" và khôi phục tín nhiệm của đảng Bảo thủ. Dù vậy, tân thủ tướng có thể sẽ phải dành nhiều thời gian hơn để giải quyết các vấn đề chính trị nội bộ đảng Bảo thủ, bên cạnh việc giải quyết những vấn đề lớn mà nước Anh đang phải đối mặt.

AN BÌNH

Bà Liz Truss chính thức từ chức Thủ tướng Anh

Chiều 25-10 (theo giờ Việt Nam), tại số 10 phố Downing, bà Liz Truss đã có bài phát biểu cuối cùng trên cương vị Thủ tướng Anh sau khi ông Rishi Sunak được bầu làm lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền.

Trong bài phát biểu của mình, bà Truss bày tỏ niềm vinh dự khi được đảm nhận cương vị Thủ tướng nước Anh. Bà nhấn mạnh những kết quả quan trọng trong nhiệm kỳ thủ tướng ngắn ngủi của mình. Bà Truss tin tưởng nước Anh sẽ tiếp tục nỗ lực vượt qua sóng gió và những ngày tươi sáng hơn đón chờ người dân Anh ở phía trước. Bà Truss cũng chúc người kế nhiệm mình, ông Rishi Sunak, thành công trong điều hành đất nước.

Theo kế hoạch, sau khi có bài phát biểu cuối cùng, bà Truss sẽ chính thức từ chức trong buổi diện kiến Vua Charles III tại Cung điện Buckingham.