Rừng ươi thượng nguồn Khe Diên bị hạ sát

Thứ năm, 15/07/2021 08:51

Nhận thấy được tầm quan trọng của cây ươi, thời gian qua UBND tỉnh Quảng Nam và các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương cũng như người dân tăng cường công tác quản lý, bảo vệ. Thế nhưng tại một số nơi, tình trạng đốn hạ cây ươi để lấy quả vẫn tái diễn. Việc làm trên không những vi phạm pháp luật mà còn bị chính những người dân bức xúc, lên án.

Những gốc ươi bị đốn hạ ở khu vực thượng nguồn hồ thủy điện Khe Diên. 

Nhận được thông tin của người dân phản ánh, ngày 14-7, theo chân người dẫn đường, chúng tôi vào khu vực thượng nguồn hồ thủy điện Khe Diên (thuộc địa phận xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn, Quảng Nam). Trên đường đi, chúng tôi nhìn thấy từng tốp người đi hái ươi tới tấp ra vào. “Cách đây khoảng 1 tháng thì khu rừng này phủ màu đỏ của cây ươi. Thế nhưng chỉ vài ngày sau, ươi bị triệt hạ sạch. Người thì trèo lên mé nhánh, kẻ thì đốn hạ luôn cả cây. Họ dựng cả lán trong rừng để ở, phơi sấy ươi cho khô mới đem ra... Giờ tìm mỏi mắt cũng không còn thấy cây ươi nào”, anh T. người dẫn đường chia sẻ.

Sau gần một giờ men theo triền hồ Khe Diên, chúng tôi vào đến khu vực khe Rau Răm. Xung quanh khu vực này có hàng chục cây ươi bị triệt hạ không thương tiếc. Nhiều cây ngã xuống nằm vắt ngang suối, có những cây nằm lưng chừng sườn đồi… Ngược lên phía đồi cao, chúng tôi tiếp cận gốc của một cây ươi có chu vi 2 người ôm. Nhìn cây ươi khoảng 50 năm tuổi, dài hơn 30 mét bị đốn ngang gốc, nhựa vẫn còn tứa ra khiến chúng tôi không khỏi xót xa.

Nhìn chúng tôi thẫn thờ bên gốc cây ươi, anh T. cho biết thêm, đối với những người chuyên đi nhặt quả ươi bay thì họ thường mang theo chiếc ná. Bởi ươi có đặc điểm cây rất cao (20 mét trở lên), không có nhánh ở thân mà chỉ có nhánh ở phần ngọn. Khi phát hiện và để biết quả ươi già chưa thì họ dùng ná bắn lên ngọn cây. Khi quả ươi rớt xuống, nếu già thì họ trèo lên rung cho bay xuống đất, còn non thì để lại. “Thế nhưng có nhiều người, họ nhìn thấy đài ươi chuyển sang màu đỏ cứ nghĩ ươi đã già nên đốn hạ luôn cả cây để dễ thu hoạch quả. Hôm trước nhóm chúng tôi vào nhặt ươi, thấy họ cưa hạ quá thấy mà xót. Nhiều cây buổi sáng chúng tôi bắn ná thấy còn non, thế nhưng buổi chiều đã bị họ đốn ngã ầm xuống đất. Lát sau họ xuống tôi hỏi: Cây mới đốn đó anh thu được mấy ký? Người đó trả lời: Ươi non quá bỏ chứ lấy làm gì…”, anh T. kể lại.

Thân cây ươi dài từ 20 đến 30 mét bị người dân đốn ngã không thương tiếc.

Cũng theo anh T. do thấy nhiều người dân đốn hạ cây để thu hoạch quả, họ dùng rìu để đốn chứ không dùng máy cưa (vì sợ bị lực lượng chức năng phát hiện), tiềm ẩn nguy hiểm nên nhóm anh ra khỏi rừng ngay trong ngày. “Mình lội trong núi để đi lượm trái, còn họ lén lén đốn cây như rứa. Cây bất ngờ ngã xuống biết đường mô mà chạy. Thôi thì về nhà tìm việc khác làm trất. Nhưng thu hoạch ươi kiểu tàn phá như họ, sau này con cháu làm chi biết đến quả ươi được nữa…”, anh T. ngậm ngùi.

Trên đường tiếp cận hiện trường, chúng tôi gặp từng tốp người đi ra. Hỏi chuyện họ cho biết, nay ươi ở đây đã hết rồi. “Ở đây họ đốn còn ít đó, vào bên trong khu vực Đá Cục, Khe Rong… thấy họ đốn ngã rất nhiều, nhưng để vào đến đó thì phải đi bộ hơn 3 tiếng nữa. Trong khi ở các nơi như Trà My, Phước Sơn, Nam Giang thời điểm này đang giữa mùa ươi, nhưng nơi đây chừ ươi đã hết sạch. Già non chi họ cũng đốn hạ kiểu đó thì ươi đâu còn”- một người đàn ông bày tỏ. Qua quan sát, dọc khe Rau Răm khoảng vài trăm mét nhưng có đến hàng chục cây ươi bị đốn hạ.

Được biết, khu vực rừng ươi này thuộc Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam quản lý, bảo vệ. Như vậy rừng ở đây có chủ, nhưng tại sao người dân vẫn có thể vào tàn phá cây ươi như thế? Lỗi do chủ rừng hay do ý thức của người dân? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả trong số báo tiếp theo.   

TRẦN TÂN