"Sa tặc" lại hoành hành

Thứ tư, 02/01/2019 14:04

Khi mùa mưa dần qua cũng là lúc công việc xây dựng sắp vào vụ mới. "Đi tắt, đón đầu" thị trường, nhiều đối tượng tổ chức khai thác cát trái phép bán cho các đầu nậu tích trữ. Theo ghi nhận của chúng tôi, thủ đoạn dùng để khai thác trộm cát rất đa dạng...  

"Ba tại chỗ"

Theo người dân địa phương, hiện "sa tặc" hoạt động theo phương châm "ba tại chỗ", gồm: bến cát, ghe hút cát neo đậu và địa điểm hút cát trộm cùng một chỗ. Theo tìm hiểu, chủ bến cát nào tại Quảng Nam cũng có từ 3 đến 10 thuyền chuyên chở và hút cát. Công việc ban ngày là vận chuyển cát mua từ các mỏ có giấy phép kèm theo hóa đơn hẳn hoi và ban đêm là... hút trộm.  Ông N.C.K, trú thôn Nhị Dinh 3, xã Điện Phước (thị xã Điện Bàn) bức xúc: Nhiều năm nay, doanh nghiệp của vợ chồng ông Trì lợi dụng giấy phép tập kết cát của UBND tỉnh Quảng Nam để hút trộm cát trên sông Thu Bồn vào ban đêm. Việc này đã khiến dòng chảy bị thay đổi, ăn sâu vào bờ khiến hàng chục hộ dân bị mất hàng héc-ta đất. Người dân đã rất nhiều lần kiến nghị lên chính quyền các cấp nhưng đều không có kết quả.

Với bến cát được cấp phép, ông Trì đã mua sắm 5 chiếc thuyền có sức chứa từ 30m3 đến 50m3/thuyền. Những chiếc thuyền này được neo đậu ngay tại bến, chờ đêm xuống, ra bãi bồi ven sông Thu Bồn cách bến cát vài trăm mét hút cát. Mỗi đêm, 1 thuyền xoay vần 4 đến 5 chuyến. Sáng ra, cát được bán cho người có nhu cầu, số còn lại được vận chuyển về tập kết tại những bãi cát được lập trái phép tại xã Điện Thắng Trung. Theo ví von của nhiều người, bến cát của ông Trì giống như "nồi cơm Thạch Sanh", chiều tối thì vơi, sáng hôm sau lại... đầy. Tình trạng hút cát trộm này đã gây sạt lở nghiêm trọng bờ bãi ven sông. Ông N.V.L (1947), trú Điện Phước (Điện Bàn) cho biết: Trước đây, đất biền của người dân ở tít giữa lòng sông nhưng từ khi bến cát của ông Trì hoạt động đã khiến đất ngày càng mất dần, đất lở sâu vào trong cả trăm mét. Trung bình, mỗi hộ dân ở đây bị mất từ 1.000m2 đến 2.000m2.

Không riêng gì Điện Phước, tại nhiều địa phương ở thị xã Điện Bàn có nhiều bãi cát không giấy phép hoạt động. Cụ thể, tại thôn Thái Sơn 1, xã Điện Tiến (Điện Bàn) có 1 bến cát được lập trái phép. Chủ bãi lợi dụng khu vực giáp ranh với xã Đại Hiệp (H. Đại Lộc) nên thường xuyên đưa ghe ra sông Yên khai thác cát trộm... Không thể để "sa tặc" hoành hành, đêm 26-12-2018, xã Đại Hiệp đã tổ chức tổ tuần tra và bắt quả tang đối tượng đang hút khai thác cát trái phép trên sông Yên. Một lý do khác để "sa tặc" tiếp tục hoạt động trên các sông tại Quảng Nam là những bến cát dù hoạt động theo giấy phép song thường xuyên thu mua cát khai thác trái phép vì nguồn cát lậu được bán với giá từ 60.000 đồng đến 70.000 đồng/m3, rẻ gần một nửa so với giá cát bán tại mỏ, có xuất hóa đơn. Trước tình hình đó, ngày 18-12-2018, lực lượng Cảnh sát đường thủy CA tỉnh Quảng Nam đã tổ chức mật phục, bắt quả tang 5 thuyền do các đối tượng Tăng Văn Quang, Ngô Văn Búp, Tăng Khôi, Phan Văn Thành, Ngô Ngọc Vinh điều khiển đang thực hiện hành vi hút cát trái phép tại trên sông Thu Bồn, đoạn qua địa phận thị trấn Nam Phước và xã Duy Hải (H. Duy Xuyên).

       Bến cát không phép tại xã Điện Tiến và bãi tập kết không phép tại xã Điện Thắng Trung.

Giải pháp nào ngăn chặn "sa tặc"?

Trước tình hình "sa tặc" vẫn lộng hành, ngày 15-6-2018 UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công văn số 3219 yêu cầu: "Chỉ hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi, sạn vào ban ngày, cụ thể như sau: Từ 6 giờ 00 đến 18 giờ hàng ngày đối với tháng 1 đến hết tháng 9 dương lịch hàng năm. Và từ 6 giờ đến 17 giờ đối với tháng 10 đến hết tháng 12 dương lịch hàng năm. Nếu vi phạm sẽ bị đình chỉ khai thác". Mới nhất, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Công văn 7596/UBND- KTN về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về cát, sỏi lòng sông trên sông Vu Gia và Thu Bồn; Công văn 7575/UBND- KTN về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019...

Quy định rõ ràng như vậy song vì lợi nhuận, các đối tượng tham gia hút cát trộm vẫn ngang nhiên hoạt động. Ông Hồ Ngọc Mẫn- Phó Chủ tịch UBND H. Đại Lộc cho rằng, để ngăn chặn "sa tặc" trên sông Thu Bồn, Vu Gia... đoạn chảy qua địa bàn, H. Đại Lộc đã yêu cầu các bến cát lắp đặt hệ thống camera giám sát, thành lập tổ kiểm tra liên ngành, liên tục tuần tra, kiểm soát trên các tuyến sông và các bến tập kết cát. Qua thời gian hơn 1 tháng hoạt động, đã phát hiện, xử lý hơn 10 vụ vi phạm trên lĩnh vực khai thác, vận chuyển khoáng sản. Còn tại TX Điện Bàn, ông Trần Úc- Chủ tịch UBND thị xã trao đổi: Thị xã Điện Bàn bắt buộc các chủ bến bãi cam kết không thu mua cát lậu. Đồng thời, tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc mua bán, đảm bảo khi giao dịch các doanh nghiệp phải xuất hóa đơn nhằm kiểm tra nguồn gốc hàng hóa... Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra trên các tuyến sông để phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm...           

Theo chúng tôi, chế tài xử lý đối tượng khai thác, mua bán cát lậu đã được ban hành khá đầy đủ, chỉ chờ các cơ quan chức năng vào cuộc. Hy vọng, các cấp chính quyền tỉnh Quảng Nam sẽ có những biện pháp thiết thực nhằm giải quyết triệt để tình trạng khai thác cát trái phép hiện nay.

M.T