Sẵn sàng cho đại tiệc pháo hoa độc đáo, lộng lẫy sắc màu

Thứ sáu, 26/03/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Ngày 27-3, Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2010 (DIFC 2010) với chủ đề “Huyền thoại sông Hàn” sẽ chính thức khai màn. Tất cả công tác chuẩn bị đến thời điểm này đều đã vào guồng và cơ bản hoàn tất, sẵn sàng cho chương trình trình diễn pháo hoa nghệ thuật hoành tráng, độc đáo, lộng lẫy sắc màu. Trước thềm giờ khai cuộc, đồng chí Võ Duy Khương - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng đã dành riêng cho P.V Báo Công an TP Đà Nẵng cuộc phỏng vấn xung quanh sự kiện độc đáo, ý nghĩa nhất trong chuỗi sự kiện lớn kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3-2010).

P.V: Thưa đồng chí, hàng vạn du khách, người dân Đà Nẵng đang háo hức chờ đón Cuộc thi bắn pháo hoa lần thứ 3 do Đà Nẵng tổ chức. Đâu là nét độc đáo, ấn tượng nhất của DIFC 2010?

Đồng chí Võ Duy Khương: Rút kinh nghiệm sau 2 lần tổ chức thành công, Đà Nẵng tiếp tục tổ chức DIFC 2010 một cách chuyên nghiệp hơn, nằm trong chuỗi sự kiện lớn kỷ niệm 35 năm giải phóng Đà Nẵng. Lần này, ngoài đơn vị chủ nhà Đà Nẵng (Việt Nam), còn có sự tham dự của 4 đội đến từ các quốc gia có nền công nghiệp pháo hoa phát triển, từng đoạt những giải thưởng quốc tế như đội Hoa Kỳ với 75 năm trình diễn pháo hoa, đội Bồ Đào Nha từng được chọn trình diễn bế mạc Euro 1996, Nhật Bản, Pháp đều là những nước có truyền thống, kinh nghiệm lâu đời về pháo hoa...

Mỗi đội đại diện cho mỗi nước có công nghệ trình diễn đặc sắc riêng và đều đã nghiên cứu kỹ văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa vùng đất Đà Nẵng nói riêng để xây dựng, dàn dựng chi tiết kết hợp màu sắc pháo hoa - âm nhạc, sát với chủ đề “Huyền thoại sông Hàn” do Ban tổ chức đưa ra. Đặc biệt, có một sự trùng hợp thú vị mang ý nghĩa quan trọng về chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội bởi có đến 3 đại diện của các nước Mỹ, Pháp, Nhật Bản đến tham dự cuộc thi để đón chào sự kiện trọng đại 35 năm Đà Nẵng được giải phóng và gần 15 năm Đà Nẵng trực thuộc T.Ư.

Vì vậy, ngoài việc cống hiến những màn pháo hoa nghệ thuật đặc sắc cho người dân và du khách thưởng lãm, DIFC 2010 còn là chiếc cầu ý nghĩa nối nhịp khát vọng hòa bình, hợp tác, hội nhập để phát triển giữa Đà Nẵng và bạn bè quốc tế. Ngoài ra, DIFC 2010 còn chứng kiến sự kiện lần đầu tiên Đà Nẵng tiến hành xây dựng hệ thống khán đài với sức chứa đến 25.000 chỗ ngồi. Theo đánh giá, đây là khán đài lắp ghép đầu tiên đạt kỷ lục lớn nhất Việt Nam.

P.V: Đến thời điểm này, công tác tổ chức, chuẩn bị cho cuộc thi đã được triển khai đến đâu?

Đồng chí Võ Duy Khương: Sau khi DIFC 2009 kết thúc, chúng tôi đã vào cuộc ngay, chạy nước rút để triển khai công tác chuẩn bị tổ chức DIFC 2010. Đầu tiên là việc thành lập Quỹ pháo hoa sớm nhằm tạo nguồn kinh phí dự trù từ các tổ chức, cá nhân, đơn vị một cách chủ động để tổ chức thi bắn pháo hoa dịp 29-3 và Tết cổ truyền. Đến nay, Quỹ pháo hoa đã vận động hơn 25,5 tỷ đồng cho cuộc thi 2010. Đây là nỗ lực lớn của thành phố nhằm chuẩn bị tốt cho cuộc thi. Đến nay, mọi công tác đảm bảo ANTT, ATGT, PCCC, y tế, vệ sinh môi trường, VSATTP,... của cơ quan, đơn vị được phân công cũng đã cơ bản hoàn tất và đang tổng duyệt để vận hành thông suốt, lãnh đạo hiệu quả.

Gần 10.000 giấy mời ở khán đài A dành cho khách mời của TP, các cơ quan T.Ư, lãnh đạo các đơn vị bạn, doanh nghiệp tài trợ, lãnh đạo chủ chốt các cấp của TP,... đã được BTC phát hành xong. Hơn 30.000 vé xem pháo hoa ở khán đài B cũng đã bán hết. Đến ngày 22-3, hệ thống khán đài cũng đã lắp ghép xong, đang tiến hành kiểm tra, đưa vào nghiệm thu để đảm bảo an toàn tuyệt đối, thoải mái cho người xem. Điểm mới đáng mừng nữa là cuộc thi năm nay thu hút đông đảo phương tiện thông tin đại chúng dành thời lượng lớn để tham gia tuyên truyền sâu rộng, nhiều góc độ, hình thức phong phú khác nhau càng khiến cuộc thi có tiếng vang xa.

TP cũng chủ động tổ chức thực hiện trang web pháo hoa với 4 ngôn ngữ Việt, Anh, Nhật và Hoa và các chuyên san pháo hoa, cẩm nang du lịch để giới thiệu, quảng bá với du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, TP đã chuẩn bị xong, đầy đủ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, khu vực bãi bắn tốt nhất cho các đội dự thi. Đến nay, các đội khách mời đã sẵn sàng nội dung, hoàn tất thủ tục đến Đà Nẵng chuẩn bị cho cuộc thi, cả 4 đội quốc tế đã đến Đà Nẵng. Riêng đội Đà Nẵng (Việt Nam) chuẩn bị hết sức chu đáo, đã được cử đi tập huấn tại Malaysia. Đây cũng là lần đầu tiên phần trình diễn của đội Đà Nẵng được dàn dựng công phu với hình ảnh, sắc màu pháo hoa gắn xuyên suốt chủ đề “Huyền thoại sông Hàn” trên nền nhạc hợp xướng hứa hẹn nét mới ấn tượng... Có thể nói, tất cả mọi khâu tổ chức, công tác chuẩn bị đều đã sẵn sàng cho đại tiệc pháo hoa hoành tráng, ấn tượng, chào mừng Ngày giải phóng TP 29-3.

Đồng chí Võ Duy Khương - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng. 

P.V: Dự kiến, sẽ có lượng lớn du khách từ các nơi cùng lúc đổ về Đà Nẵng trong dịp này. TP đã có phương án nào để đáp ứng nhu cầu, cũng như chỉ đạo công tác quản lý, tránh hiện tượng “chặt chém” đối với du khách, thưa đồng chí?

Đồng chí Võ Duy Khương: Trong suốt gần 1 tuần, ngoài hoạt động pháo hoa, Đà Nẵng sẽ diễn ra hàng loạt sự kiện lớn khác kỷ niệm 35 năm giải phóng nên chắc chắn lượng du khách đến sẽ rất lớn. Đến nay, các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn quận Sơn Trà, Hải Châu đã kín chỗ, khách đến phải đăng ký nghỉ ở những điểm xa hơn hoặc ở các nhà dân. TP đã chỉ đạo cho các sở, ngành liên quan, các quận Sơn Trà, Hải Châu, Chi cục Quản lý thị trường... tiến hành quản lý, kiểm soát nghiêm túc, không để xảy ra hiện tượng khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở dịch vụ tùy tiện tăng giá phòng, giá dịch vụ, giá giữ xe gây bức xúc cho du khách. Nơi nào vi phạm sẽ bị xử lý phạt hành chính nghiêm theo quy định, thậm chí rút giấy phép kinh doanh nếu vi phạm nặng. Đề nghị mọi tổ chức, đơn vị, người dân cùng chung tay góp sức, tạo nên hình ảnh ứng xử văn minh sẽ tạo nên sức hút, tiếng vang lớn về hình ảnh của Đà Nẵng.

P.V: Vấn đề đảm bảo ANTT, TTATGT cho cuộc thi hết sức quan trọng. Đồng chí đánh giá thế nào về công tác này của lực lượng CATP và lực lượng liên quan?

Đồng chí Võ Duy Khương: Phải nói rằng công tác triển khai kế hoạch đảm bảo ANTT, TTATGT năm nay được chuẩn bị khá quy mô, chu đáo, mọi tình huống đều được đặt ra và có phương án xử lý nhanh, hiệu quả với mục tiêu không để xảy ra bất cứ xáo trộn đáng tiếc nào. CATP giữ vai trò tổng chỉ huy, phân công cụ thể cho các lực lượng CSGT, CSBV, dân quân, dân phòng, TNXK tiến hành phân luồng, hướng dẫn GT, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cuộc thi và các hoạt động khác diễn ra cùng lúc. BĐBP cũng đảm trách nhiệm vụ túc trực bằng thuyền, ca-nô trên sông sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống khẩn cấp.

P.V: TP kỳ vọng gì vào DIFC 2010?

Đồng chí Võ Duy Khương: DIFC 2010 chắc chắn là sự kiện mang ý nghĩa chính trị - kinh tế - văn hóa đặc biệt đối với Đà Nẵng. Pháo hoa không chỉ là sản phẩm văn hóa - du lịch mới, đặc sắc, món ăn tinh thần cho người dân Đà Nẵng và du khách sau bao ngày vất vả, mệt nhọc với cuộc sống, mà còn góp phần phục vụ, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Đà Nẵng, giới thiệu về một Đà Nẵng thanh bình, môi trường đầu tư tốt, hấp dẫn cho các DN trong và ngoài nước đến làm ăn, sinh sống. Pháo hoa chính là biểu tượng sự chào đón, sự cởi mở của Đà Nẵng mong muốn ở bạn bè, du khách sự nhìn nhận về Đà Nẵng với hình ảnh TP trẻ, năng động, TP sự kiện, TP môi trường.

Đặc biệt nhất, với tiếng vang xa của thương hiệu pháo hoa Đà Nẵng và sự chuyên nghiệp trong tổ chức, TP đã chính thức quyết định sẽ tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế hằng năm chứ không phải 2 năm một lần. TP cũng tính đến khả năng xã hội hóa hoạt động thi bắn pháo hoa trong tương lai. Phải làm sao trong từ 2-3 năm nữa, Đà Nẵng có hẳn một Cty do chính doanh nghiệp Đà Nẵng chuyên phục vụ pháo hoa từ khâu sản xuất pháo đến khâu tư vấn, dàn dựng nội dung tham dự các cuộc thi pháo hoa quốc tế và trong nước. Ngoài ra cần xã hội hóa cả về kinh phí tổ chức, hoạt động truyền thông, tất cả người dân TP...

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Quang Sang
(thực hiện)