Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV:

Sẽ đề xuất xây dựng luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân

Thứ tư, 08/11/2023 06:50
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại phiên họp ngày 7-11, các đại biểu Quốc hội đề cập đến nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn.

Xử lý nghiêm hành vi làm lộ, lọt, mua bán dữ liệu cá nhân

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) cho rằng, hiện nay, tình hình thông tin cá nhân bị lộ, lọt số điện thoại, họ tên, địa chỉ, số căn cước công dân, số tài khoản cá nhân ,… đang rất phổ biến. Bên cạnh đó, người dân còn nhận các thông tin, tin nhắn lừa đảo, các đường link giả mạo, bị làm phiền vì các cuộc gọi mời chào, giới thiệu các loại dịch vụ khác nhau; Bộ trưởng đưa ra giải pháp gì giải quyết tình trạng này?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề rất quan trọng, không phải riêng nước ta mà các nước trên thế giới cũng rất quan tâm, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi số. Đây là vấn đề thực tiễn rất cấp bách đặt ra ở Việt Nam hiện nay.

Bộ trưởng đánh giá tình trạng lộ, lọt, mua bán dữ liệu cá nhân hiện nay rất nghiêm trọng. Tội phạm xâm nhập, đánh cắp dữ liệu cá nhân rất lớn. Trong năm 2023, Bộ Công an đã cảnh báo, xử lý rất nhiều vụ liên quan đến việc xâm phạm cơ sở dữ liệu. Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong vấn đề bảo vệ dữ liệu chưa cao. Người dân có thể sẵn sàng cung cấp các thông tin cá nhân cho người khác, cho các doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch dân sự.

Để khẩn trương xử lý hiệu quả lĩnh vực này, Bộ Công an chỉ đạo thực hiện một số giải pháp. Đầu tiên là phải khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý. Bộ đã tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo lộ trình của Đề án 06, kế hoạch năm 2024, Bộ sẽ đề xuất xây dựng luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân để trình Quốc hội cho ý kiến;đồng thời đề xuất bổ sung sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2015 thêm tội danh làm lộ, lọt dữ liệu cá nhân để xử lý nghiêm hành vi này. Bên cạnh đó cần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật An ninh mạng và Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Ngoài ra, tăng cường điều tra, xử lý nghiêm các hành vi làm lộ, lọt, mua bán dữ liệu cá nhân và các hành vi sai phạm khác. Bộ Công an thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, khắc phục các lỗ hổng bảo mật trong các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu, nhất là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân, không để đối tượng tấn công xâm nhập và lấy cắp dữ liệu.

Bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho biết, bà con di dân tự phát ở Tây Nguyên là người có nguồn gốc người Việt Nam, chưa xác định quốc tịch Việt Nam, đang sinh sống trên đất nước Việt Nam tại đất rừng tự nhiên hơn 20 năm. Đến nay, những người này không có giấy tờ về đất đai, không có giấy tờ tùy thân.Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Công an giải quyết căn cơ vấn đề pháp lý để dứt điểm tình trạng trên trong thời gian tới, nhằm bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở, ở các tỉnh miền núi.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin, đến nay, Bộ Công an đã xác định 100% mã số định danh cho công dân trong toàn quốc. Việc cấp giấy tờ, đặc biệt là xác định nhân hộ khẩu, cấp căn cước còn một số công việc nữa để tiếp tục cấp giấy tờ cho công dân.

Đối với các nhân khẩu đặc biệt như: con lai, người không có quốc tịch hoặc người từ trước đến giờ chưa có một loại giấy tờ gì… thì phải xác định, đánh giá, đặc biệt là đối với những công dân chưa có chỗ ở hợp pháp. Ở Tây Nguyên, số người di cư rất lớn, đất đai phức tạp, chưa xác định được nơi ở hợp pháp thì theo quy định của pháp luật chưa cấp được hộ khẩu.

Bộ trưởng nhấn mạnh, theo quy định của Hiến pháp, người dân được cư trú bất kể nơi nào ở Việt Nam nhưng phải có chỗ ở hợp pháp. Đối với những người di cư vào Tây Nguyên, các cơ quan vẫn quản lý giấy tờ của người dân nhưng chưa cấp được hộ khẩu vì chưa có đất ở hợp pháp. Bộ trưởng cho rằng, cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các cơ quan, các ngành để giải quyết vấn đề căn cơ về đất đai.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dự phiên chất vấn tại Quốc hội.

Tập trung ngăn chặn nguồn cung ma túy từ bên ngoài

Nêu tình hình về hàng loạt vụ việc liên quan đến thanh, thiếu niên sử dụng ma túy bị phát hiện thời gian gần đây, đại biểu Hà Hồng Hạnh (Khánh Hòa) lo ngại nguy cơ ma túy xâm nhập vào môi trường học đường với nhiều chiêu thức tinh vi, gây ra những hậu quả khó lường. Nhiều học sinh đã trở thành nạn nhân hoặc tham gia tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Đáng lo hơn là ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy mới pha trộn với thực phẩm được bán gần các cơ sở giáo dục, trường đại học, trung học cơ sở nhằm lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên sử dụng. “Đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an cho biết giải pháp để xử lý, ngăn chặn vấn đề này?”, đại biểu Hà Hồng Hạnh chất vấn.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, hiện nay, tình trạng sử dụng trái phép ma túy nói chung và ma túy tổng hợp nói riêng có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 9-2023, toàn quốc có khoảng 213 nghìn người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó có khoảng 81 nghìn người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy ở độ tuổi từ 16 - 30 tuổi, chiếm khoảng 38%.

Trong khi đó, ma túy tổng hợp ngày càng đa dạng về chủng loại, giá thành rẻ, dễ cất giấu, dễ sử dụng, dễ mang vào trường học và núp bóng dưới những cái tên rất mĩ miều, gây tò mò như tem giấy, bùa lưỡi, nước vôi, trà sữa… khiến cử tri và phụ huynh học sinh rất lo lắng.

Cùng với những giải pháp đấu tranh phòng, chống ma túy, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết đã tập trung ngăn chặn nguồn cung từ bên ngoài vào và đặc biệt coi trọng giảm cầu, vì đối tượng là giới trẻ, thanh niên và học sinh là đối tượng rất quan trọng để thực hiện các biện pháp giảm cầu về ma túy.

B.T – TTXVN

Đề xuất giải pháp bảo vệ người dám nghĩ, dám làm

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trả lời chất vấn.

Tại phiên chất vấn, liên quan đến việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Phó Thủ tướng đồng tình với các nhận định được các đại biểu đưa ra và nhận khuyết điểm trong việc có đến 60% văn bản hướng dẫn được ban hành sau ngày luật có hiệu lực; cho biết thời gian tới sẽ cố gắng từng bước khắc phục.

Nêu nguyên nhân dẫn đến việc chậm về thời gian và số lượng văn bản hướng dẫn thi hành, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng làm rõ việc ban hành nghị định, thông tư “cần có tính chuẩn mực, kiểm soát được tình hình và tạo điều kiện thông thoáng để vận hành”. Thực tế là hiện nay việc đánh giá tác động chính sách là khâu tốn kém nhiều thời gian, mất nhiều công sức và có ưu tiên hơn trong việc sửa các thông tư, nghị định “đang có hiệu lực nhưng có bất cập”.

Theo Phó Thủ tướng, thời gian tới Chính phủ sẽ tập trung nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp; làm tốt công tác đánh giá tác động, tham vấn chính sách; tăng cường năng lực cán bộ làm công tác pháp chế. Trong bối cảnh xây dựng hệ thống pháp luật trên cơ sở Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hiện cũng có những quy định cần tiếp tục sửa đổi.

Trả lời vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm về xây dựng hành lang pháp lý bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thẳng thắn chỉ rõ, đây là giải pháp nhằm giải quyết câu chuyện có nhiều người được giao chức trách, nhiệm vụ nhưng né tránh, đùn đẩy công việc. Tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ dám nghĩ, dám làm nhằm tôn vinh, khen thưởng và có cơ hội thăng tiến tốt hơn cho cán bộ. Tuy nhiên, việc“bảo vệ” còn vướng các quy định hiện hành. Đây là vấn đề khó, Phó Thủ tướng Chính phủ mong các đại biểu chia sẻ và đề xuất giải pháp.

Đã có cơ chế làm việc với các nền tảng mạng xã hội về gỡ bỏ thông tin xấu độc, sai sự thật

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn.

Chiều 7-11, trả lời chất vấn của đại biểu về quảng cáo thực phẩm chức năng và thuốc sai sự thật trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết các quảng cáo này có trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Vừa qua, Việt Nam đã có cơ chế làm việc với các nền tảng này về việc gỡ bỏ các thông tin xấu độc, quảng cáo sai sự thật; đồng thời thể chế hóa các quy định về trách nhiệm của các bên. “Hiện nay, tỉ lệ thực thi các yêu cầu của quản lý nhà nước về gỡ những thông tin xấu độc, sai sự thật trên mạng xã hội là rất nghiêm. Vấn đề là phải có phát hiện và báo cáo. Vấn đề đặt ra là bộ, ngành, địa phương quản lý gì trong thế giới thực phải di chuyển lên không gian mạng và thực hiện việc quản lý đó trên không gian mạng. Nếu thực thi gặp khó khăn sẽ có hỗ trợ của Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Công an. Mặt khác, các bộ ngành lên không gian mạng chưa nhiều và nghĩ đây là trách nhiệm riêng của Bộ Thông tin - Truyền thông. Đây là quan niệm cần được thay đổi”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Cải thiện lương nhân viên trường học

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn.

Nhân viên trường học có vị trí, vai trò quan trọng trong tổ chức các hoạt động dạy và học của nhà trường. Tuy nhiên, hiện lương của nhân viên nhà trường còn rất thấp, lương khởi điểm có hệ số 1,8, chưa tới 3 triệu đồng/tháng. Đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) đề nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết giải pháp cho thực trạng này?

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, nhân viên trường học gồm thủ quỹ, kế toán, văn thư. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo có khoảng 150.000 viên chức làm nhiệm vụ hỗ trợ, phục vụ tại trường học. Chế độ lương hiện nay với các viên chức hay còn gọi là nhân viên trường học còn rất thấp, chưa đảm bảo được mức lương tối thiểu vùng theo quy định.

Do vậy, trong quá trình thực hiện cải cách tiền lương tới đây, Bộ trưởng cho biết, sẽ đề nghị các địa phương tổng rà soát lại toàn bộ số lượng nhân viên trường học. Qua đó, trên cơ sở các thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính để có phương án rà soát, sắp xếp đảm bảo đúng danh mục vị trí việc làm, giúp thực hiện cải cách tiền lương đối với đối tượng này.

Tuy nhiên, các nhân viên trường học dù là viên chức nhưng hiện không được hưởng phụ cấp công vụ 25%, nên nếu thực hiện cải cách tiền lương thì đối tượng này sẽ chịu thiệt thòi nhất định. Do vậy, các bộ, ngành liên quan cần xem xét ban hành hướng dẫn nghiệp vụ về thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với nhân viên trường học, để khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ có thể xếp lương tốt hơn. “Bộ Nội vụ cũng sẽ báo cáo với cấp có thẩm quyền để xem xét về việc này”, Bộ trưởng cho biết.

Trả lời đại biểu về chính sách tiền lương của giáo viên mầm non, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Nhìn tổng thể, giáo viên mầm non lương rất thấp chỉ khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng. Trong thời gian tới, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ căn cứ theo Nghị quyết 27 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương, đặc biệt là quán triệt tinh thần Nghị quyết 29, đó là ưu tiên xếp lương của nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. “Điều này là nhất quán”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định.

Năng suất lao động trải qua 2-3 nhiệm kỳ vẫn chưa đạt

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Thi - Đoàn Bắc Giang về năng suất lao động, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, năng suất lao động là một trong các chỉ tiêu mà 2-3 nhiệm kỳ không đạt và gặp nhiều khó khăn về vấn đề này.

Để nâng cao năng suất lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề cập đến 4 vấn đề quan trọng: (1) công nghệ đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động; (2) vốn, nhiều vốn và vốn chất lượng cao rất quan trọng, sẽ giúp các quốc gia để xây dựng nền tảng sản xuất, chế biến; (3) nguồn nhân lực chất lượng cao, đây là yếu tố nền tảng, nhất là về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và ý thức tổ chức của người lao động; (4) kinh nghiệm cho thấy, các quốc gia phát triển và năng suất lao động cao, thường tỉ lệ lực lượng lao động phi chính thức thấp.

Vừa qua sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có phân công rất rõ ràng, Đề án về nâng cao năng suất lao động giao cho Bộ Khoa học, Công nghệ; Đề án nâng cao năng suất, đặc biệt đào tạo chất lượng cao thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì.