Siết chặt cung đường “nóng” vùng Tây Nguyên dịp cuối năm

Thứ bảy, 19/12/2020 20:40

Cứ đến dịp cuối năm, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn nối hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai luôn là một trong những khu vực “nóng” nhất vùng Tây Nguyên, thường xảy ra thực trạng các phương tiện vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong số đó, có không ít nhà xe, cánh tài xế bất chấp nguy hiểm sẵn sàng vận chuyển thuốc lá lậu, pháo nổ, thực phẩm bẩn hay thậm chí là ma túy đem về TPHCM tiêu thụ…

Lực lượng CSGT tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Cục QLTT tỉnh lập biên bản xử lý vụ xe khách vận chuyển 1,7 tấn lòng lợn bẩn đi tiêu thụ.

Mới đây khoảng 2 giờ ngày 16-12, trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua thôn 3, xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), tổ Thương mại điện tử thuộc Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk phối hợp lực lượng CSGT CA tỉnh Đắk Lắk kiểm tra chiếc xe khách BKS 81B014.79 do tài xế Trương Văn Sỹ (1983, trú TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) điều khiển, vận chuyển 33 thùng xốp đựng 1,7 tấn nội tạng, chủ yếu là lòng lợn. Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ số nội tạng động vật đã bốc mùi hôi thối và tài xế không xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý theo quy định của pháp luật.

Năm ngoái, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý một loạt vụ vi phạm nhưng rồi thực trạng trên vẫn cứ tiếp diễn vì lợi nhuận “khủng”. Các đối tượng càng ngày càng hoạt động tinh vi hơn, ngụy trang hàng cấm dưới nhiều lớp vỏ bọc, tuồn hàng đi bằng xe khách để tránh bị phát hiện…

Trung tá Ngô Hoài Nam- Phó trưởng Phòng CSGT CA tỉnh Đắk Lắk, cho biết: “Dịp cuối năm, rất nhiều đối tượng vận chuyển hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm bẩn… về TPHCM tiêu thụ. CSGT phải có kế hoạch tăng cường lực lượng xử lý (có sự phối hợp với Cục Quản lý Thị trường) 24/24 giờ mới có thể kiểm soát được tình hình.

Lực lượng QLTT kiểm tra 23 thùng xốp chứa nội tạng heo.

Còn theo ông Mai Trọng Toàn- Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp đến, đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng trọng điểm, thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn như hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đường, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, nước giải khát, xăng dầu, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật, một số mặt hàng đồ chơi trẻ em, các ấn phẩm (tranh, ảnh, sách báo…).

Cục trưởng Mai Trọng Toàn cho biết thêm, lực lượng QLTT tỉnh Đắk Lắk sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt tập trung vào các khu chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đường phố… Đồng thời, để phát hiện các thủ đoạn gian lận về giá hoặc lợi dụng đo lường, đóng gói để tăng giá, đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; đo lường hàng hóa (cân, đong, đóng gói hàng hóa). Công bố chất lượng, ghi nhãn hàng hóa của các cơ sở sản xuất, kinh doanh bán buôn, bán lẻ; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid19. Đơn vị kiên quyết không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tung tin đồn thất thiệt để tăng giá bất hợp lý gây bất ổn thị trường.

Ông Toàn nhấn mạnh: “Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk sẽ chỉ đạo Tổ công tác Thương mại – Điện tử truyền thông thu thập thông tin, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ kiểm tra, xử lý các vụ việc hoặc chuyển hồ sơ đến các lực lượng chức năng”. 

Đ.L