“So kè” đại dịch 2020 và 1918

Thứ tư, 06/05/2020 20:00

Mặc dù có một thế kỷ tiến bộ trong khoa học, dịch Covid-19 năm 2020 có nhiều điểm tương đồng đại dịch cúm năm 1918-1919, hay còn gọi là “cúm Tây Ban Nha”.

Bên trong bệnh viện dã chiến ở Mỹ trong đại dịch 1918 (ảnh phải) và năm 2020 (ảnh trái).

Tốc độ lây nhiễm kinh hoàng

Theo nhật báo Les Echos, đại dịch cúm 1918 khiến khoảng 50 triệu người chết trên khắp thế giới, tương đương với 2,5-5% dân số toàn cầu. Tên gọi “cúm Tây Ban Nha” được đặt cho đại dịch 1918 vì lúc đó, Tây Ban Nha, không tham gia Thế chiến I, là nước duy nhất công bố rộng rãi thông tin liên quan đến đại dịch.

Một thế kỷ sau, đại dịch Covid-19, không tàn sát như vậy, nhưng cũng khiến số người chết cao ngất ngoài sức tưởng tượng so với những thành tựu y học hiện nay. Dịch Covid-19 cũng có tốc độ lây lan chóng mặt, gây tỷ  lệ tử vong cao ở người cao tuổi và có bệnh nền. Tính đến ngày 5-5, theo trang thống kê Worldometers, thế giới ghi nhận gần 4 triệu người mắc Covid-19, trong đó số ca tử vong lên tới gần 252.000.

Và điểm chung trong cả hai đại dịch, tốc độ lây nhiễm nhanh là do sự di chuyển của con người và giao thông vận tải. Nơi nào phản ứng khẩn cấp sớm, nhanh chóng cấm tập trung đông người, đóng cửa nhà hàng, trường học thì sớm hạn chế được thiệt hại. Ví dụ, tại Mỹ, thành phố Philadelphia (bang Pennsylvania) vẫn duy trì cuộc diễu hành Liberty Loans Parade ngày 28-9-1918, kêu gọi chính phủ hỗ trợ đồng minh trong Thế chiến I, trong khi thành phố Saint Louis (bang Missouri) hủy cuộc diễu hành tương tự. Với hơn 20.000 người tham gia, cuộc diễu hành ở Philadelphia dẫn đến sự bùng nổ số ca nhiễm cúm ở Mỹ và từ đó, được coi là “cuộc tuần hành tang tóc nhất” trong lịch sử Mỹ. Tỷ lệ tử vong ở Philadelphia cao gấp đôi so với Saint Louis. Sau đó, theo quan sát của các chuyên gia kinh tế, địa phương nào có “phản ứng sớm hơn 10 ngày trước khi dịch đến thì hoạt động công nghiệp tăng 5%” trong những năm sau đó.

Tốc độ lan nhanh của dịch Covid-19 cũng do nhiều cuộc tập hợp đông người: bữa tiệc khổng lồ với 40.000 gia đình tham gia hôm 18-1 tại Vũ Hán; các nhà thờ của giáo phái Tân Thiên Địa ở Hàn Quốc; một buổi lễ Hồi Giáo vào tháng 2 gần thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) với khoảng 16.000 người tham gia; nhà hàng và quán bar nổi tiếng Kitzloch tại thị trấn nghỉ dưỡng trượt tuyết Ischgl (Áo) được cho là nơi lây lan Covid-19 đến nhiều nước Châu Âu…

Không có vaccine, thuốc điều trị

Năm 1918, không ai được tiêm vaccine, điều trị hay chữa khỏi bệnh cúm khi nó tàn phá thế giới và giết chết hơn 50 triệu người. Và cho đến nay, Covid-19 cũng vậy.

Khi chưa có thuốc đặc trị, con người vẫn có xu hướng tin vào những biện pháp  “mầu nhiệm”. Năm 1918, cơ quan y tế của Hải quân Mỹ giải thích là “không khí và ánh nắng mặt trời giết mầm bệnh trong vài phút”. Năm 2020, Tổng thống Donald Trump cũng đã có những tuyên bố về chất khử trùng, nhiệt độ ánh nắng mặt trời và một loại thuốc không được chấp thuận có khả năng diệt virus.

Trong dịch cúm 1918, các bác sĩ phẫu thuật đã ghi chú trong cuốn sách nhỏ rằng, chỉ một người bị bệnh nhẹ cũng đủ gây ra “một cuộc tấn công rất nghiêm trọng” cho nhiều người khác. Cảnh báo tương tự cũng áp dụng đối với Covid-19, đặc biệt là khi các nhà khoa học biết rõ số lượng lớn người mắc Covid-19 có thể lây lan mặc dù không có triệu chứng rõ ràng. Thông báo công khai của các bác sĩ cũng cảnh báo mọi người tránh dùng than đá và chỉ dùng thuốc của bác sĩ.

Tuy nhiên, theo AP, các bác sĩ cũng không rõ họ đang làm gì. Các tạp chí y khoa tại thời điểm đó mô tả sự ảnh hưởng lớn của các phương pháp điều trị bất thường. Một bác sĩ thời 1918 khuyến cáo mọi người nên ngửi một loại bột boric và chất natri bicarbonate (baking soda) để rửa mũi. Những người khác đã kê đơn quinine, strychnine và một loại cây độc trong vườn có tên Digitalis để giúp lưu thông, cũng như các loại thuốc có nguồn gốc từ i-ốt để khử trùng, bà Laura Spinney, người đã viết cuốn sách năm 2017 có tựa đề “Pale Rider: Cúm Tây Ban Nha năm 1918 và nó đã thay đổi thế giới”, cho biết. Các lý thuyết phổ biến lan truyền rằng, việc làm ấm bàn chân sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm bệnh, hoặc ăn đường nâu, hành tây nghiền nát...

Mâu thuẫn giữa giới khoa học và chính quyền

Mùa Xuân năm 1918, Loring Miner, một bác sĩ ở Kansas, Mỹ đã cảnh báo về sự xuất hiện một loại bệnh lạ, rất nguy hiểm. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ lúc đó phớt lờ những cảnh báo này. Một thế kỷ sau, bác sĩ Trung Quốc Lý Văn Lượng cũng cảnh báo về căn bệnh lạ liên quan loại virus mới SARS-CoV-2, gây tử vong cao. Và ông cũng bị phớt lờ và thậm chí bị cảnh cáo vì tung tin “thất thiệt”, “gây rối trật tự công cộng”. Cả hai bác sĩ sau đó đều có chung kết cục, qua đời vì chính căn bệnh mà họ cảnh báo đầu tiên.

Nhưng không phải chờ đến đại dịch Covid-19 mới thấy rõ mối liên hệ không hề đơn giản giữa giới chuyên gia và chính trị gia. Ngày 24-9-1918, ông George Clemenceau, lúc đó là chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Pháp kiêm bộ trưởng bộ Chiến Tranh, giận dữ tuyên bố trong một phiên họp nội các: “Một đợt dịch bệnh nghiêm trọng đang tràn qua Pháp và chúng ta lại không được thông tin”. 3 tuần sau, hội đồng khoa học trình báo cáo về nguồn gốc của dịch bệnh là do một loại vi khuẩn đã rõ hoặc “yếu tố đặc biệt chưa được biết”. Ngày 15-11-1918, tạp chí Le Concours chỉ trích “sự thất bại của cách phòng bệnh mang tính hành chính”.

Một thế kỷ sau, tuần san Pháp Le Point, trong số ra ngày 23-4, cũng đăng trên trang nhất chỉ trích tương tự, nhưng với từ ngữ mạnh mẽ hơn: “Phải chăng những kẻ quan liêu lấy mạng chúng ta?”. Tại Mỹ, trong khi giới khoa học khuyến cáo cần đóng cửa đất nước sớm hơn khi Covid-19 hoành hành ở Châu Âu, nhưng ông Trump đã không làm như vậy.

“Cuộc chiến” khẩu trang

Khẩu trang cũng là một bất đồng giữa giới y khoa và chính quyền. Vào tháng 11-1918, cũng như vào tháng 4-2020, Viện Hàn lâm Y tế khuyến cáo đeo khẩu trang, nhưng chính quyền nhiều nơi lại không bắt buộc.

Ví dụ, cách đây một thế kỷ, thành phố San Francisco đã bắt người dân đeo khẩu trang, nếu không sẽ bị “phạt từ 5 đến 100 USD hoặc 10 ngày tù giam. Hiện tại, người dân nhiều nước Châu Á sẽ bị phạt nếu không đeo khẩu trang ở ngoài đường. Trong khi đó, nhiều nước phương Tây, phải mất một khoảng thời gian mới hiểu được công dụng của khẩu trang trong cộng đồng. Một điểm chung khác trong cả hai đại dịch là tình trạng khan hiếm khẩu trang. Một thế kỷ sau, người dân lại lôi máy khâu, kim chỉ ra tự làm khẩu trang vải. Năm 1918 cũng như 2020, nhiều nhà máy đã chuyển đổi hoạt động để đáp ứng nhu cầu dịch tễ khẩn cấp. Ví dụ, năm 1918, tại Mỹ, một nhà máy sản xuất mặt nạ chống khí độc phục vụ chiến tranh chuyển sang sản xuất khẩu trang y tế. Năm 2020, nhà sản xuất ô-tô General Motors của Mỹ sản xuất máy trợ thở. Nhiều thương hiệu thời trang lớn thế giới sản xuất khẩu trang và nước khử trùng… 

Những tin đồn thất thiệt

Trong những tháng xảy ra đại dịch này, AP đã tiết lộ loạt các biện pháp không có thật lan truyền trên Facebook, Twitter và những thứ tương tự.

Những người theo thuyết âm mưu đã đổ lỗi Covid-19 là do sự phát triển của mạng 5G, giống như họ nói rằng, sóng vô tuyến gây ra bệnh cúm năm 1918. Những kẻ chủ mưu gần đây đã tấn công hơn một chục tháp mạng 5G của Anh sau nguồn tin giả đó. Trong khi đó, nhiều nước phương Tây hiện cáo buộc nhắm vào Trung Quốc, cho rằng, virus SARS-CoV-2 thoát ra từ phòng thí nghiệm P4 ở Vũ Hán, Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh gây hoang mang khi thắc mắc về một trung tâm nghiên cứu y tế quân sự Mỹ ở Fort Detrick bị đóng cửa đột ngột. Tỷ phú Mỹ Bill Gates cũng bị nghi ngờ liên quan đến đại dịch Covid-19 lần này. Trong đại dịch 1918, Đức bị tình nghi. Những chiếc tàu ngầm U-boot nổi tiếng của Đức bị cho là gieo rắc virus ở các hải cảng của Mỹ. Ngoài ra, còn nhiều tin đồn khác, như Berlin đã yêu cầu Cty dược Bayer nhồi vi khuẩn vào các viên thuốc aspirine hoặc cấy mầm bệnh vào đồ hộp được bán ở Tây Ban Nha.

Tin đồn, tin thất thiệt thời nào cũng có, chỉ khác là trong thời đại hiện nay được lan truyền với tốc độ chóng mặt... nhờ công nghệ số và mạng xã hội. Rõ ràng, giãn cách xã hội đã không đi kèm với giãn cách truyền thông xã hội. Trải qua một thế kỷ khoa học, chúng ta hướng đến tương lai, nhưng lại trở về quá khứ.

KHẢ ANH