Số phận tàu ngầm KRI Nanggala 402 mất tích của Indonesia

Thứ sáu, 23/04/2021 09:31

Cả thế giới hiện đang dõi theo chiếc tàu ngầm KRI Nanggala 402 của Indonesia, mất tích khi mang theo 53 người và đang tham gia hoạt động diễn tập vào ngày 21-4. Số phận của nó đang ở trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" khi các chuyên gia cho rằng, tàu ngầm Indonesia có nguy cơ không thể cứu.

Lực lượng hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ tàu ngầm KRI Nanggala 402 mất tích. Ảnh: AFP

Vì sao mất tích bí ẩn?

Tàu ngầm KRI Nanggala 402 có trọng tải khoảng 1.300 tấn là tàu ngầm tấn công Type 209 chạy bằng điện-diesel. Nó được đóng vào năm 1978 và bàn giao cho Indonesia vào năm 1981.

Theo chính quyền Indonesia, KRI Nanggala 402 mất tích khi đang diễn tập phóng ngư lôi bên ngoài bờ biển Bali vào sáng 21-4. Khi đó, con tàu không thông báo lại kết quả cuộc tập trận như kế hoạch và mất liên lạc vào 4 giờ 30. Tại thời điểm mất tích, trên tàu có 53 người và đang ở trong vùng nước sâu khoảng 700m. Hải quân Indonesia cho rằng, có thể trong quá trình lặn tĩnh đã xảy ra sự cố mất điện, khiến con tàu mất kiểm soát và không thể thực hiện các thủ tục khẩn cấp, sau đó chìm xuống độ sâu 600-700m. Ngoài ra, Hải quân Indonesia cũng thông báo đã phát hiện các vệt dầu loang quanh khu vực nghi là vị trí tàu gặp nạn. Do vậy, có thể khoang chứa nhiên liệu đã bị hư hỏng do áp lực của nước biển.

Hiện quân đội Indonesia đã triển khai hai tàu hải quân có khả năng phát hiện tàu ngầm để hỗ trợ công tác tìm kiếm. Ngoài ra, nước này cũng đã đề nghị hai nước láng giềng là Australia và Singapore trợ giúp. Trong bước tiến mới nhất, Hải quân Ấn Độ quyết định điều một tàu lặn cứu hộ biển sâu (DSRV) hiện đại nhất đến trợ giúp. Chiếc DSRV đã rời căn cứ ở Visakhapatnam, miền đông Ấn Độ. Đây là loại tàu đặc chủng, chuyên thực hiện nhiệm vụ giải cứu các tàu ngầm bị đắm hoặc gặp nạn do thiên tai ở vùng biển xa. DSRV được Ấn Độ đặt mua từ nhà thầu quốc phòng James Fishes (Anh) và là thiết bị được áp dụng những công nghệ, tính năng mới nhất về cứu hộ biển sâu. Hải quân Ấn Độ đã từng diễn tập cứu hộ tàu ngầm bằng DSRV, sơ tán thành công người từ tàu ngầm sang tàu lặn. 

Các quốc gia khác gồm Mỹ, Pháp, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đề nghị giúp đỡ.

Có nguy cơ không thể cứu

Tàu ngầm KRI Nanggala 402 được cho là đã ở trong vùng nước sâu khoảng 700m. Phó đô đốc hải quân Pháp Antoine Beaussant cho biết loại tàu ngầm này vốn được thiết kế chỉ chịu được áp suất ở độ sâu 250m và "nếu xuống độ sâu 700m, có khả năng tàu sẽ vỡ".

Vấn đề này cũng gây đau đầu cho các lực lượng cứu hộ. Vì nếu KRI Nanggala 402 chìm xuống độ sâu khoảng 700m, các thiết bị cứu hộ tàu ngầm hiện nay có thể không với tới. Thư ký Viện Tàu ngầm Australia, ông Frank Owen nhận định đây là độ sâu mà bất cứ đội cứu hộ nào trên thế giới đều bất lực. "Hầu hết các hệ thống cứu hộ tàu ngầm chỉ có thể hoạt động ở độ sâu khoảng 600m. Chúng có thể vươn xuống sâu hơn, do có biên độ an toàn trong thiết kế, song các thiết bị như máy bơm hay những hệ thống liên quan có khả năng không hoạt động", ông nói và cho biết thêm: "Các phương tiện cứu hộ có thể lặn xuống độ sâu đó, nhưng chưa chắc đã vận hành được".

Hải quân Indonesia đang triển khai 5 tàu hải quân và một trực thăng tới hiện trường, trong khi một tàu khảo sát đại dương cũng đang trên đường di chuyển. Tuy nhiên, tất cả những tàu này chỉ có khả năng tìm kiếm, không thể cứu nạn cho thủy thủ tàu ngầm. Bobby Adhityo Rizaldi, thành viên Ủy ban Hội đồng Dân biểu Indonesia, thừa nhận, hải quân nước này hiện không trang bị phương tiện chuyên dụng để cứu hộ tàu ngầm và phải nhờ sự hỗ trợ từ các quốc gia khác.

Tai nạn tàu ngầm rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, giống như tai nạn máy bay trên không, các vụ tai nạn tàu ngầm (do đặc điểm tác chiến ngầm dưới nước) thường gây ra những hậu quả rất thảm khốc. Vì vậy, các nước đang tăng cường nỗ lực cứu hộ để có thể cứu sống các thủy thủ đoàn khi có thông tin cho rằng, tàu ngầm chỉ còn đủ oxy cho đến ngày 24-4. Hiện các nỗ lực tìm kiếm con tàu đang được thực hiện trong điều kiện thời tiết tốt.

KHẢ ANH