Sớm giải quyết vướng mắc địa giới hành chính giữa 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum ( Kỳ 1: Hàng trăm hộ dân Quảng Nam “sống khổ” trên đất Kon Tum)

Thứ tư, 29/05/2024 15:31

Do bị chồng lấn địa giới hành chính (ĐGHC), hơn 30 năm qua cuộc sống của 335 hộ dân có hộ khẩu tỉnh Quảng Nam đang sinh sống trên đất 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi gặp rất nhiều khó khăn.

Người dân chia sẻ những khó khăn và mong muốn chính quyền hai tỉnh sớm giải quyết việc chồng lấn ĐGHC.
Con đường vào thôn 3 sình lầy, dốc đá đi lại rất khó khăn.

Để tìm hiểu cuộc sống của người dân thôn 3, từ trụ sở UBND xã Trà Vinh, phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng di chuyển theo con đường đất vào khu vực các hộ dân đang sống. Đi được một đoạn, chúng tôi phải dắt xe qua con đường đất sình lầy, dốc đá. Cây cầu nước Tối làm tạm bợ vắt vẻo bắt qua con suối nước chảy xiết rất nguy hiểm, có thể bị đổ sập bất cứ lúc nào. Sau hơn 1 giờ di chuyển khó khăn, chúng tôi đến ngôi làng có hàng chục căn nhà sàn tạm bợ nằm lưng chừng ngọn đồi. Ở đây không có điện, người dân dẫn nước từ khe suối về sử dụng, đường sá trong làng là lối đi mòn nhếch nhác...

Già làng Nguyễn Xuân Bốn (64 tuổi) tâm sự: Ông bà, cha mẹ ông định cư, sinh sống ở đây đã lâu. Tất cả người dân thôn 3 đều mang hộ khẩu xã Trà Vinh. Do bị chồng lấn ĐGHC nên chính quyền hai địa phương không đầu tư cơ sở hạ tầng khiến cuộc sống người dân nơi đây rất khó khăn, thiếu thốn nhiều thứ. Người dân thôn 3 mong muốn chính quyền hai địa phương sớm thống nhất phân chia lại ĐGHC, để khu vực đất sản xuất của người dân thôn 3 cho xã Trà Vinh quản lý, đầu tư cơ sở hạ tầng giúp người dân ổn định cuộc sống.

Do chồng lấn ĐGHC, cơ sở hạ tầng tại thôn 3 không được đầu tư xây dựng.

Tại thôn 3 có 1 điểm Trường Tiểu học và 1 điểm Trường Mầm non giảng dạy cho hơn 50 học sinh người đồng bào. Cả 2 ngôi trường xây dựng tạm bợ, thời gian sử dụng lâu nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Trường chưa được đầu tư điện, nước, không có các thiết bị dạy học hiện đại nên ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy và học. Cô giáo Nguyễn Thị Hương dạy lớp mầm non tại thôn 3 tâm sự: “Điểm trường này hiện nay có 20 học sinh, điều kiện học tập rất thiếu thốn, không điện, nước sinh hoạt. Vào mùa mưa, việc dạy và học của cô trò càng khó khăn hơn vì mưa lũ bao trùm các ngã đường đến trường, gây nguy hiểm cho việc đi lại. Những lúc trời đổ mưa, nước lại chảy tràn vào bên trong lớp học”.

Liên quan đến vướng mắc ĐGHC, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng cho biết, huyện không thể đầu tư ngân sách xây dựng hạ tầng dân sinh do không thuộc ĐGHC quản lý. Hơn 30 năm qua cuộc sống các hộ dân ở thôn 3 rất khó khăn khi không được đầu tư cơ sở hạ tầng, không điện, không có nguồn nước hợp vệ sinh, không có thủy lợi sản xuất, việc học tập của trẻ em bị gián đoạn, không đảm bảo an toàn khi điểm dạy và học tạm bợ, xuống cấp… Tuy nhiên, địa phương vẫn luôn chăm lo cho người dân ở thôn 3. Người dân được hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định của Nhà nước.

Người dân chia sẻ những khó khăn và mong muốn chính quyền hai tỉnh sớm giải quyết việc chồng lấn ĐGHC.

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Trần Duy Dũng, thực hiện chủ trương xã hội hóa trong công tác giáo dục và xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ dân sinh năm 2024, UBND xã Trà Vinh kêu gọi được mạnh thường quân Phan Văn Đức tài trợ xây dựng cầu treo dân sinh nước Tối tại thôn 3 với kinh phí 60 triệu đồng; gia đình mạnh thường quân Trần Ngọc Dương (trú TP Đà Nẵng) tài trợ xây dựng mới điểm Trường Tiểu học tại thôn 3 với kinh phí khoảng 700 triệu đồng. Tuy nhiên, khi đang triển khai thực hiện 2 dự án này thì UBND xã Đắk Nên lập biên bản buộc dừng thi công. “Việc chồng lấn ĐGHC giữa xã Trà Vinh và xã Đắk Nên được 2 tỉnh tích cực phối hợp giải quyết, nhưng chưa có được tiếng nói chung. Hậu quả là người dân sống trong khu vực chồng lấn ĐGHC phải chịu khổ. Vừa qua, UBND 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum thống nhất thành lập Tổ khảo sát liên ngành khảo sát thực địa và lấy ý kiến nhân dân tại khu vực tranh chấp. Kết quả có 99% hộ dân khu vựng chồng lấn ĐGHC đề nghị điều chỉnh phần nằm trên địa phận xã Đăk Nên về xã Trà Vinh quản lý. Trên cơ sở nguyện vọng của người dân, địa phương mong muốn lãnh đạo 2 tỉnh có kiến nghị lên Bộ Nội vụ và Chính phủ giải quyết dứt điểm các vướng mắc để địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng, chăm lo cho người dân ổn định cuộc sống” - ông Trần Duy Dũng nói.

Lê Vương (còn nữa)