Sóng biển xâm thực mạnh khiến nhiều hộ dân ở Ninh Thuận sống trong cảnh bất an
Đứng thất thần trước căn nhà bị sóng biển đánh sụp phần móng, tạo hàm ếch sâu hơn 2 mét, cột nhà gãy xiêu vẹo có thể đổ sập phần mái bất cứ lúc nào, ông Đỗ Xuân Bốn (72 tuổi, ngụ khu phố Ninh Chữ 1, thị trấn Khánh Hải) cho biết: “Năm ngoái, sóng biển cao 3 - 4 mét đánh tràn vào gây sập tường, móng nhà, gia đình mới làm vừa xong thì tối mùng 3 Tết năm nay sóng lại đánh sập tiếp. Gia đình đã mua cát, đá, xi măng hơn 100 triệu đồng đổ bê tông gia cố ngăn sóng nhưng không được, giờ hết khả năng làm nữa nên chỉ gia cố bằng cách đắp bao cát”.
Theo ông Bốn, hàng chục năm trước tại khu vực này có cồn cát cách bờ biển 15 - 20 mét, nên sóng không đánh vào các nhà dân dọc tuyến bờ biển. Mấy năm trở lại đây, do hoạt động nạo vét cát ở khu vực đầu kè gần khu phố làm cát ở cồn chắn sóng trôi về phía hố khai thác, nên từ đó sóng biển đánh trực tiếp vào sâu đất liền khiến nhà dân hư hỏng nặng.
Tương tự, căn nhà cấp 4 của anh Trần Văn Châu (khu phố Ninh Chữ 1, thị trấn Khánh Hải) hiện chỉ cách mép nước khoảng 2 mét, phần móng phía trước căn nhà bị những đợt sóng dữ đánh sập tan hoang. Từng khối bê tông nằm ngổn ngang, các cột hiên nhà bị đứt phần móng treo lơ lửng. Anh Châu buồn bã nói: “Tháng 10, tháng 11 năm ngoái, những con sóng biển cao từ 3-4 mét đánh vào nhà, cuốn trôi đất, cát, tạo ra những hàm ếch sâu, làm hỏng phần móng nhà. Sau Tết, liên tiếp có những đợt sóng dữ đánh vào khiến căn nhà bị hư hỏng nghiêm trọng, vợ chồng con cái phải di tản đến nhà người thân để tránh trú”.
Trao đổi với phóng viên, bà Trương Thị Thanh Vân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, Chi cục đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra thực tế, có báo cáo gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận kiến nghị các giải pháp xử lý, khắc phục. Qua khảo sát, hiện có khoảng 10 căn nhà ở khu phố Ninh Chữ 1 bị ảnh hưởng trực tiếp. Sóng biển, nước lớn cùng với thủy triều đã làm sạt lở, khiến một số căn nhà bị sập gây mất an toàn cho người và tài sản. Một số hộ dân đã chủ động thực hiện các biện pháp hạn chế xâm thực bằng cách gia cố bao tải cát và đổ đá hộc chống sạt lở. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
Trước mắt, để hạn chế nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, Chi cục Thủy lợi đề nghị chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân đang sống ven bờ biển, nhất là vào thời điểm mưa, bão tìm nơi an toàn để tránh trú; cắm biển báo nguy hiểm tại khu vực để cảnh báo cho người dân trong vùng được biết.
Về lâu dài, căn cứ Luật Đất đai năm 2013, đề nghị UBND huyện Ninh Hải phối hợp với các ngành chức năng đánh giá xác định khu vực Ninh Chữ 1 có phải là khu vực đất có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, đe dọa tính mạng con người hay không? Nếu có, UBND huyện đề xuất giải pháp thu hồi đất khẩn cấp theo quy định tại Khoản 1, điều 65, Luật Đất đai năm 2013. Nếu không, huyện kiến nghị UBND tỉnh Ninh Thuận cho phép khảo sát đánh giá toàn bộ hiện trạng tại khu vực Ninh Chữ 1 để có giải pháp phù hợp, đầu tư xây dựng đê biển để bảo vệ an toàn tính mạng cho nhân dân trong vùng.
N.T